Cây thị gốc to 4 người ôm mới đủ, chủ ra giá 'khủng' khách chốt ngay
Một cây thị cổ thụ có gốc 'khủng' được một người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam mua với mức giá không hề nhỏ gần nửa tỷ đồng.
Anh Trần Bá Hội (Quảng Ninh) vốn là một người đam mê cây cảnh, anh chuyên đi sưu tầm những cây cảnh đẹp ở mọi miền Tổ quốc. Để sở hữu được những cây đẹp anh thường bỏ ra rất nhiều công sức cũng như tiền bạc.
Trong vườn cây cảnh nhà anh Hội có cây thị rất nổi bật. Nói về cơ duyên sở hữu cây cảnh độc đáo này chủ cây cho hay, một lần, anh có cơ duyên biết đến và mua được cây thị cổ thụ ước chừng tuổi đời đến hơn 400 tuổi.
Cây thị có gốc to được anh mua từ một gia đình ở Đà Nẵng cách đây khoảng 3 năm về trước. “Chủ nhân là một người làm nương rẫy, cây này họ trồng để làm bóng mát. Do tán cây lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các cây khác nên họ thường chặt cành đi liên tục. Qua năm tháng, gốc ngày càng to lên và xù xì, tôi nhìn thấy rất đẹp và đã ngỏ ý mua”, anh Trần Bá Hội chia sẻ với Nông Thôn Việt.
Để mang được cây về vườn, anh phải thuê người và thiết bị để có thể nhấc được cây lên và vận chuyển về nhà mình. Anh trồng trong một chiếc chậu ở sân vườn để tiện chăm sóc. Do cây cao 3,5m, rộng khoảng 5m, gốc to đến 4 người lớn dang tay nối nhau mới ôm vừa nên anh phải trồng trong một chiếc chậu “khủng”.
Cây đem về chưa có hình dáng gì của một cây bonsai, bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, anh đã tạo tác nó có tay, cành để tạo ra dáng, thế của một cây cảnh bonsai có tính thẩm mỹ và giá trị cao.
Sau một thời gian chăm sóc, tạo dáng thế cây cảnh, đã có một vị khách người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam đến mua về trưng bày với giá 400 triệu đồng.
“3 năm chưa phải là dài nên mọi thứ vẫn đang trong quá trình tạo tác. Dù cây chưa hoàn thiện nhưng có một vị khách người Nhật đã đặt mua, họ đã cọc tiền và chuẩn bị di chuyển cây. Theo tôi tìm hiểu, cây sẽ được vị khách này trang trí tại khuôn viên công ty của họ”, chủ cây thị nói.
Theo anh Hội cây thị này chưa hoàn thiện nên mức giá như vậy là vừa phải. Tuy nhiên theo thời gian cây mà hoàn thiện tay cành mang đầy đủ yếu tổ về thẩm mỹ thì giá trị sẽ rất cao và có thể đem đi thi đấu được.
Nhiều người tưởng trồng cây thị khó nhưng anh Hội thành thật chia sẻ cây thị rất dễ chăm. Kể cả cây thị khi trồng trên chậu cũng hầu như không cần chăm sóc nhiều mà chủ yếu tưới nước cho nó. Cứ vào mùa, cây lại đơm hoa, kết trái.
Ở Việt Nam có rất nhiều cây thị cổ thụ, điển hình cây thị hơn 700 tuổi ở Hà Tĩnh vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Chia sẻ với báo Thanh Niên về cây thị cổ độc đáo này,ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, cây thị cổ thụ hơn 700 tuổi trên địa bàn xã này vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.
"Từ trước đến nay cây thị cổ thụ vẫn luôn được người dân trong xã bảo vệ, gìn giữ. Sau khi cây thị này được công nhận là cây di sản Việt Nam, chính quyền xã sẽ có phương án chăm sóc và bảo vệ cây được tốt hơn", ông Đoài nói.
Mặc dù trong gốc cây thị có hốc rỗng ruột lớn, vài người có thể vào ẩn nấp bên trong nhưng tay cành vẫn ra lộc xanh mướt. Người dân địa phương còn lập đền thờ dưới gốc cây thị, đặt tên là "Gốc thị sử tích". Tại đây còn có bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền sử tích cây thị gắn liền với truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc Minh của vua Lê Lợi.
Trúc Chi (t/h)