Cây sơn tra vùng cao Thuận Châu

Những ngày đầu tháng 9, lên vùng cao huyện Thuận Châu, dọc hai bên đường là màu xanh của rừng xen lẫn cây sơn tra đang bước vào cuối vụ thu hoạch. Khu vực bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, người dân dựng sạp bán nhiều nông sản địa phương, trong đó có quả sơn tra tươi, sơn tra khô.

Quả sơn tra được trưng bày tại các gian hàng trong tuần Văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao năm 2024.

Quả sơn tra được trưng bày tại các gian hàng trong tuần Văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao năm 2024.

Vùng cao huyện Thuận Châu gồm 6 xã: Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, É Tòng, Mường Bám. Hơn 30 năm về trước, nhiều bản vùng cao là “thủ phủ” của cây thuốc phiện; hủ tục lạc hậu song hành với đói nghèo “đeo bám” người dân từ năm này đến năm khác. Tình trạng du canh du cư tự do, phá rừng làm nương trái phép diễn ra phổ biến; an ninh trật tự phức tạp… Thời điểm đó, việc tìm cây gì, con gì phù hợp để giúp đồng bào vùng cao thay đổi cuộc sống là quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi ở vùng cao này, mây mù bao phủ quanh năm, đồi đất dốc lớn, độ cao trung bình trên 1.500 m so với mực nước biển nên không phải loại cây trồng nào cũng thích nghi được.

Ông Thào A Của, Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ, chia sẻ: Trước đây, cây sơn tra có tự nhiên trong rừng, bà con thường gọi là cây táo mèo, táo rừng. Quả sơn tra có vị chát, chua, ngọt, thơm đặc trưng, được sử dụng ngâm rượu và là vị thuốc quý trong đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa. Năm 2000, thông qua Dự án KFW7 phát triển lâm nghiệp, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661), cây sơn tra được đưa vào trồng và trở thành cây đa mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Hơn 10 năm trở lại đây, bà con mở rộng diện tích trồng, toàn xã hiện có gần 100 ha trồng cây sơn tra. Cây sơn tra góp phần cải thiện đời sống nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,8% năm 2021 xuống còn 39,7% năm 2023.

Người dân xã Co Mạ bày bán quả sơn tra khu vực ngã ba Chà Mạy.

Người dân xã Co Mạ bày bán quả sơn tra khu vực ngã ba Chà Mạy.

Bản Cửa Rừng có 108 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, đời sống người dân trong bản khó khăn lắm, chủ yếu là trồng ngô, lúa nương và cây thuốc phiện. Cán bộ huyện về bản tuyên truyền chủ trương của tỉnh trồng cây sơn tra. Lúc đầu bà con nghĩ, sơn tra chỉ là cây rừng, quả ăn vừa chua, vừa chát, làm gì có ai mua, vì thế nhiều người không muốn trồng. Được cán bộ giải thích những lợi ích khi trồng cây sơn tra, lại được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, bà con dần nghe theo.

Ông Sồng A Chìa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cửa Rừng, cho biết: Năm 2010, bà con bắt đầu mở rộng diện tích. Hiện nay, bản có hơn 70 ha cây sơn tra, năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha. Bà con chủ yếu bán cho thương lái ở huyện, thành phố; bán cho du khách đi từ Thuận Châu sang huyện Sông Mã và sang tỉnh Điện Biên. Thu nhập từ quả sơn tra đã giúp bà con cải thiện cuộc sống, góp phần giảm số hộ nghèo của bản.

Tại xã Long Hẹ, năm 2000, huyện đã triển khai trồng thí điểm 6 ha cây sơn tra. Đến nay, xã có 500 ha cây sơn tra, với 400 hộ trồng, sản lượng đạt 1.000 tấn quả tươi/năm. Cây sơn tra thường ra hoa và cho thu hoạch quả muộn hơn so với địa phương khác khoảng hơn 1 tháng. Cây phát triển tốt, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Đợt băng giá, mưa tuyết hồi cuối tháng 1/2016 khiến gần 4.000 ha rừng đặc dụng Copia của Thuận Châu bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá, chết khô, nhưng sơn tra vẫn phát triển tốt.

Trồng 7 ha cây sơn tra, mỗi năm gia đình anh Thào A Hạnh, bản Co Nhừ, xã Long Hẹ, thu 30 tấn quả; giá bán trung bình từ 2-5 nghìn đồng/kg. Anh Hạnh nói: Do trình độ kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế nên quả chưa được đồng đều, mẫu mã chưa đẹp. Thời gian tới, tôi mong các cơ quan chức năng tạo mở các lớp tập huấn giúp bà con có kỹ thuật chăm sóc cây sơn tra, nâng cao chất lượng quả; hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm ổn định để bà con yên tâm gắn bó với cây trồng này.

Sản phẩm sơn tra khô của HTX Nặm Búa, xã Long Hẹ.

Sản phẩm sơn tra khô của HTX Nặm Búa, xã Long Hẹ.

Đến thăm HTX sơn tra Nặm Búa, xã Long Hẹ, là HTX đầu tiên của xã thành lập để bao tiêu quả sơn tra cho người dân. Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX Nặm Búa, cho biết: HTX có 121 hộ thành viên, quy mô sản xuất hơn 200 ha cây sơn tra. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, HTX đã bán hơn 100 tấn quả; chế biến 30 tấn quả tươi thành sơn tra khô. Từ trồng sơn tra, nhiều thành viên có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài huyện tìm hướng sơ chế, sản xuất quả sơn tra thành các sản phẩm, như trà sơn tra, nước uống từ sơn tra, sơn tra sấy khô…

6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu hiện có hơn 5.000 ha cây sơn tra. Để cây sơn tra của các xã vùng cao phát triển bền vững, UBND huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm quả sơn tra trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở chế biến, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm chăm sóc và mở rộng diện tích cây sơn tra. Hiện nay, huyện đang phối hợp với các xã triển khai dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ táo sơn tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm từ táo sơn tra”. Dự án nhằm đưa cây sơn tra trở thành cây trồng chủ lực; thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả sơn tra và chế biến các sản phẩm từ quả táo sơn tra, như trà táo, nước ép táo, táo sơn tra khô, bột táo…

Những nương đồi trước đây trồng cây ngô, cây lúa và cây thuốc phiện, nay được phủ kín bằng cây sơn tra. Tin rằng, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, cây sơn tra sẽ từng bước trở thành cây trồng chủ lực, giúp đồng bào dân tộc các xã vùng cao xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Hiền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/cay-son-tra-vung-cao-thuan-chau-IifWvV6Ig.html