Cây liễu cổ thụ bị động đất 'cắt đôi' ở Trung Quốc: Biểu tượng hy vọng của người dân
Sau trận động đất kinh hoàng, cây liễu vẫn tồn tại, phát triển và chứng kiến sự thay da đổi thịt của huyện nghèo ở Trung Quốc.
Cây liễu đặc biệt
Tại một ngôi làng cách quận lỵ Hải Nguyên 30km, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ phía tây bắc Trung Quốc, một cây liễu có thân hình chữ V đứng sừng sững trên ngọn đồi như chứng nhân của trận động đất kinh hoàng hơn 1 thế kỷ trước.
Vào ngày 16/12/1920, một trận động đất mạnh 8,5 độ richter đã tàn phá hàng chục huyện ở phía tây bắc Trung Quốc, với tâm chấn là Hải Nguyên. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người, khiến nó trở thành một trong những trận động đất nguy hiểm nhất trong thế kỷ 20. Sự kiện bi thảm này đã được ghi lại bởi gần 100 trạm theo dõi địa chấn trên toàn cầu.
Nằm ngay trên vết đứt gãy do động đất gây ra, thân cây liễu có một vết nứt sâu ở giữa. Tuy nhiên, cây vẫn tiếp tục sống sót và phát triển một cách thần kỳ.
"Cái cây vẫn đâm chồi nảy lộc, như nói với mọi người rằng luôn có hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn", Zhao Tinghu, Phó giám đốc văn phòng địa chấn Hải Nguyên, nói.
Với chiều cao 13 mét và được bao phủ bởi tán xum xuê có đường kính hơn 10 mét, cái cây khoảng 500 năm tuổi này được biết đến với tên gọi "zhenliu" hay "liễu động đất" do câu chuyện phi thường của nó.
Ngày 12/5 vừa qua đánh dấu Ngày quốc gia phòng chống thiên tai và cứu trợ của Trung Quốc. Ngày này được ra đời vào năm 2009 để kỷ niệm trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 khiến hơn 80.000 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Hải Nguyên là điểm đến để các nhà địa chấn học và sử gia tiến hành nghiên cứu một số di tích được bảo vệ tốt từ năm 1920. Năm 2010, một bảo tàng về động đất được mở tại khu vực này để trưng bày các bộ sưu tập tranh ảnh, bài báo in và các đồ vật thời xưa kể lại thảm họa cách đây cả trăm năm. Bảo tàng đón hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.
"Trận động đất ở Hải Nguyên nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc luôn chuẩn bị sẵn sàng và cảnh giác với thiên tai. Điều này được thực hiện thông qua tiến hành nghiên cứu khoa học, chuẩn bị cứu trợ khẩn cấp, phổ biến kiến thức liên quan và thiết lập một cơ chế hiện đại để cứu trợ thiên tai", Zhao nói.
Văn phòng địa chấn địa phương thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo và các sự kiện giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và nâng cao kỹ năng tự cứu hộ và cứu hộ lẫn nhau.
Sự thay đổi thần kỳ
Trải qua hơn 100 năm thăng trầm sau trận động đất, cây liễu cũng là nhân chứng cho những thay đổi trong cuộc sống nông thôn của Trung Quốc.
Hải Nguyên nằm ở Tây Hải Cố, một khu vực cắt ngang phần trung tâm và phía nam của Ninh Hạ từng được coi là không thể ở được. Vào năm 2020, Hải Nguyên đã thoát nghèo và quận đang trải qua quá trình hồi sinh nhanh chóng với ngành chăn nuôi gia súc là trụ cột.
Người ta có thể xem "triển lãm" bò sữa và bò thịt từ khắp nơi trên thế giới tại "Thung lũng Vua bò" trong quận, một trung tâm chăn nuôi và sản xuất bò thịt lớn có diện tích 400 ha.
"Chúng tôi có truyền thống chăn nuôi gia súc lâu đời ở đây. Bây giờ chúng tôi đã mua những giống tốt nhất thế giới để tạo ra nguồn cung địa phương chất lượng", Chen Liwen, một nhân viên tại cơ sở, cho biết.
Ha Peng, một sinh viên đại học 23 tuổi chuyên ngành hóa học, trở về nhà trong những ngày nghỉ để giúp gia đình trong trang trại gia súc của họ.
"Năm ngoái chúng tôi đã mua 20 con bò cái và 5 con bê với khoản vay lãi suất thấp 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.780 USD) do chính quyền địa phương cung cấp. Nếu mọi việc suôn sẻ, trong 3 năm, chúng tôi sẽ có 5 con mới sinh và tổng giá trị gia súc của tôi sẽ vào khoảng 250.000 nhân dân tệ", Ha nói.
Tại thị trấn Guanqiao của Hải Nguyên, dân làng đã xây dựng một khu dân cư hiện đại gọi là "Thị trấn Hy vọng" với những ngôi nhà 2 tầng giống như biệt thự trong đó. Các cửa hàng nhỏ nằm dọc một con phố chính bên trong và các phòng trống sẵn sàng cho khách du lịch thuê, giúp dân làng kiếm thêm thu nhập.
"Chúng tôi có một số trường học, nhà trẻ, bệnh viện và một bảo tàng nhỏ về lịch sử cách mạng địa phương vào những năm 1930. Tôi nghĩ chúng tôi đang sống một cuộc sống không khác mấy so với ở thành phố", Feng Zenghu, một người dân địa phương, tự hào nói.
Nguồn: english.news.cn