'Cây sáng kiến' của Thủy điện Thác Mơ
'Tôi luôn mong muốn nối tiếp truyền thống của công nhân ngành điện, xây dựng một cơ sở vững chắc cho những công nhân thế hệ sau ngày càng hoàn thiện và phát triển, phục vụ tốt nhất cho công tác phát điện của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ nói riêng và ngành điện nói chung' - anh Cao Bửu Quốc Duy chia sẻ.
Anh Cao Bửu Quốc Duy hiện là nhân viên Đội Thiết bị điện, Trung tâm Dịch vụ và sửa chữa cơ điện thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ. Gần 20 năm gắn bó với nghề, anh Duy luôn nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoàn thành tốt công việc được giao.
Trách nhiệm với nghề
Tiếp xúc với anh Cao Bửu Quốc Duy, người đối diện luôn cảm nhận được ở anh tinh thần làm việc tích cực, hăng say. Anh luôn hòa đồng, đoàn kết và là người truyền cảm hứng cho anh em trong đội thực hiện tốt khẩu hiệu 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), qua đó tạo thái độ làm việc tích cực, nâng cao điều kiện và môi trường làm việc vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong công việc hằng ngày, anh Duy luôn chấp hành tốt kỷ luật vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, quy trình quy phạm ngành điện, các tiêu chuẩn - quy chuẩn về an toàn theo quy định, các nội quy, quy chế của công ty và ngành. Anh cùng các thành viên trong đội thường xuyên kiểm tra, vệ sinh máy, thiết bị và nơi làm việc; phát hiện kịp thời hư hỏng nhỏ, những hiện tượng bất thường và nhanh chóng khắc phục, không để ảnh hưởng đến sự vận hành của tổ máy cũng như sức khỏe người lao động. Anh còn thực hiện tốt quy trình phiếu công tác, quy trình an toàn điện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nhóm công tác; đề xuất các biện pháp an toàn cần làm thêm tại hiện trường cho phù hợp thực tế công việc; nêu cao ý thức về phòng, chống cháy nổ.
Bằng niềm đam mê và trách nhiệm với nghề, trong quá trình làm việc, anh Duy đã có rất nhiều sáng kiến hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đem lại lợi ích thiết thực cho công ty.
“Cây sáng kiến”
Đối với đồng nghiệp, anh Duy chính là điển hình “cây sáng kiến”. Chỉ tính từ năm 2015-2020, anh đã có 37 ý tưởng sáng tạo và 5 sáng kiến được công nhận. Trong đó, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Ứng dụng công nghệ 3D, thực tế hỗn hợp và dụng cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực”. Phải mất 10 năm để hoàn thành, sáng kiến gồm 18 ý tưởng sáng tạo kết hợp thành một hệ sinh thái áp dụng các công nghệ tiên tiến như VR, AR, MR, OCR, QR code và các phương thức định vị, hỗ trợ từ xa, IoT, AI…
Sáng kiến này được công ty cấp chứng nhận năm 2016. Từ đó đến nay, anh tập trung nghiên cứu các hướng phát triển của công nghệ 3D + Animation để nâng cao năng suất, hiệu quả trong công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị với các thành tựu như: Mô hình hóa cụm chi tiết dao cách ly 13,8kV để phân tích, sửa chữa, khắc phục tình trạng “rớt lưỡi dao khỏi hành trình” trong quá trình thao tác đóng, mở dao cách ly; Mô hình hóa và mô phỏng quá trình đóng cắt tiếp điểm chính máy cắt SF6 110kV để phục vụ công tác đào tạo nội bộ; Mô hình hóa cơ cấu truyền động máy cắt đầu cực 13,8kV phục vụ công tác đào tạo nội bộ; Mô hình hóa và mô phỏng quá trình hoạt động của buồng dập hồ quang máy cắt đầu cực 13,8kV xác định nguyên nhân gây ra vết nứt buồng dập hồ quang, chủ động thay thế buồng dập hồ quang, tránh được sự cố chủ quan có thể gây ảnh hưởng đến thiết bị, năng suất và tính khả dụng của tổ máy…
Sáng kiến này cũng đoạt giải nhì cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực” toàn Tổng công ty Phát điện 2, lọt top 10 cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và được khuyến khích triển khai rộng khắp trong tập đoàn.
Anh Cao Bửu Quốc Duy luôn trách nhiệm với công việc, đặc biệt là trong công tác đổi mới, sáng kiến kinh nghiệm. Tất cả công việc khó khăn, các vị trí xung yếu được giao, anh đều thực hiện một cách khoa học, đảm bảo an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, các cấp lãnh đạo rất tin tưởng.
Ông Bùi Văn Phát, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và sửa chữa cơ điện, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ
“Trước khi áp dụng công nghệ này, thiết bị của đơn vị hầu như là thiết bị của Liên Xô nên có nhiều bản vẽ bị thất lạc. Khi dựa vào mô hình này, chúng ta sẽ tính toán được chi tiết thiết bị để đưa chỉnh về lại đúng giá trị của nhà sản xuất. Đối với những thiết bị đang trong tình trạng mang điện, không thể phục vụ công tác đào tạo thì từ những mô hình này chúng ta có thể vận dụng để đào tạo cho thế hệ sau” - anh Duy cho hay.
Với những đóng góp nổi bật cho công ty, nhiều năm liền, anh Duy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Anh còn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Phát điện 2 và của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ; được Đoàn khối Doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tuyên dương gương điển hình “Người thợ trẻ giỏi khối công nghiệp” năm 2017. Những kết quả đó là động lực để anh tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo và cho ra đời nhiều sáng kiến hữu ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138138/cay-sang-kien-cua-thuy-dien-thac-mo