'Cây tâm hồn' nở hoa ở Daegu
Qua Cây tâm hồn, các bạn Hàn Quốc sẽ hiểu Việt Nam hơn. Sự đồng cảm từ hai phía sẽ tạo nên nền văn hóa mới: Kết nối để hiểu và yêu thương
Mùa thu năm 2019, đánh dấu sự kiện thật đáng nhớ, đoàn Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM mang "Cây tâm hồn" của những nhà thơ TP HCM đến với TP Daegu, với khát vọng và nỗ lực từ hai phía: qua thơ ca, văn học nghệ thuật, hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc đồng cảm, thấu hiểu để gắn kết, phát triển hơn.
Đồng cảm thơ ca
Tập thơ "Cây tâm hồn" được chuẩn bị từ tháng 5-2019, gồm 15 nhà thơ Việt Nam và 30 nhà thơ Hàn Quốc hiện sống và hoạt động ở TP Daegu. Tôi thật sự xúc động khi bài diễn văn của mình được các nhà thơ TP Daegu đón nhận với tình cảm nồng ấm. Thật khó viết bài để đọc trong buổi ra mắt "Cây tâm hồn" ở Daegu, tôi viết dài, đủ các gương mặt nhưng phải cắt bỏ vì thời lượng có hạn, bài viết phải súc tích, cô đọng vì còn mất thời gian phiên dịch sang tiếng Hàn. Dịch thơ là một công việc thật không dễ dàng. Cô bé phiên dịch Đặng Như đã rất nỗ lực chuyển tải những thông điệp từ "Cây tâm hồn" đến với những người bạn Hàn Quốc.
Mười lăm tác giả thơ của chúng tôi trong "Cây tâm hồn" lần đầu tiên này không thể nói hết tiếng lòng của đội ngũ đông đảo nhà thơ ở TP HCM nhưng cũng là điểm xuyết những thông điệp tâm hồn, trân trọng gửi đến độc giả yêu thơ ở TP Daegu.
Nữ nhà thơ Khánh Chi, làm thơ từ năm mới lên 6, tốt nghiệp Học viện Văn học Macxim Gorky (Nga), có nhiều tập thơ khẳng định tên tuổi, vẫn mãi thao thức khi đánh mất "cái bọc tay thơ ngây ngày ấy của mẹ". Và chị học cách buông để "đừng làm bị thương chính mình".
Nhà thơ Hồ Thi Ca sáng tác văn học từ năm 1976, đi qua chặng đường dài của trải nghiệm thất bại và thành đạt, để bây giờ quay về với một ước mơ thật giản dị: "Bên dòng sông xòe tóc dài lồng lộng/ Tôi muốn làm một ngọn cỏ màu xanh".
Thật tinh tế, thâm trầm khi nhà thơ Trương Nam Hương - một tài hoa thơ - chiêm nghiệm: "Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều hạnh phúc/ Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt/ Vẫn nhận mình thấp bé - Thản nhiên xanh...".
Nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, sau những vinh quang và cay đắng của cuộc đời được nếm trải - tự bạch: "Như con bò đi hoang trở về hít thở mùi chuồng thân thuộc/ cúi đầu tạ lỗi nghĩa trọng tình thâm/ đêm đêm canh giữ tiếng thở mẹ nhọc nhằn...".
Phụ nữ vốn đa cảm. Phụ nữ làm thơ càng tinh tế, đa cảm đến dễ bị tổn thương. Nhà thơ Lê Thị Kim mạnh mẽ đối mặt với những mất mát: "Cũng như xuân đến lại đi/ Như hạnh phúc có ai ghì lại được/ Như ta đây cứ ngỡ ta là điều có thực/ Cái phẩy tay đời ta đã hóa hư vô".
Phong Việt là nhà thơ trẻ. Thơ anh xuất bản hàng chục ngàn bản, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Thật dung dị khi anh nói: "Lòng vẫn tin một mai qua dâu bể/ Có mái hiên vừa đủ rộng để ngồi/ Rót chén trà mời yêu thương quá vãng/ Nước mắt này, đừng khách sáo - cứ rơi"…
Vài dòng ngắn ngủi không thể điểm hết những "hạt ngọc thơ" của 15 tác giả trong "Cây tâm hồn". Tôi cũng rất xúc động khi bài thơ của mình với tựa đề "Cây tâm hồn tôi" đã tạo cảm hứng cho tựa đề chung của tập thơ này. "Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi một trái tim...". Trái tim treo trên cây tâm hồn cần yêu thương, nâng niu biết bao để dâng tặng sự sống.
Cảm ơn bài thơ "Đất" của Lee Jae Sun - bài thơ cuối cùng của tập sách - đã gợi lên một hình ảnh đầy hy vọng, bởi đất là ngôi nhà chung, cưu mang, nâng đỡ tất cả: "Cho vạn vật sinh sôi/ Chở che là mẹ". Một khi cây bám rễ vào mặt đất sẽ cho đời hoa trái. Bằng sự đồng cảm thơ ca, thấu hiểu để yêu thương, chúng tôi tin "Cây tâm hồn" những mùa sau luôn nở những đóa hoa tinh khiết.
Tình Daegu
Phó Thị trưởng TP Daegu, ông Lee Sang-gil, đến dự buổi ra mắt tập thơ và chăm chú lắng nghe, xúc động khi những bài thơ từ những tác giả Việt Nam được đọc. Lời phát biểu của ông rất ấm áp, chân thành: "Tôi cho rằng đây không chỉ là hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật của hai liên hiệp hội mà là 2,5 triệu người dân TP Daegu chào mừng đoàn văn nghệ sĩ TP HCM. Từ khi hai thành phố ký kết nghĩa, hai bên đã thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch... Khi sang TP HCM, chúng tôi đã được sự tiếp đãi ấm áp từ ngài Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Cầm trên tay "Cây tâm hồn", tôi rất vui mừng vì chạm đến kết quả cụ thể của hoạt động văn học của hai thành phố. Tôi xin cảm ơn 15 nhà thơ Việt Nam và 30 nhà thơ Hàn Quốc đã góp phần làm nên sự thành công của tập thơ này. Thơ xuất phát từ tâm hồn con người nên có mối tương đồng giữa các nhà thơ của hai đất nước. Văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng để hai dân tộc hiểu nhau. Tôi hy vọng ngoài lĩnh vực văn hóa, hai thành phố còn nhiều lĩnh vực khác để hợp tác và phát triển. Người Hàn có câu tục ngữ: Từ trái tim sẽ xuất phát nhiều việc. Nhân dân TP Daegu luôn nỗ lực đưa văn hóa Hàn ra thế giới".
Ông Kim Jong Seong - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP Daegu - hy vọng qua "Cây tâm hồn", các bạn Hàn Quốc sẽ hiểu Việt Nam hơn. Sự đồng cảm từ hai phía sẽ tạo nên nền văn hóa mới: Kết nối để hiểu và yêu thương. Ông thống nhất cùng nhạc sĩ Trần Long Ẩn, lấy tên "Cây tâm hồn" đặt cho tập thơ chung. Giờ là "Cây tâm hồn 1" nhưng năm sau sẽ là "Cây tâm hồn 2". Cứ thế, những cái cây sẽ mọc lên và cho ra quả ngọt.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cay-tam-hon-no-hoa-o-daegu-20191021224741468.htm