Cây nắp ấm - thuốc lợi tiểu, trị phù thũng

Theo đông y, cây nắp ấm có vị ngọt, tính mát; có công năng nhuận phổi, giảm ho, lợi tiểu, bài sỏi, giải độc, tiêu phù.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cây nắp ấm thường mọc ở đầm lầy nước ngọt, nước tù đọng và đất chua vùng thấp cho đến ẩm lầy dưới tán rừng thông. Mùa hoa quả từ tháng 5 - 12. Tái sinh bằng hạt, bằng cành. Dân gian dùng thân, lá làm thuốc lợi tiểu, trị phù thũng, mụn nhọt và dùng thay thế loài nắp ấm - nepenthes mirabilis.

Trong đông y, nắp ấp chủ trị phổi ráo ho ra máu, ho do cảm mạo, ho gà, viêm gan vàng da, viêm loét dạ dày - hoành tá tràng, kiết lỵ, sỏi niệu, phù thũng, cao huyết áp, tiểu đường, nhọt độc sưng lở, trùng thú cắn. Liều dùng 15 - 30g khô, 30 - 60g tươi. Dùng ngoài giã đắp tùy thích. Nghiên cứu dược lý cho thấy cao toàn cây nắp ấm có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng.

Đơn thuốc:

1. Viêm gan vàng da, bệnh đường tiết niệu, sỏi: nắp ấm, mã đề, kim tiền thảo, đều 30g, sắc uống.

2. Huyết áp cao: Nắp ấm 30-50g, nấu uống. Có thể phối hợp với câu đằng 9g và hy thiêm 15g.

3. Đái tháo đường, khát nước nhiều, khô cổ: nắp ấm 30g, giảo cổ lam 25g, thiên môn đông 25g. Nấu với 3 lít nước giữ sôi 20 phút. Chia 3 - 4 lần uống trong ngày, liên tục 1 - 3 tháng. (Chú ý theo dõi đường huyết thường xuyên). Đây là bài thuốc kinh nghiệm của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa ở TP.HCM.

Lưu ý: Không dùng nắp ấm cho phụ nữ có thai; Uống nước nắp ấm, nước tiểu sẽ có màu đỏ sẫm như màu cà phê, không cần phải lo lắng.

Theo PV/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/cay-nap-am-thuoc-loi-tieu-tri-phu-thung/20200303064732273