'Cây ngay' không sợ 'chết đứng'
Những thông tin liên quan đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra thông báo truy tìm 3 luật sư từng bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai gồm các ông Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh đang nhận được sự chú ý của dư luận. Đây cũng là 'miếng bánh' béo bở để các 'nhà dân chủ' chọc ngoáy, nhào nặn.
“Vì sao công an “truy tìm” 3 luật sư nhân quyền bào chữa vụ Thiền Am”, “ICJ lên án việc điều tra LS Đặng Đình Mạnh vì vụ Tịnh thất Bồng Lai”, “Công an Long An lại triệu tập LS Đặng Đình Mạnh, HRW nói công lý đã chết ở Việt Nam”… là tiêu đề những bài viết đang được RFA, BBC tích cực lan truyền. Những kẻ này cố tình gán ghép cho rằng việc các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh bị điều tra là do đã bào chữa trong những vụ án “nhạy cảm” về nhân quyền. Bằng các lập luận phi lý và vô căn cứ, họ ra sức suy diễn, quy chụp rằng “những cuộc điều tra hình sự này nhắm vào các luật sư nhằm làm suy yếu công việc của họ với tư cách là luật sư và việc họ thực hành quyền tự do ngôn luận”… Từ đây, các “loa rè dân chủ” lại tung ra điệp khúc vu khống Việt Nam “ngăn cản nhân quyền”, “sách nhiễu nhà đấu tranh”, “trấn áp xã hội dân sự”…
Trước đó, vào đầu tháng 3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an về việc các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh có hành vi phát tán trên không gian mạng những đoạn video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, người bị tố giác có quyền được thông báo về hành vi bị tố giác; được trình bày lời khai, trình bày ý kiến; được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố… Đồng thời, những người này cũng có nghĩa vụ phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác. Là luật sư, từng tham gia bào chữa có nhiều trường hợp, đáng lý ra các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh phải thuộc lòng quyền và nghĩa vụ của bản thân, phải nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, phải chấp hành đúng quy định. Vậy nhưng sau rất nhiều lần Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An gửi giấy mời, họ đều không đến làm việc. Rõ ràng họ đang tự chối bỏ các quyền của bản thân đã được pháp luật quy định. Dư luận cũng không khỏi băn khoăn: Tại sao họ là luật sư, nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng lại không chấp hành quy định? Hay chăng, vì họ không phải là “vàng thật” nên “sợ lửa”?
Pháp luật nước ta quy định rõ, mọi tin báo về tội phạm đều phải được tiếp nhận, phân loại, xử lý, kiểm tra, xác minh, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn theo quy định, không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội. Chính vì vậy, sau khi tiếp nhận tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An triển khai các biện pháp kiểm tra, xác minh, mời các luật sư liên quan đến làm việc là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cho đến hiện tại, các cơ quan tố tụng vẫn chưa kết luận 3 luật sư có tên nêu trên có tội hay không có tội. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn “sạch bong” và có tinh thần thượng tôn pháp luật thì chắc chắn khi có yêu cầu của cơ quan điều tra, mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành, phối hợp giải quyết và cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu, chứng cứ nhằm thể hiện sự trong sạch của bản thân. Dân gian Việt Nam có câu “vàng thật không sợ lửa”, “cây ngay không sợ chết đứng” để chỉ những người sống ngay thẳng, chấp hành đúng quy định pháp luật, không vi phạm các giá trị đạo đức trong xã hội thì sẽ không bao giờ sợ hãi trước những “sóng gió” của cuộc sống. Ngược lại, với những người vi phạm quy định pháp luật và đạo đức xã hội, “có tật” thì sẽ tự “giật mình” khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Những luận điệu cho rằng, chính quyền “đàn áp luật sư dân chủ”, “trả thù luật sư”, “sách nhiễu luật sư” rõ ràng là vô căn cứ, xuyên tạc sự thật. Hiện nay, nước ta có hàng chục ngàn luật sư đang hoạt động. Đội ngũ luật sư nước ta đã và đang có những đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quan điểm của Đảng ta là phát triển đội ngũ luật sư tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của nghề luật sư trong xã hội, đáp ứng yêu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam nêu rõ: “Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Để xứng đáng với nghề nghiệp của bản thân, mỗi luật sư có trách nhiệm nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật. Hành vi không chấp hành quy định của pháp luật, không phối hợp với các cơ quan tố tụng của các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của bản thân mà còn tác động không tốt đến hình ảnh nghề luật sư trong công chúng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/145388/cay-ngay-khong-so-chet-dung