Cây me trong tâm thức người Chăm ở Phan Rang

Có thể nói, me không đâu nhiều bằng ở Ninh Thuận. Nhưng về Phan Rang khi nói về cây me thì phải nói rõ là me ta, để phân biệt với me tây.

Ninh Thuận xứ Paduranga của vương quốc Chăm Pa xưa là nơi có rất nhiều người Chăm sinh sống. Khi hỏi cây gì thân thiết và gắn bó với cuộc đời họ nhất, người ta sẽ trả lời không phải là cây mang tính biểu tượng dân tộc Chăm là tagalau (bằng lăng), hay Campa (hoa sứ) mà đó là cây me ta.

Ninh Thuận xứ sở của

Lần đầu tới các làng Chăm, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sao ở xứ nắng thế này mà trong khuôn viên họ không trồng nhiều cây có bóng mát như các làng người Kinh. Hỏi nhiều người già thì được giải thích rằng quanh nhà họ không trồng những cây lá to và tán, vì ở những cây như thế ma quỷ thường thích trú ngụ, chim cú đến đậu và chỉ có cây me lá nhỏ xanh quanh năm, cành dầy là phù hợp.

 Dưới bóng me ở các khu đền tháp, hàng năm người dân tới bày lễ thành kính dâng tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu, gia đình no ấm.

Dưới bóng me ở các khu đền tháp, hàng năm người dân tới bày lễ thành kính dâng tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu, gia đình no ấm.

Chính vì thế, cây me được người dân trồng nhiều nhất. Trong sân nhà, ngoài đường đi, nơi đầu làng, ven cánh đồng... cả trên các tháp Chăm, cây me cũng hiện hữu như một thực thể, gắn liền với đền tháp.

Thực ra, ở Ninh Thuận cây me không chỉ được trồng nhiều ở các làng Chăm mà những địa danh như Láng Me, Đồng Mé (Đồng Me) hay ven những con đường ở Mỹ Sơn, Phước Sơn bây giờ vẫn hiện diện những hàng me cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, gốc to vài người ôm không xuể.

Sau những cơn mưa đầu mùa, me trổ đọt, ra hoa đón một mùa trái mới.

Sau những cơn mưa đầu mùa, me trổ đọt, ra hoa đón một mùa trái mới.

Ở xứ này, ngoài xương rồng và một số loại cây gai như thầu đâu (một loại cây bằng lăng) ra, thì me là loài đáp ứng đủ các tiêu chí để hiên ngang hiện diện ở xứ này. Cây me chịu úng, chịu hạn rất tốt, không cần tưới cây cũng được, rễ cọc, cành khá dai ít gãy đổ. Me ít bị sâu bệnh, tán dầy có bóng mát, gỗ me làm thớt thì số 1, than củi me hầm ra chỉ dùng riêng cho phụ nữ khi mới sinh để xông, hơ theo truyền thống bởi lửa than me đượm, lâu tàn và khi cháy thì không nổ.

Me và ẩm thực độc đáo của người Chăm

Trong ẩm thực của người Chăm, chỉ riêng trái me thôi cũng khó có thể kể hết các sản phẩm của nó như: trái me chín ăn tươi, trái me non sống chấm muối ớt hoặc nấu chua, trái me già lột vỏ bỏ hạt làm mứt me, me chua ngâm đường, me rim ngào ớt…thường hiện diện trên bàn đãi khách ngày tết của mỗi gia đinh.

Trong các quán ăn thì có cá sốt me, càng cua ram me, ốc hương xào me, trứng cút lộn rim me… là món ngon của dân nhậu và trong mỗi bữa cơm gia đình.

Người dân xứ này nói tới nấu canh chua từ trái và lá me thì hầu như nhà nào cũng chế biến ăn hàng ngày. Canh chua nấu cá đồng, cá biển, con dông, gà, dê… cho dù cho cà chua, trái thơm đã ở trong ấy, nhưng trước khi nhắc nồi ra khỏi bếp bao giờ cũng có nắm lá me non bằm sơ thả vào.

Cá chiên, cá nướng không thể thiếu trái me giã tỏi ớt cho mắm vào thành món nước chấm đặc trưng không nơi nào có.

Người Chăm sử dụng me vào ẩm thực so ra cũng giống với người Kinh, nhưng có phần khá đa dạng và độc đáo hơn. Với đọt me non, giã nhuyễn ra làm muối me, mắm me, lấy một chit tay đọt cùng dăm trái non bỏ vô niêu đất kho với cá đồng, đến bữa chỉ cần nắm lá dẹp (một loại cây thường trồng ở hàng rào) nữa là đủ thức ăn cho bữa cơm khi đi làm ở đồng xa.

Món canh dê nấu lá me – món ăn độc đáo của người Chăm Ninh Thuận được rất nhiều người ưa thích.

Món canh dê nấu lá me – món ăn độc đáo của người Chăm Ninh Thuận được rất nhiều người ưa thích.

