Cây sắn ở vùng biên Mường Lát
Nếu như trước đây, cây sắn chỉ được trồng nhỏ lẻ, giá trị thấp thì nay nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, cây sắn đã và đang hứa hẹn là một trong những loại cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo nơi vùng biên Mường Lát.
Khi cây sắn được mùa
Những ngày này, người dân ở các xã Trung Lý, Tam Chung, Mường Lý, Pù Nhi... của huyện Mường Lát đang bước vào vụ thu hoạch sắn. Ở bản Nàng 1, xã Mường Lý có 84 hộ dân thì có tới 65 hộ trồng sắn. Cây sắn đã và đang thay thế một số cây trồng không mang lại hiệu quả, cho giá trị kinh tế thấp nơi đây.
Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Nàng 1 Ngân Văn Tịnh cho biết: Cây sắn được bà con trồng một vụ trong năm. Bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 âm lịch và cho thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Trước đây bà con chỉ trồng sắn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ chăn nuôi, đời sống hằng ngày, nhưng nay cây sắn đã được trồng tập trung. Toàn bản có hơn 100 ha cây sắn, hiện nay giá sắn đang được các công ty thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Bà con phấn khởi khi năm nay cây sắn được mùa, được giá. Bản Nàng 1 hiện nay chỉ còn 4 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo.
Gia đình bí thư kiêm trưởng bản Nàng 1 Ngân Văn Tịnh cũng là hộ có diện tích cây sắn nhiều nhất bản. Với 10 ha sắn, gia đình anh Tịnh ước tính năm nay sẽ thu hoạch hơn 20 tấn sắn, với giá mà công ty đang thu mua như hiện nay thì được xem là “thắng lợi” đối với gia đình. Không chỉ trồng cây sắn, anh Tịnh cũng là hộ đầu tiên ở Mường Lý đang thử nghiệm trồng 500 cây măng bát độ xen diện tích trồng sắn. Theo anh Tịnh, cây măng bát độ không ảnh hưởng đến cây sắn, vừa giữ ẩm cho đất vừa chống xói mòn cho diện tích đất dốc. Bản Nàng 1 vận động, tuyên truyền bà con trồng cây măng bát độ xen cây sắn để nâng cao năng suất, cây trồng trên cùng diện tích và đã được một số hộ dân hưởng ứng, dự kiến sẽ trồng vào năm sau.
Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Mường Lý là xã có diện tích trồng sắn nhiều trên địa bàn huyện Mường Lát. Cây sắn được trồng ở 15 bản trên địa bàn xã. Hiện nay, xã Mường Lý có gần 1.000 ha sắn, riêng Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã ký kết thu mua hơn 400 ha. Trung bình một ngày bà con thu hoạch khoảng 150 tấn sắn, riêng công ty đã thu mua khoảng 80 tấn/ngày. Năm 2022, giá sắn tươi chỉ 1.200 - 1.300 đồng/kg thì năm nay giá tăng 2.000 – 2.200 đồng/kg. Sắn được mùa và được giá nên bà con rất phấn khởi. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển các loại cây trồng chính trên địa bàn xã như lúa, ngô, sắn, cây ăn quả, cây dược liệu... Tuyên truyền, vận động người dân có sản phẩm hàng hóa đem trao đổi buôn bán, góp phần chuyển đổi tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa. Qua kết quả điều tra, khảo sát thực địa của ngành chức năng thì thổ nhưỡng ở Mường Lý cũng phù hợp với các loại cây như quế, trẩu, thông, sa mu, bồ đề, dổi ăn hạt, mỡ, luồng, vầu, cọ phèn, lát hoa...”.
Đồng hành cùng người dân phát triển cây sắn
Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung giúp, những ngày này, bà con bản Lát, xã Tam Chung đang khẩn trương thu hoạch sắn theo đúng thời vụ.
Thời gian qua, không chỉ Đồn Biên phòng Tam Chung mà các Đồn Biên phòng Trung Lý, Pù Nhi... nơi vùng biên Mường Lát đã và đang đồng hành cùng bà con trong việc trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia mô hình điểm trồng “Cây sắn năng suất cao”. Được biết, tháng 8/2023, các Đồn Biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai mô hình tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát. Công ty đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng với các đồn biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cây sắn trên địa bàn Mường Lát có gần 3.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Lý, Tam Chung, Trung Lý và rải rác ở các xã trong huyện. Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đã ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho bà con với diện tích hơn 2.000 ha. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm đã giúp cho bà con yên tâm, gắn bó với cây sắn. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng được cho là phù hợp với cây sắn khi sản lượng, năng suất vụ năm 2023 khá cao, góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Trong định hướng sản xuất theo lĩnh vực trồng trọt, huyện Mường Lát đã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; trong đó tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế của huyện như cây lúa, cây ngô, cây sắn... Trước đó, ngày 21/8/2023, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát tổ chức hội nghị công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ Thổ nhưỡng - Nông hóa huyện Mường Lát. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội của huyện, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cay-san-o-vung-bien-muong-lat/29542.htm