Cây Ngô đồng kỳ hoa dị thảo và ước nguyện 'dẫn Phượng hoàng tới' của người xưa

Việt Nam có tới 3 loại cây Ngô đồng – là loài cây phúc khí, cát tường không thể thiếu trong vườn ngự uyển, hoàng cung, dẫn tới mong ước 'trồng cây Ngô đồng dẫn Phượng hoàng tới'.

Chim Phượng hoàng trong cây Ngô đồng là biểu tượng tái sinh

Theo truyền thuyết dân gian, cây Ngô đồng là nơi trú ẩn ưa thích của Phượng hoàng - Bách điểu chi vương là vua của các loài chim, là linh vật trong nhiều thần thoại và huyền thoại của cả phương Đông và phương Tây.

Ở phương Tây, Phượng hoàng trong thần thoại của Hy Lạp, Ai Cập và nhiều quốc gia khác là sự bất tử (bởi nó có thể sống 500 - 1.400 năm). Khi sắp chết Phượng hoàng xây tổ bằng những cọng quế và… tự bốc cháy cả tổ. Từ nắm tro tàn một con chim mới tái sinh – đó là hình ảnh rất ấn tượng trong văn hóa phương Tây.

Trong thần thoại phương Đông, Phượng hoàng là biểu tượng của ân sủng, đức tin và những điều cao đẹp. Cùng với "long" trong tứ linh "long, lân, quy, phụng" đã hợp sức với thần Bàn Cổ để tạo ra thế giới.

Chim Phượng hoàng làm chủ lửa (Hỏa), mùa hạ và phía Nam - mang vai trò thần thánh trong sáng, bay trên vòng hào quang thiên giới, chỉ đậu trên cây Ngô đồng và ăn quả trúc. Hình ảnh Phượng hoàng đậu cây Ngô đồng là ý chỉ người hiền tài tìm được nơi cống hiến xứng đáng.

Trong phong thủy, cây Ngô đồng mang tới phúc khí, thụy tường, quyền lực… được trồng trong vườn ngự uyển, Hoàng cung với ngụ ý vua có đức độ biết lo cho dân. Trồng cây Ngô đồng trong sân vườn để đón hỉ khí, xua đi xui rủi.

Theo các chuyên gia phong thủy, cây Ngô Đồng (hoa màu hồng nhạt, hoặc đỏ rực, kết hợp với truyền thuyết Phượng Hoàng ghé đậu) nên rất hợp với người mệnh Hỏa, và những người có tuổi mệnh Hỏa khí với thiên can là Đinh, Bính như Bính Hợi, Đinh Tuất...Khi trồng/đặt cây Ngô đồng nên về hướng Nam, hướng Đông Nam do Chu Tước trấn là tốt nhất.

Phượng hoàng có trong thần thoại và huyền thoại, nhưng Phượng hoàng đậu cây Ngô đồng là ước nguyện của người xưa về những điều cao sang, tốt đẹp. Ảnh internet.

Phượng hoàng có trong thần thoại và huyền thoại, nhưng Phượng hoàng đậu cây Ngô đồng là ước nguyện của người xưa về những điều cao sang, tốt đẹp. Ảnh internet.

Việt Nam có cây Ngô đồng

Trong "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Ngô đồng: Các tỉnh ven núi đều có. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện".

Vua Minh Mạng còn cho in dấu cây Ngô đồng lên Cửu Đỉnh, ẩn ý rằng Ngô đồng – "vương giả chi hoa" mọc rất nhiều ở rừng tự nhiên của Việt Nam, vừa để ca ngợi bất tử hóa, vừa thể hiện "tâm hồn nghệ sỹ".

Vua Minh Mạng thích loài hoa tuyệt đẹp này nên sai người đi tìm giống cây bản xứ về trồng trong Hoàng thành. Ảnh internet.

Vua Minh Mạng thích loài hoa tuyệt đẹp này nên sai người đi tìm giống cây bản xứ về trồng trong Hoàng thành. Ảnh internet.

Đặc tính của cây Ngô đồng Việt Nam (cây Ngô đồng trong Đại nội) là bắt đầu rụng lá vào đầu xuân và đến cuối xuân thì cây trụi lá để trổ hoa.

