Cây mận ở Xuân Lập
Ở Xuân Lập (Lâm Bình), vài năm trở lại đây, người dân có thêm thu nhập từ cây mận tam hoa. Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã từng bước cải thiện.
Nhắc đến mận Xuân Lập nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì rất ít người biết đến. Mận ở Xuân Lập chủ yếu được trồng trên đồi, người dân thu hoạch mận xong thường vận chuyển qua Hà Giang để bán. Anh Sùng Seo Sáng, thôn Khuổi Củng cho biết, gia đình anh là người trồng mận đầu tiên ở thôn. Ban đầu nhà anh chỉ trồng 2 gốc để phục vụ nhu cầu của gia đình. Cây hợp đất, cho quả to, giòn, chua nhẹ, mỗi cây một vụ thu được từ 4 - 5 tạ quả. Ăn không hết, anh đem bán bớt và được nhiều người thích. Thấy vậy, anh mở rộng diện tích, hiện tại có hơn 30 gốc đang cho thu hoạch. Mỗi vụ mận, gia đình anh cũng thu được gần 20 triệu đồng, nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn.
Năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, xã Xuân Lập được hỗ trợ 1.000 cây mận tam hoa cho 31 hộ dân để phát triển kinh tế. Bà Hoàng Thị Rèn, thôn Lũng Giềng cho biết, gia đình bà được nhận 40 cây. Bà được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Đến nay cây mận đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo bà Rèn, mùa mận năm nay, mỗi cây bà thu về khoảng 500 nghìn đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây mận tam hoa đem lại, bên cạnh việc người dân tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để khuyến khích bà con phát triển và mở rộng diện tích, hàng năm xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt giúp người dân cập nhật các kiến thức mới và áp dụng vào thực tế sản xuất. Anh Vàng Seo Thắng, thôn Khuổi Trang cho biết, qua những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây anh cùng với các hộ gia đình khác đã biết quan tâm đến việc bón phân, phát cỏ, vun gốc để cây phát triển tốt, cho quả to và đều hơn. Các hộ cũng chủ động chặt những cây kém phát triển để trồng dặm cây mới.
Ông Hoàng Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Xuân Lập phù hợp để phát triển cây mận tam hoa. Sản lượng mận toàn xã trung bình đạt trên 20 tấn/năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của bà con, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 20 triệu/người/năm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây mận, hướng tới sản xuất thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.