Cây hồi sinh đất Ninh Thuận

Từ những năm 1990 trở về trước, có dịp qua Ninh Thuận vào dịp cận Tết, lữ khách sẽ phải sững sờ. Hai bên đường thiên lý Bắc - Nam, nhất là đoạn qua Cà Ná núi thò chân ra biển, bạt ngàn là một rừng mai vàng rực. Giờ thì kinh hoàng, mai, bạch mai đều biệt bóng. Còn chăng chỉ đá núi trơ gan, trong nắng Chàm nhìn hoa cả mắt.

Khoảng chục năm nay, mỗi lần về Phan Rang đón Tết, tôi đều đau đáu một giấc mơ viển vông: hồi sinh lại những rừng mai Panduranga bạt ngàn vàng rực. Nhưng bất khả. Tốc độ sa mạc hóa đang diễn ra rất nhanh, biến phần thung lũng có quốc lộ 1 chạy qua, sát vùng đồi núi Ninh Thuận thành hoang mạc.

Không có loài cây nào khả dĩ chống chọi nổi với cái nắng nóng khốc liệt của vùng đất có khi 16 tháng trời không một giọt mưa (như năm 2007). Thảm thực bì bản địa gần như đã thành cát bụi. Những mạch nước hiếm hoi trong các rừng chồi tạp khi xưa mà tôi từng biết giờ đều biến mất. Đất tróc vảy rồi thành bụi, để lại một lớp sỏi vụn không dưỡng chất...

Trong khi đó, một gã đọc sách như tôi thì chẳng có mấy hiểu biết về địa chất, địa lý hay cây cỏ... Giấc mơ hoa như đá sỏi Panduranga, hóa cát và lọt trôi dần qua những kẽ tay.

Nhưng không chỉ mình tôi, còn rất nhiều người khác, nhất là những người trẻ làm khoa học, vẫn luôn day dứt nghĩ và tìm ra những phương cách chống lại quá trình sa mạc hóa, đem màu xanh phủ lên những cỗi cằn khô khét của đất Ninh Thuận một cách có hiệu quả.

Tôi đã rất mừng khi đọc được thông tin từ chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy rằng: anh và các bạn trong nhóm Quỹ Sống (Sống Foundation) đang nghiên cứu và thực nghiệm việc tái tạo màu xanh, tiến tới phủ xanh đồi trọc, hồi sinh rừng và thảm thực vật cho Ninh Thuận.

Bảo vệ tiến sĩ về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) vào năm 2010, Nguyễn Ngọc Huy đã có hơn 15 năm chuyên nghiên cứu về thiên tai, biến đổi khí hậu ở các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cây keo dậu có sức sống mãnh liệt ở vùng khô hạn.

Cây keo dậu có sức sống mãnh liệt ở vùng khô hạn.

Trang FB Huy Nguyen của anh đã trở thành một kênh đưa tin cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan rất uy tín trong hơn 10 năm trở lại đây.

Đặc biệt trong suốt mùa mưa - bão - lũ 2020, những dự báo của Nguyễn Ngọc Huy đã tỏ ra rất chính xác, kịp thời, giúp người dân các vùng thiên tai sắp xảy ra biết trước, có những động thái chuẩn bị, đề phòng thích hợp, giảm thiểu những thiệt hại về người và của.

Ngoài ra anh có thành lập, tham gia một số nhóm hoạt động cứu giúp, cải tạo môi trường trước những tác động cực đoan của La Nina hay quá trình Solar trên địa bàn cả nước...

Ở Ninh Thuận, Chương trình của Huy và Quỹ Sống có hai hoạt động chính. Một là hoạt động trồng rừng có sự tham gia của người dân bản địa và Ban quản lý (BQL) bảo tồn rừng của tỉnh. Hai là hoạt động văn hóa kết hợp trồng rừng có sự tham gia của người bên ngoài Ninh Thuận.

Mục đích của họ là tạo thảm thực vật trước, sau đó mới đưa cây thân gỗ vào. Nhưng vì dê cừu chăn thả của người dân ăn tất, đe dọa sẽ gặm mọi thứ nên họ dự định sẽ phải trồng cây thân gỗ vượt tán kèm phủ thảm thực vật sát đất đồng lúa. Trước mắt, năm 2021, nhóm Quỹ Sống dự định làm thử nghiệm 10 ha, trồng khoảng 20.000 cây thân gỗ, chủ yếu là cây Neem và cây Thanh Thất.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết: "Cây Thanh Thất đã được thử nghiệm bởi BQL bảo vệ rừng rồi nên chúng em tự tin trồng được".

Còn cây Neem, vốn là cây ngoại lai, giống như cây Sầu Đâu, lâu nay đã chứng tỏ là cây "vô địch" chịu hạn, có thể phát triển rất tốt trên vùng đất khô cằn Ninh Thuận. Tuy nhiên, loài cây này, cho đến nay, tuy đã được chiết xuất dược chất để sản xuất kem đánh răng, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm... nhưng vẫn chưa đem lại nguồn lợi đáng kể, ngoại trừ việc tạo mảng xanh.

