Điều gây sốt cộng đồng mạng những ngày qua chính là hàng chục giò phong lan phi điệp tím đang độ nở mãn khai...
Ông Trần Đức Cường, một nông dân xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, (tỉnh Nam Định) không rõ loài hoa lan phi điệp tím mọc chi chít trên những cây nhãn cổ trong sân vườn có từ khi nào. Ảnh: Mai Chiến.
Ông chỉ biết rằng, hồi còn nhỏ, ông đã nhìn thấy vô số giò hoa lan phi điệp này đã ăn sâu, bám chặt vào những cành nhãn, nở hoa tím mê hoặc, rực rỡ vào mỗi độ hè về.
Năm nay, ông Cường tròn 65 tuổi. Ông là đời thứ 4 trong gia đình được thừa hưởng những giò hoa lan phi điệp tím của các cụ để lại. Phi điệp, trong đó có phi điệp tím là một loại hoa lan thân thòng hay còn gọi là lan giả hạc. Ảnh: Mai Chiến.
Mặc dù, đã trải qua gần 100 năm "ăn gió, ăn sương", nằm phơi mình giữa ánh nắng mặt trời vàng rực vài mùa hè hay ủ sức sống qua mùa đông giá lạnh, nhưng những giò lan phi điệp tím nhà ông Cường vẫn xanh lá, tươi tốt, đẻ nhánh khỏe dù ông không chăm sóc nhiều. Ảnh: Mai Chiến.
"Tôi muốn lan phi điệp sinh sống, phát triển tự nhiên như lan rừng, nên tôi không bao giờ tưới nước, phun thuốc kích thích, bón phân. Tôi chỉ cắt tỉa cành xấu, héo vàng thôi", ông Cường thổ lộ.
Theo ông Cường, lan phi điệp của gia đình ông có 5 cánh. Cánh hoa màu trắng tím nhạt, hơi thon và dài; mặt bông có khuôn khẩu hình nở khoe sắc; họng hoa lan sâu; môi hoa lan hơi bầu; mắt và mũi hoa lan có màu tím đậm, giữa mũi có chấm trắng nhạt. Mức độ tương phản nhẹ giữa màu tím của mắt, mũi và màu trắng của cánh. Ảnh: Mai Chiến.
Hiện tại, những giàn lan phi điệp tím đang nở hoa, thi nhau khoe sắc, tím rực cả 1 khoảng trời. Những cành hoa lan thòng lòng dài gần 1m, tựa như mành rèn nhựa đang đua đưa trước gió. Ảnh: Mai Chiến.
Nhiều năm gần đây, những giò hoa lan phi điệp tím của gia đình ông Cường vô tình được nhiều người yêu hoa, cây cảnh… ở các tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến. Nhiều người không quản đường xá xa xôi đã rủ nhau đến tham quan, chiêm ngưỡng hoa lan nở trên thân, cành cây nhãn cổ thụ và chụp ảnh, quay phim làm kỷ niệm. Ảnh: Mai Chiến.
Thời điểm các giò hoa lan phi điệp bỗng dưng lên "cơn sốt", làm khuấy đảo cộng đồng chơi lan, đã có nhiều người đến nhà ông Cường ngỏ ý mua lại những chùm lan phi điệp với giá cao ngất ngưởng, nhưng ông Cường đều lắc đầu từ chối bán. Ông Cường chia sẻ, những chùm lan phi điệp mọc trên cây nhãn là "tài sản vô giá" của tổ tiên, các cụ để lại, nên ông sẽ có trách nhiệm trông coi, bảo vệ và gìn giữ. Ảnh: Mai Chiến.
Gia đình ông Cường không chỉ được các cụ để lại cho những chùm lan phi điệp có giá trị, mà ngôi nhà vợ chồng ông cùng các con, cháu đang ở, sinh hoạt cũng là điểm nhấn để du khách đến "mục sở thị". Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1930, theo kiểu kiến trúc cổ, kết hợp đông-tây. Ảnh: Mai Chiến.
Mặc dù, lớp áo tường nhà đã và đang bị bong tróc, để lộ ra những hàng ngạch đỏ sẫm, nhưng ngôi nhà được cho là nhà cổ vẫn còn chắc chắn. Gia đình ông Cường không muốn tu sửa lại, sợ mất đi vẻ đẹp vốn có của ngôi nhà. Ảnh: Mai Chiến.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình ông Cường tiếp đón hàng chục lượt khách gồm: họa sĩ; nhiếp ảnh; những người yêu hoa lan, cây cảnh… đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Dù bận rộn công việc nhà, song ông Cường vẫn vui vẻ pha trà đón tiếp. Ảnh: Mai Chiến.
Du khách vào tham quan, chụp ảnh miễn phí. Ông Cường, một nông dân xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) tạo điều kiện hết mức để mọi người thỏa sức sáng tạo ảnh nghệ thuật và chìm đắm trong sắc đẹp của những chùm hoa lan phi điệp. Ảnh: Mai Chiến.
Theo Mai Chiến/Dân Việt