Còn đặc tính cây Ngô đồng Trung Quốc lại rụng lá và nở hoa vào mùa thu, ứng với câu "ngô đồng nhất diệp lạc/thiên hạ cộng tri thu" (Một chiếc lá ngô đồng rụng/Thiên hạ biết mùa thu đã đến rồi).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhân giống để bảo tồn loài kỳ hoa dị thảo trở thành loài cây đặc hữu của thành phố. Ở Điện Thái Hòa, khu vực Tả, Hữu Vu thuộc Đại Nội Huế có 3 cây Ngô đồng cao từ 16-18 m, đường kính tối thiểu là 0,7m.

Mùa hoa Ngô đồng nở (tháng 3 đến tháng 5), khi đó Ngô đồng trút hết lá rồi khoe những chùm hoa nhỏ màu đỏ, tím hồng nhìn trên cao xuống thành những thảm hoa bồng bềnh đẹp mê ly giữa trời xanh và không gian Cố đô - đẹp nhất ở Đại Nội, công viên Tứ Tượng, sân Nghinh Lương Đình, công viên (Thương Bạc, Phu Văn Lâu, Tứ Tượng), vài lăng tẩm (Minh mạng, Tự Đức).

Vua Minh Mạng còn cho in dấu cây Ngô đồng lên Cửu Đỉnh. Ảnh internet.

Vua Minh Mạng còn cho in dấu cây Ngô đồng lên Cửu Đỉnh. Ảnh internet.

Có mấy loại cây Ngô đồng Việt Nam

Tác giả Nguyễn Thanh Tú đã có bài lý luận "Cây ngô đồng - đợi ai, ai đợi!?" đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 26/03/2021 cho biết có 3 loại cây Ngô đồng phổ biến ở Việt Nam:

1. Cây ngô đồng thân gỗ cao tới 15, 16 mét, tên khoa học là Jatropha podagrica. Cây mọc trong rừng núi đá vôi ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị... nhưng đẹp nhất là ở Huế (gỗ dùng làm đàn là loại cây này).

2. Cây Ngô đồng đỏ, thân gỗ cao nhất tới 20 mét, tên khoa học là Firmiana colorata mọc nhiều ở cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), rải rác ở Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cây Ngô đồng này có hoa màu đỏ cam, đài hình ống. Công dụng chính là tước vỏ để đan võng. ...

3. Cây Ngô đồng phong thủy, mới xuất hiện ở Việt Nam (còn gọi là dầu lai lá sen, dầu lai có củ, có nơi gọi là cây sen lục bình, sen cạn), trồng chậu cảnh vừa làm đẹp vừa có chức năng phong thủy.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.

Cây Ngô đồng có gỗ rất chắc, truyền âm tốt, dùng để chế tạo nhạc cụ cổ như thất huyền cầm, đàn tranh, tiêu vĩ cầm và đóng đồ gia dụng nhỏ.

Có tích cây đàn Bá Nha gẩy được làm từ gỗ Ngô đồng, nên tiếng đàn có hồn, linh diệu và Tử Kỳ nghe là hiểu. Bá Nha thấy núi cao, Tử Kỳ nói tiếng đàn hôm nay vời vợi như non xa. Bá Nha đàn nghĩ về biển rộng, Tử Kỳ nói, tiếng đàn như đưa ta đến chốn mênh mang trời nước.

Tử Kỳ mất sớm, Bá Nha đập đàn rồi bỏ đi vì cho chẳng còn ai hiểu tiếng đàn của mình.

Tương truyền vua Phục Hy đốn cây Ngô đồng làm đàn đã đẵn đoạn giữa cây ngâm xuống nước 72 ngày đêm (có ý là khi sống cây hấp thụ khí dương thì ngâm nước hấp thụ khí âm), rồi mới vớt lên để khô nhờ Tử Kỳ làm thành Dao Cầm. Từ đó cây Ngô đồng trở thành một gỗ quý để chế tác cổ cầm.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cay-ngo-dong-ky-hoa-di-thao-va-uoc-nguyen-dan-phuong-hoang-toi-cua-nguoi-xua-17224052815390077.htm