Cây Neem khá lớn, nhưng không lấy gỗ được. Làm củi cũng không. Lá của nó đắng, độc, dê cừu không ăn. Hơn nữa, dưới tán cây Neem thì không có thảm thực vật hay loài cây thân gỗ bản địa nào có thể cộng sinh được cả. Trồng Neem tuy có tạo được mảng xanh, cây Neem có thể phát triển trên đất khô hạn nhưng không giải quyết được bài toán giữ đất, chống sa mạc hóa.

Chia sẻ với Nguyễn Ngọc Huy và nhóm Quỹ Sống, tôi nghĩ cây Dẹp bản địa có thể là một giải pháp khả thi. Cây Dẹp còn có nhiều tên gọi khác như Keo Dậu, Bình Linh, Trần Táo, Táo Nhơn, Bọ Chét, Keo Giun... Nó có tên khoa học là Leucaena Leucocephala (Lam.) de Wit; họ Đậu (Fabaceae), bộ Đậu (Fabales), sinh trưởng ở vùng nhiệt đới.

Ở Ninh Thuận và nhiều vùng nông thôn khác, cây thường được trồng làm hàng rào. Tán cây rộng, vỏ cây màu xám. Lá thuộc dạng lá kép lông chim 2 lần chẵn, trên cuống lá cấp 1 có các tuyến hình chậu (một đặc điểm điển hình thuộc phân họ trinh nữ). Hoa tự đầu trạng, tràng hoa màu trắng. Quả tạo thành chùm. Hạt khi xanh có thể ăn được và thường dùng làm thuốc trục giun (hồi nhỏ tôi ăn hoài, mỗi lần luộc cả nồi), khi quả chín, hạt chuyển màu nâu đen.

Trang Wikipedia ghi nhận: "Nó cũng là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm, với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm. Quả và lá keo dậu có thể dùng làm thức ăn phụ cho gia súc. Do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng keo dậu làm một loài cây tiên phong phục hồi rừng.

Dễ sống và cho tán rộng, cây keo dậu được trồng nhiều làm hàng rào.

Dễ sống và cho tán rộng, cây keo dậu được trồng nhiều làm hàng rào.

Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, keo dậu nảy mầm và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng [...] Keo dậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo dậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non".

Tất cả các đặc tính được tài liệu mô tả chứng tỏ cây Dẹp (Keo Dậu) rất thích hợp để thành loài cây bản địa tạo mảng xanh cho việc hồi sinh thảm thực vật ở Ninh Thuận. Những năm 1980 - 1990, hạt Dẹp khô được người dân Ninh Thuận tự kiếm, sử dụng nhiều để ủ giá (cọng dài, nhỏ, dai) thay thế đậu xanh, đậu đen, có giá khá đắt. Điều này chứng tỏ Keo Dậu dễ nảy mầm.

Hạt Keo Dậu dễ thu gom với số lượng lớn để có thể làm nguồn bom hạt rải lên đồi núi trọc, đất hoang vào đầu mùa mưa. Rễ cọc, ăn sâu, chịu hạn tốt, Keo Dậu có thể phát triển được trong các hốc đất ít ỏi kẹt giữa các tảng đá, có một ít nước mưa ít ỏi đọng lại. Khi phát triển, chính nó sẽ giữ lại cho núi, đồi phần đất, nước ít ỏi này, tạo điều kiện cho các loài cây bụi khác có thể mọc lên.

Trồng Keo Dậu, chắc chắn dê cừu sẽ có món khoái khẩu. Tuy nhiên, cây thân gỗ, tái sinh chồi, lá nhanh nên nếu bảo vệ tốt thì điều này cũng không đáng ngại lắm. Ở các hàng rào, bờ bụi, khi loài cây này đã đứng chân thì các loài dây leo như lạc tiên, bình bát, hay loài hoa ngũ sắc... cũng rất dễ cộng sinh và phát triển theo.

Đáng mừng, khi tôi chuyển thông tin và dè dặt đề xuất, Huy Nguyễn và nhóm của anh đều khá quan tâm. Huy Nguyễn nhắn lại: "Em đã chuyển góp ý của anh cho chuyên gia lâm nghiệp của Quỹ Sống. Anh ấy sẽ thảo luận cùng người dân và cán bộ phụ trách trồng rừng địa phương để tìm cách thử nghiệm".

Hy vọng rằng, với sự thích hợp và tốc độ phát triển nhanh của loài cây bản địa này, cơ hội hồi sinh thảm thực vật tiên phong cho Ninh Thuận sẽ gần hơn. Và từ đó, những nguồn gen bản địa, những loài cây phù hợp khác cũng sẽ có cơ hội sinh sôi, trả lại màu xanh, thảm thực vật, rừng... cho dải đồng bằng Panduranga bớt đi nắng khét. Biết đâu, một ngày không xa nữa, đi qua Ninh Thuận vào mùa Tết, rừng mai rưng rưng của tôi lại bung vàng rực khiến khách lữ hành xiêu đổ, người đi qua mà tâm hồn còn ở lại...

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/cay-hoi-sinh-dat-ninh-thuan-640216/