Ai đã từng tới thăm thú và thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Chăm ở đây, chắc hẳn sẽ không thể quên món canh chua lá me thịt dê, nhìn thấy nước sền sệt như cháo loãng, bởi có gạo rang đã giã nhuyễn được hầm chung với thịt dê, khi ăn dứt khoát phải kèm món rau trộn lấy phần non bên trong thân cây chuối non, rửa sạch, xắt lát mỏn, trộn với ngọn lá dẹp, lá chùm ruột non, lá lốt, lá me non,… Món ăn đặc trưng này được rất nhiều người ưa thích và thường chỉ có trong những dịp đặc biệt như trong các lễ cúng lớn hoặc lễ cưới của người Chăm Bà-ni.

Người Chăm có món cơm trộn từ cơm trắng để nguội, trộn với mắm nêm giã trái me non, ớt, hành cùng với lá dẹp, ngọn xoài non, lá dông, lá chùm ruột, lá me, chồi cây vừng…

Me trong tâm linh của nhiều làng Chăm

Tới Tháp Po K’long Garai ở TP Phan Rang Tháp Chàm, hầu như ai cũng chụp ảnh bên cây me nghiêng chỉ còn nửa bộ rễ găm xuống đất.

Cây me bật gốc trên tháp Po K’long Garai được nhiều khách du lịch tới đây check-in.

Cây me bật gốc trên tháp Po K’long Garai được nhiều khách du lịch tới đây check-in.

Trên khuôn viên tháp có 2 cây me, nghe nói cũng vài trăm năm tuổi, cũng giống như cây me từng bị cháy ruột trước cửa tháp Porome ở Ninh Phước, những cây me này khoảng 10 năm về trước, nào ai bón phân, chăm sóc tưới nước, vậy mà cây vẫn sống phát triển, tới mùa mưa me vẫn thay lá đâm chồi, đơm hoa vàng xanh cả một khoảng trời, cho dù trên cây vẫn lủng lẳng từng chùm trái chín mùa trước chưa kịp rụng. Mỗi năm 3 mùa cúng tế, me là chiếc dù xòe tán che nắng cho người dân bày lễ thành kính dâng lên tổ tiên..

Cây me cổ thụ linh thiêng ở làng Thành Ý, xã Thành Hải TP Phan Rang – Tháp Chàm.

Cây me cổ thụ linh thiêng ở làng Thành Ý, xã Thành Hải TP Phan Rang – Tháp Chàm.

Nói về cây me linh thiêng phải nhắc tới “cụ” me, có chu vi gốc tới 7 – 8 sải tay trẻ con ở làng Chăm Thành Ý (Plei TaBhơng), xã Thành Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm). Không ai biết chính xác cây me này bao nhiêu năm tuổi.

Nhiều người dân nói rằng, khi cha ông họ còn nhỏ, thì gốc me ấy cũng đã to vài người ôm rồi. Cây me ở ngay đầu làng, nó gắn liền với nhiều thế hệ của 9 tộc họ người Chăm làng Thành Ý, từ thưở vừa lọt lòng mẹ cho đến khi qua đời.

Gia đình nào có con cưới chồng, lúc có mang phải mổ gà, mang trầu cau, rượu tới gốc me để cúng cầu cho gia đình may mắn, mẹ tròn con vuông. Mỗi một đứa bé trong làng, khi sinh ra phải được đem dưới gốc cây me, để trình họ hàng và cầu một đời bình an. Người già chết, trước khi đi chôn hay đem hài cốt đi thiêu, cũng được cúng dưới bóng cây me này, để mong siêu thoát tốt và cầu mong người ở lại mọi sự an lành. Những cây me ở đây cũng như trên các đền tháp, ở các nghĩa trang Chăm, đều được dân làng tôn trọng và gìn giữ, không ai dám tự động chặt phá, bởi với người Chăm đấy là sự đụng chạm không tốt tới thần linh.

Hàng me 50 năm tuổi được giữ lại sau khi làm con đường vào làng gốm Bàu Trúc.

Hàng me 50 năm tuổi được giữ lại sau khi làm con đường vào làng gốm Bàu Trúc.

Người dân làng Chăm Bàu Trúc vẫn còn nhớ gần 20 năm trước khi mở con đường từ Quốc lộ 1A vào làng, theo thiết kế rộng 8 mét và như vậy phải chặt đi hàng me gần chục cây, có tới 50 năm tuổi phía trước trường THPT An Phước. Những người dân ở đó đã đề nghị để lại hàng cây và sau đó thuận ý người dân, con đường đã được chính quyền điều chỉnh lại chỉ còn 6 mét như hiện nay.

Hoa me

Hoa me

Sau cơn mưa dông, những cành me bắt đầu chồi mới nõn nà, mùa lá me non kéo theo những chồi hoa vàng nhạt vân nâu li ti lại bắt đầu tua tủa. Mùa me mời gọi bao món ngon, làm nên sự độc đáo của ẩm thực Chăm xứ nắng gió Phan Rang. Dưới bóng me ở các Palei Chăm bao thế hệ lớn lên, trưởng thành để cuối đời, khi lá vàng rụng về cội, họ lại thanh thản an lành về với tổ tiên dưới tán me xanh mát chở che.

NÚI XANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cay-me-trong-tam-thuc-nguoi-cham-o-phan-rang-post749656.html