Cấy 'gen xanh' vào quy hoạch
Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức xấu, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ mức xấu tới rất xấu (từ trên 100 đến trên 200). Chỉ số bụi mịn PM2.5 có thời điểm đã lên tới trên 60, gấp 12,4 lần giá trị hướng dẫn hàng năm về PM2.5 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này tác động tiêu cực tới sức khỏe người già, trẻ em, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp.
“Cấy gen” xanh vào quy hoạch Thủ đô
Trước tình trạng này, thành phố đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề, trong đó, xây dựng và phát triển thành phố xanh là nhu cầu tất yếu. Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững, ông Hà Minh Hải - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, hiện nay, Hà Nội đang được định hướng xây dựng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển. Do đó, công tác bảo vệ môi trường cần được thực hiện đồng bộ hiệu quả, với các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước tại các hệ thống sông hồ.
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết đặt ra lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2025 - 2030, sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định về vùng phát thải thấp (quy định cụ thể tại Điều 4) phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Nghị quyết cũng đặt ra một biện pháp phải áp dụng trong vùng phát thải thấp. Cụ thể, khu vực này chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp và cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền khu vực phát thải thấp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
“Để làm được điều này, bốn từ khóa quan trọng cần được “cấy gen” vào quy hoạch đó là xanh, số, thông minh và bền vững. Từ đó, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với định hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh và thông minh, thành phố kết nối toàn cầu. Hướng tới đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu đô thị xanh thông minh, có bản sắc ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố Hà Nội. Quá trình thực hiện mục tiêu phát triển đô thị xanh của thành phố không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường, và quản lý năng lượng hiệu quả.
TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc phát triển Hà Nội xanh không thể chậm trễ. Theo đó, cần có cách nhìn mới về không gian kinh tế và môi trường, xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính. Ông Kiên lấy ví dụ, thành phố có thể nghiên cứu phương án phi tập trung hóa đô thị, xây các trung tâm năng lượng tái tạo ở vùng ven, với phí đầu tư rẻ hơn do chênh lệch giá đất và các chi phí khác. Như vậy, các khu tái định cư sẽ có xu hướng mở rộng và phát triển ra vùng ven của đô thị lõi.
Tại châu Âu, việc phi tập trung hóa đô thị đã hình thành nên các đô thị nhỏ, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị. Việc này giúp quá trình công nghiệp hóa nông thôn hài hòa, giảm áp lực lên các siêu đô thị và “dễ dàng xanh hóa đô thị với chi phí hợp lý hơn”.
Chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính
Phát triển đô thị để tạo động lực tăng trưởng kinh tế là một chỉ dấu kinh tế tích cực, nhưng cũng đi kèm với những thách thức to lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính: phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.
Hà Nội với quy mô dân số gần 10 triệu người, diện tích hơn 3.300 km2, là một trong 20 thành phố có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới. Cùng sự phát triển nhanh chóng, thành phố đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông... Thành phố được định hướng trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và xử lý cơ bản ô nhiễm nước ở các hệ thống sông, hồ, theo Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị. Chiến lược tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa vào quy hoạch Hà Nội tới 2030, tầm nhìn 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065, cùng với Luật Thủ đô sửa đổi.
Hiện nay, Hà Nội đang có những nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra những không gian sống lý tưởng cho cư dân thành phố. Kiến trúc bền vững là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị xanh. Nhiều công trình mới ở Hà Nội được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tích hợp các công nghệ xanh.
Về lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm việc mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh và phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Thành phố cũng thúc đẩy việc sử dụng xe đạp và xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích lối sống lành mạnh và giảm thiểu khí thải.
TS Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), cho biết theo thống kê, hàng năm, Việt Nam có sản lượng vận tải khoảng 247 triệu hành khách*km với lượng phát thải khoảng 489.700 triệu tấn*km. Trong đó, đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách và hàng hóa, chiếm trên 85% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2014 – 2023). Nhu cầu vận tải dự đoán sẽ vẫn tiếp tục tăng cho tới năm 2050, và sẽ tăng tương đối nhanh theo tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của đất nước, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội hay TP HCM.
