Cây giảm nghèo ở Tân Thanh

Trong cơ cấu phát triển kinh tế, xã Tân Thanh (Lâm Hà) đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sang hướng trồng cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả song song với cây cà phê truyền thống. Những ưu việt về vốn, thời gian và lợi nhuận của những loại cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là cây dâu tằm đã thực sự thuyết phục được người dân. Hiện trên địa bàn này, không chỉ người Kinh, mà bà con dân tộc thiểu số (DTTS) cũng đã mạnh dạn chuyển đổi và thấy rõ hiệu quả.

Nghề nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho nông dân ở Tân Thanh

Nghề nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho nông dân ở Tân Thanh

Khái quát về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, ông Nguyễn Hải Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh hồ hởi nói: “Tân Thanh từng là địa bàn khó khăn của huyện Lâm Hà. Tuy nhiên thời gian gần đây, bộ mặt địa phương và nhất là đời sống người dân đã có những bước tiến đáng kể. Một phần thành tựu đó nhờ hiệu quả kinh tế từ cây dâu tằm đem lại. Toàn xã có 12.000 hộ. Trong đó có 64% dân số là người DTTS, 20% trong số đó là bà con DTTS gốc Tây Nguyên. Nhờ giá kén ổn định, nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu. Tỷ lệ hộ thoát nghèo chung là 133 hộ, giảm 39 hộ (4,49%) so với đầu năm 2018 và đến tháng 9 năm 2019 đã có thêm 59 hộ thoát nghèo, trong đó tỷ lệ hộ thoát nghèo vùng đồng bào DTTS là 37 hộ”.

Anh Võ Viết Dương, cán bộ khuyến nông xã cho biết, nghề nuôi tằm theo chân những người dân kinh tế mới vào Tân Thanh gần 40 năm trước. Ban đầu chỉ một số ít người làm, kỹ thuật nuôi tằm lạc hậu, giống dâu cũ nên người ta vẫn bảo “nuôi tằm ăn cơm đứng” chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì. Thế nhưng những năm gần đây, kỹ thuật cùng với giống dâu mới cho năng suất đã tạo ra bước ngoặt phát triển vượt bậc về thu nhập so với nhiều loại cây trồng khác, do vậy số hộ dân trồng dâu, nuôi tằm tăng lên nhanh chóng.

Cụ thể, sau đề án phát triển cây dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng được ban hành, huyện Lâm Hà cũng đã xây dựng đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà”. Một số địa bàn như Đông Thanh, Nam Ban và Tân Thanh được xác định phát triển cây dâu tằm thành cây thoát nghèo. Bắt đầu từ năm 2015, cây dâu tằm được đưa vào sản xuất diện rộng trên địa bàn xã. Ban đầu các hộ dân chỉ phá bỏ vài sào cà phê để trồng dâu. Tuy nhiên, với nhiều cách thức nuôi tằm mới, giống dâu cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt nguồn thu từ kén lớn đã khiến nhiều nông dân ở Tân Thanh mạnh dạn hơn trong chuyển đổi.

Anh Trần Khắc Mừng (Thôn 1), một trong những hộ phất lên nhờ nghề nuôi tằm ở Tân Thanh cho hay: “Gia đình tôi có trên 7 sào đất cà phê. Ban đầu tôi chuyển đổi thử 1 sào, hiệu quả thấy rõ nên gia đình mạnh dạn phá bỏ hết để trồng dâu nuôi tằm. Chất đất ở Tân Thanh tốt, phù hợp với cây dâu tằm, cộng với việc hai giống dâu nội địa VA-201 và S7-CB phát triển cho năng suất cao nên đảm bảo cho việc nuôi tằm ổn định. Hàng năm, gia đình tôi nuôi khoảng 8 lứa, mỗi lần 10 hộp tằm. Với giá kén ổn định như hiện nay từ 150 - 170.000 đồng/kg, thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với trồng cà phê”.

Để phát triển quy mô trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn, xã Tân Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi như cho vay vốn, tạo điều kiện để các đại lý cung ứng các giống tằm, giống dâu có năng suất, chất lượng, đồng thời mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, việc người dân các dân tộc sống xen kẽ nhau nên việc học tập và lan tỏa phong trào trồng dâu nuôi tằm đến tận các hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Ông Ha Len (Thôn 9) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nhiều nong tằm, trồng dâu trên diện tích 4 sào, nâng cao thu nhập từ việc nuôi tằm. Ông cho biết, “mỗi lứa tằm chỉ nuôi tầm 17 - 20 ngày là có thể bán kén ra ngoài thị trường, tổng cộng một năm nhà tôi nuôi được 7 lứa tằm. Mỗi cân kén bán ra khoảng 150 nghìn đồng, trung bình mỗi lứa tằm được 60 kg, tổng thu nhập của gia đình tôi được gần 100 triệu đồng/năm. Không những thế, gia đình tôi còn kiếm thêm thu nhập nhờ cung cấp giống dâu cho bà con quanh vùng. Nhờ con tằm cái kén mà nhiều hộ đồng bào nghèo đã mua được xe máy, xây nhà, sắm sửa đồ tiện nghi trong nhà”.

Tân Thanh hiện còn là nơi cung cấp giống dâu cho các xã lân cận, nhất là khu vực xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Đặc biệt, lãnh đạo xã Tân Thượng cũng đã làm việc với xã Tân Thanh để địa phương này hỗ trợ người dân Tân Thượng qua học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm.

Lãnh đạo xã Tân Thanh khẳng định, dâu tằm là cây giảm nghèo của địa phương. Nhờ cây dâu tằm người dân có thêm nguồn lực cùng địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế của xã. Nhờ vậy, hiện nay cơ sở vật chất của Tân Thanh ngày càng được đồng bộ và hoàn thiện.

Hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Tân Thanh đã được khẳng định. Để tiếp tục là vùng dâu tằm tập trung lớn của huyện và để cây dâu thực sự là cây trồng mũi nhọn, từ nay tới năm 2020, Tân Thanh xác định phát triển cây dâu trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Theo báo cáo của UBND xã Tân Thanh, hiện xã có trên 600 ha dâu được chuyển 100% giống mới, có hơn 60% số hộ trên địa bàn xã nuôi tằm.

PHONG VÂN - HOÀNG MY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/cay-giam-ngheo-o-tan-thanh-2967838/