Cây mắc ca trên đất dốc Chiềng Sơn

Năm 2009, ông Nguyễn Văn Thắng, tiểu khu 29, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) đã trồng 600 cây mắc ca trên diện tích 2 ha đất đồi, đến nay, những cây mắc ca phát triển tốt, thân cây cao khoảng 3-3,5m, tán rộng từ 2-3m. Vụ mắc ca năm 2019, vườn mắc ca nhà ông Thắng đã cho thu hoạch 3,5 tấn hạt, với giá bán tại vườn từ 80-100 nghìn đồng/kg, thu về hơn 320 triệu đồng.

Cây mắc ca trồng trên đất dốc, bạc màu và thiếu nước tại Tiểu khu 29,

Cây mắc ca trồng trên đất dốc, bạc màu và thiếu nước tại Tiểu khu 29,

xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) vẫn phát triển tốt và cho thu quả đều.

Qua trò chuyện với ông Thắng, chúng tôi được biết, 2 ha đất đồi trước đây gia đình chỉ trồng ngô, sắn, nhưng vì đất bị bạc màu và thiếu nước nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây mắc ca. Sau 5 năm, cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch quả, từ đó đến nay chưa năm nào bị mất mùa và thương lái đến tận vườn thu mua hạt với giá cao. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Thắng nói: Cây mắc ca chịu được sương muối, chịu hạn và phát triển tốt trên đất bạc màu; hầu như không có sâu bệnh do phiến lá dầy, cứng và có gai nên trâu, bò hoặc dê cũng không ăn được; cây mắc ca còn có khả năng che tán nhiều loại cây khác như: Cà phê, cây chè...

Ông Thắng cho biết thêm: Cũng diện tích đất bạc màu thiếu nước, gia đình đầu tư trồng 1.000 cây bưởi, 300 cây mận và xoài, 100 cây bơ, nhưng đến nay những cây bơ cứ bị chết dần, còn những cây mận, xoài và bưởi thì còi cọc không lớn được, duy chỉ có những cây mắc ca vẫn xanh tốt và cho thu nhập đều, vì vậy trong thời gian tới, tôi sẽ thay thế toàn bộ cây ăn quả bằng cây mắc ca. Nếu được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ và tưới nước chủ động thì cây mắc ca có thể cho thu hoạch tối đa 40 kg hạt/cây, với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg thì mỗi cây mắc ca sẽ cho thu từ 3,2-4 triệu đồng/cây/năm. Như vậy, 1 ha có thể trồng tối thiểu 300 cây mắc ca và thu nhập sẽ đạt tiền tỷ.

Ông Phan Thanh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có gần 19 ha cây mắc ca, trong đó có 12,5 ha cây mắc ca đã cho thu hoạch quả. Do hầu hết diện tích cây mắc ca trồng trên đất dốc, bạc màu lại thiếu nước tưới nên năng suất bình quân mới đạt khoảng 1,2 tấn hạt/ha, tương đương mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, UBND xã Chiềng Sơn đang tích cực chỉ đạo các cán bộ chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển diện tích cây mắc ca thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên đất đốc, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo kinh nghiệm của những người trồng cây mắc ca, thời gian cây mắc ca ra hoa từ tháng 2 đến tháng 3, đậu quả từ tháng 4 đến tháng 7, sau tháng 7 đến tháng 9 là mùa quả chín và có thể cho thu hoạch. Trước đây, cây mắc ca chủ yếu trồng bằng ươm hạt, phải mất 5 đến 8 năm mới bắt đầu ra hoa và bói quả, nhưng hiện nay đã có nhiều đơn vị, hộ gia đình ươm giống và ghép cây mắc ca đảm bảo chất lượng, chỉ sau 3 năm trồng cây đã bắt đầu ra hoa, bói quả, sản lượng bình quân năm đầu đạt 3 đến 4 kg quả/cây. Cây mắc ca thường được trồng xen vườn cà phê, chè, cây ăn quả và một số vườn tạp, có thể giúp cân đối thu nhập cho nông dân khi giá cà phê hoặc các loại quả xuống thấp. Ngoài ra, qua thực tế trồng xen như vậy có thể bảo vệ cho cây cà phê tránh được sương muối trong mùa đông.

Trước những lợi ích từ cây mắc ca, tỉnh ta cũng đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng các hộ nông dân tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây mắc ca. Các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân trong tỉnh trồng xen cây mắc ca trên diện tích cây cà phê, nương chè, cây ăn quả, vườn tạp và trên diện tích đất rừng nghèo kiệt.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cay-mac-ca-tren-dat-doc-chieng-son-26643