Nhu cầu vận tải tăng đồng nghĩa với số lượng phương tiện cơ giới cá nhân sẽ tăng lên, dù cách đây vài năm đã có dự báo Việt Nam đang bước vào giai đoạn số lượng xe máy sẽ không tăng nữa. Nhưng thực tế, trong những năm vừa qua, số lượng xe máy vẫn tăng vào khoảng 6 – 7%/năm, thậm chí con số này với ô tô còn cao hơn, với mức tăng khoảng 10% mỗi năm. Trong đó, chủ yếu vẫn là phương tiện tiêu thụ năng lượng hóa thạch (chiếm khoảng 95% nhu cầu năng lượng hóa thạch). Nhu cầu vận tải lớn chính là một trong những nguyên nhân chính gây nên phát thải và ô nhiễm.
Vì vậy, TS Khuất Việt Hùng cho rằng có 5 giải pháp lớn cho tình hình này. Trước tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời, trong tương lai xa, cần đặt trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đường bộ liên tỉnh và nội đô. Đây cũng chính là giải pháp căn bản để định hình cho mục tiêu kéo giảm phát thải ròng cho đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Khi có hệ thống giao thông đường sắt phát triển thì mới có thể giảm dần lượng xe cơ giới và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Do đó, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam cũng là một trong những nỗ lực xanh hóa, phát triển bền vững. Đồng thời, cần phát triển hạ tầng xanh cho tất cả các phương thức vận tải khác, từ đường bộ, đường thủy nội địa, tới hàng hải, hàng không và ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) trong quản lý giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, cũng cần tối ưu hóa hiệu quả của vận tải và logistics nhằm giảm phát thải, cần sử dụng hiệu quả năng lượng, chuyển đổi sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa, hướng tới việc phát thải lượng carbon thấp hơn trên mỗi km. Trong đó, nên dành sự quan tâm thích đáng tới việc phát triển năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, năng lượng sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng cần có các chính sách về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ tiêu dùng, hỗ trợ tài chính, đặc biệt là việc đầu tư vào các công nghệ hiện đại phục vụ phát triển xanh. Từ đó, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, phân tích, dự báo nhằm cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Để phát triển đô thị xanh, không chỉ cần xanh hóa hạ tầng giao thông, mà còn cần có những giải pháp khác, một trong những giải pháp thiết thực được đưa ra là việc quản lý và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo tiến tới có thể đảm bảo được 25 – 28% tổng sản lượng điện quốc gia là một nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực triển khai phối hợp đồng bộ của cả trung ương và địa phương.
“Thực tế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thời gian vừa qua đã chứng minh nếu có cơ chế chính sách phù hợp, chúng ta có thể huy động được một nguồn vốn rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo theo mô hình năng lượng phi tập trung. Dù vậy, sự phối hợp giữa các chính sách ưu tiên sản xuất cung ứng điện với các chính sách ưu đãi để sản xuất thiết bị lưu trữ cho năng lượng tái tạo và các thiết bị sử dụng điện đa hệ chưa được đồng bộ nên đã gây áp lực rất lớn đến việc phát triển điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Ông Kiên nhấn mạnh.
Hiện nay, 3 nguồn điện tái tạo được sử dụng chính tại Hà Nội là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, Thủ đô chưa có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô.
Do đó, ông Kiên kiến nghị, cần xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hay chủ các tòa nhà có thể chủ động, thuận tiện trong việc đầu tư điện áp mái hay năng lượng xanh cho từng căn nhà của mình. Thành phố cũng cần chủ động ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm dân dụng tiêu thụ điện được bán trên thị trường. Các nhà sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn này khi cung cấp sản phẩm điện tiêu dùng ở khu vực Thủ đô, nếu không sẽ phải chịu một mức phí chuyển đổi năng lượng. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với tiêu chuẩn mà các quốc gia công nghiệp phát triển đang áp dụng.
