Cây gạo - chứng nhân và niềm tự hào

Cây gạo cổ thụ ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) không chỉ là chứng nhân sống động của hơn hai thế kỷ thăng trầm, mà còn là biểu tượng văn hóa đậm đà tình làng nghĩa xóm - nơi lưu giữ hồn quê và ký ức bao thế hệ.

Những ngày tháng Tư lịch sử, người dân treo cờ Tổ quốc, hòa cùng màu hoa gạo, rực đỏ cả góc trời

Những ngày tháng Tư lịch sử, người dân treo cờ Tổ quốc, hòa cùng màu hoa gạo, rực đỏ cả góc trời

Trải qua biết bao mùa hoa đỏ rực, dẫu thời gian biến đổi, cây gạo vẫn hiên ngang như ngọn lửa âm ỉ cháy, nối liền quá khứ với hiện tại, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của cộng đồng nơi đây.

Tại khối 2, thị trấn Tiên Điền, không ai biết chính xác cây gạo có từ khi nào. Ngay cả những cụ cao niên nhất cũng chỉ nghe kể lại rằng cây đã qua 6 đời người, hơn 200 năm tuổi.

Trải qua bao cuộc chiến tranh, thăng trầm của lịch sử, cây vẫn hiên ngang vươn mình, như một biểu tượng bất khuất của làng quê gắn liền với đại thi hào Nguyễn Du.

Mỗi độ tháng Ba (âm lịch) về, hoa gạo lại đỏ rực một góc trời, khiến lòng người nao nao, nhớ về một miền ký ức bình dị, thân thương. Đối với người dân Tiên Điền, cây gạo đã trở thành một phần máu thịt của làng - nơi chứa đựng kỷ niệm thời ấu thơ và những câu chuyện cha ông truyền lại.

Nằm trong khuôn viên gia đình ông Đặng Tất Thắng, cây gạo được chăm chút và gìn giữ như một “báu vật”.

Bà Chỉnh, vợ ông Thắng, xúc động kể: Năm 1968, trong một trận bom ác liệt, cây gạo từng bị thiêu rụi trong sự tiếc nuối của dân làng. Những tưởng cây đã không thể hồi sinh, nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra, mùa sau, cây lại đâm chồi, nảy lộc, vươn tán xanh tỏa bóng, như chính tinh thần bất khuất của người dân Tiên Điền.

Mỗi mùa hoa gạo nở, hàng nghìn lượt du khách khắp nơi tìm về nơi đây để chiêm ngưỡng và ghi lại khoảnh khắc rực rỡ của một di sản sống. Dân làng xem cây như một phần linh hồn quê hương - không chỉ hiện diện trong cảnh sắc, mà còn in đậm trong tâm khảm từng người con trên mảnh đất này.

Thân cây xù xì, phủ đầy rêu phong, cao đến 50 mét, đường kính lớn hơn 2,5 mét - mang nét đẹp cổ kính như một pho sử đá sống động. Theo lời những người lớn tuổi đã trải qua hai cuộc kháng chiến, trong thời binh lửa, bộ đội từng dừng chân nghỉ ngơi, trú ẩn dưới gốc cây.

Cây gạo không chỉ che chở, mà còn lưu giữ những giấc mơ, khát vọng cháy bỏng về ngày đất nước yên bình.

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, khi làng rợp màu cờ đỏ sao vàng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, màu hoa gạo hòa cùng sắc cờ tạo nên một khung cảnh vừa thiêng liêng, vừa lay động lòng người.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền chia sẻ: “Cây gạo 200 năm tuổi của chúng tôi không chỉ đơn thuần là một cây cổ thụ quý hiếm. Với bà con nơi đây, đó chính là biểu tượng văn hóa tinh thần - là nơi neo giữ ký ức, tình cảm và niềm tự hào của một cộng đồng gắn bó qua bao thế hệ”.

Hoa gạo - sắc đỏ ký ức làng quê

Cây gạo, còn gọi là mộc miên hay hồng miên, là loài cây thân gỗ sống ở vùng nhiệt đới, thân cao lớn và thẳng tắp. Ở Tây Nguyên, cây còn được biết đến với tên gọi thân thương: Pơ-lang.

Vào mùa đông, cây rụng hết lá, đến tháng 3-4 (âm lịch), từng chùm hoa đỏ thắm bung nở, năm cánh xòe rộng như mời gọi hè sang.

Thân cây có gai, quả chứa những sợi bông nhẹ. Hoa gạo từ lâu đã trở thành biểu tượng gắn liền với vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Việt Nam. Mỗi độ hoa nở, sắc đỏ rực cả một góc trời, mang lại khung cảnh bình yên, thân thương và đầy hoài niệm...

HOÀNG LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/cay-gao-chung-nhan-va-niem-tu-hao-131358.html