Thách thức kép với chính sách tiền tệ

Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25% lãi suất, nhưng gần như chắc chắn, USD vẫn neo cao, gây sức ép lên tỷ giá trong nước. Trong khi đó, lãi suất cũng chịu nhiều áp lực gia tăng.

Nếu Chỉ số USD Index gia tăng, thì tỷ giá có nguy cơ tăng mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Nếu Chỉ số USD Index gia tăng, thì tỷ giá có nguy cơ tăng mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Thách thức nhân đôi

Giới đầu tư toàn cầu đang hướng sự chú ý tới cuộc họp của Fed diễn ra vào ngày 17-18/12 tới. Tỷ lệ đặt cược đang nghiêng về khả năng Fed cắt giảm thêm 0,25% trong phiên họp này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, quan điểm của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là kiểm soát lạm phát không chỉ bằng chính sách tiền tệ (cắt giảm lãi suất), mà còn phải sử dụng các biện pháp tài khóa như tăng thuế. Ông Trump cũng muốn duy trì USD mạnh để các nước khác phải “gườm” sức mạnh Mỹ.

Do đó, theo vị chuyên gia này, trong thời gian tới, dù Fed tiếp tục giảm lãi suất, thì khả năng USD sẽ duy trì sức mạnh. Trường hợp Chỉ số USD Index vẫn xoay quanh mức hiện nay (106 điểm), mà không sụt giảm về mức dưới 100 điểm nếu Fed hạ lãi suất, thì tỷ giá trong nước sẽ neo ở mức như hiện nay. Nhưng nếu USD Index gia tăng, tỷ giá có nguy cơ tăng mạnh.

“Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không thể phá giá nội tệ, do Việt Nam đang ở trong danh sách các quốc gia bị theo dõi thao túng tiền tệ. Điều này sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo giới chuyên gia phân tích, dù khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 12 là khá chắc chắn, song bước sang năm 2025, Fed sẽ thận trọng hơn khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước chịu nhiều phen sóng gió. Tại thời điểm giữa năm, tỷ giá tăng tới 5%, song hạ nhiệt dần khi Fed giảm 0,5% lãi suất vào tháng 9/2024. Dù vậy, bước sang quý III/2024, tỷ giá trong nước nóng trở lại theo đà tăng của đồng bạc xanh trên thế giới, buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Đến thời điểm này, tỷ giá chỉ còn tăng hơn 4,1%, một phần do các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, một phần do cải thiện nguồn cung USD từ xuất khẩu, tăng trưởng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối…

Việc Fed cắt giảm lãi suất 2 lần liên tiếp từ tháng 9 tới nay hỗ trợ phần nào cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích của VNDirect, dự báo cho năm 2025 ngày càng trở nên khó khăn hơn do sự không chắc chắn trong chính sách của Mỹ sau khi ông Trump tái đắc cử.

Thế khó trong điều hành tỷ giá, lãi suất năm 2025

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước phải bán ra một lượng không nhỏ ngoại tệ để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối quốc gia bị hao hụt.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, với dự trữ ngoại hối hiện nay, để phòng ngừa rủi ro từ bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước đứng trước thách thức vừa phải giữ lãi suất đủ cao để hỗ trợ đồng nội tệ, vừa phải giữ lãi suất hợp lý để nền kinh tế tiếp tục phục hồi.

Theo giới phân tích, nếu tỷ giá trong thời gian tới căng thẳng hơn, thì Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Thay vào đó, năm 2025, nhà điều hành có thể phải tính tới việc nâng lãi suất.

Hiện có nhiều yếu tố đe dọa USD tiếp tục tăng giá như các giải pháp nới lỏng tài khóa, việc gia tăng hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và hàng nhập khẩu nói chung… Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, lạm phát có nguy cơ quay lại dưới thời ông Donald Trump, khiến Fed thận trọng hơn với lộ trình giảm lãi suất. Nếu USD tiếp tục tăng giá, cộng thêm Fed trì hoãn tăng lãi suất, thì Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều áp lực với tỷ giá.

TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc USD có xu hướng tăng dưới thời ông Donal Trump sẽ tác động tới toàn thế giới. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải cực kỳ linh hoạt và có nhiều kịch bản ứng phó với diễn biến tỷ giá.

Dĩ nhiên, nếu tỷ giá tăng, thì mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khó đạt được. Thậm chí, một số thời điểm, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất để hạ nhiệt tỷ giá. “Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành lên lần lượt 4,75% và 5% vào cuối năm 2025 và 2026”, chuyên gia của HSC dự báo.

Gia tăng áp lực lên tỷ giá và lãi suất

Theo báo cáo phân tích của MBS, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm trong thời gian tới nhờ các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra ở mức độ khiêm tốn, vì các chính sách được tân Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ giúp USD giữ đà tăng giá và gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá tăng cũng gây áp lực lên lãi suất. Trong tháng 11/2024, 16 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,1-0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1 - 5,2% vào cuối năm 2024.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thach-thuc-kep-voi-chinh-sach-tien-te-d232353.html