Đồng thời, cần xây dựng giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo để lượng điện tái tạo mà các nhà đầu tư không sử dụng hết được quyền cấp lên lưới để cung ứng cho xã hội. Nếu quy định công suất điện áp mái không vượt quá nhu cầu công suất sử dụng cực đại của mỗi nhà đầu tư thì thành phố lại phải có chính sách hỗ trợ cho các hộ tiêu thụ điện trong quá trình lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, các hộ tiêu thụ điện riêng lẻ đầu tư công nghệ lưu trữ điện. Có thể áp dụng chính sách thành phố mua các công nghệ và thiết bị này rồi cho các hộ gia đình thuê để lưu trữ điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo của mình.
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Quản lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn là giải pháp quan trọng
Kinh tế tuần hoàn là phương thức để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Do đó, quản lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phát triển đô thị xanh, bền vững hiện nay. Hiện nay, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại đô thị đã được hệ thống văn bản pháp luật quy định ngày càng hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo hướng kinh tế tuần hoàn; là bước tiến quan trọng để thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể và định hướng, lộ trình về áp dụng kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH còn thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý CTRSH còn thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các địa phương, vùng, miền; còn nhiều bất cập trong quản lý chất thải nhựa.
Do đó, tôi đề xuất cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế CTRSH, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện tài chính xanh, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế CTRSH. Cần xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý CTRSH, đặc biệt là về phân loại tại nguồn.
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Lưu ý đến nguồn phát thải từ các nhà máy đốt rác
Hiện nay, không khí của Hà Nội đang bị ô nhiễm, nguyên nhân chủ yếu là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy (chạy bằng xăng, dầu); từ các hoạt động sản xuất công nghiệp; các hoạt động xây dựng đô thị và từ đốt rác, đốt rơm rạ… Tuy nhiên, ô nhiễm không chỉ đến từ những nguồn thải trực tiếp trên địa bàn Hà Nội mà thành phố còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn phát thải này ở các vùng lân cận dồn về. Hiện nay, Hà Nội chưa có hoạt động kiểm kê cụ thể về khối lượng, phần trăm của mỗi nguồn thải nên chưa có lộ trình giảm phát thải cụ thể cho mỗi ngành, nghề, khu vực (quận/huyện). Do đó, công tác giảm phát thải chưa có được hiệu quả rõ rệt.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến nguồn phát thải từ các nhà máy đốt rác, dù mới xuất hiện vài năm nhưng những nhà máy này cũng bắt đầu gây ô nhiễm môi trường vì phát thải ra không khí những chất vô cùng độc hại như dioxin/furan. Tôi mong muốn, lãnh đạo thành phố lưu tâm và có giải pháp đối với nguồn thải này.
PGS. TS. Nguyễn Trường Lạng - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Cần một hệ thống quản trị thủ đô xanh
Đô thị xanh là một phạm trù và là xu hướng tất yếu. Theo tôi, trong xu thế này, chúng ta cần một hệ thống quản trị thủ đô xanh. Hiện nay, tôi chưa thấy có ai xây dựng hệ thống quản trị này mà mới đang chỉ tập trung nói về những tiêu chuẩn xanh, những giải pháp cụ thể tại một lĩnh vực cụ thể. Tôi cho rằng, nếu bộ máy quản trị của thành phố chưa thay đổi thì khó có thể có sự đột phá trong xây dựng thành phố xanh, bền vững.
Như vậy, làm thế nào để xây dựng hệ thống quản trị thủ đô xanh? Tôi đề xuất, cần phải xây dựng mô hình quản trị theo theo những tiêu chuẩn khắt khe rõ ràng, mạch lạc của thế giới và của Việt Nam, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội và của Luật Thủ đô. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn vào những công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhất trong quá trình xây dựng thành phố xanh, như công nghệ xử lý rác thải, công nghệ năng lượng sinh khối, công nghệ quản lý giao thông, xây dựng hạ tầng giao thông công cộng…
Tôi cho rằng, nên đẩy nhanh thí điểm về làm sạch nước hồ, sông ở Hà Nội và trước tiên nên thí điểm với “3 hồ, 3 sông” ở Hà Nội gồm hồ Tây, hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Bởi những hồ kể trên là những địa điểm thu hút khách du lịch, việc làm sạch lòng hồ cũng giúp gây dựng hình ảnh “Hà Nội xanh” trong mắt bạn bè quốc tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cay-gen-xanh-vao-quy-hoach-10296547.html