Cấy trí tuệ nhân tạo vào não, được chăng?

'Trí tuệ nhân tạo (AI) này cho phép mọi người trên thế giới, bất kể là bao nhiêu tuổi, ở bất cứ nơi đâu, thậm chí trên xe hơi. Chỉ cần đăng nhập vào TV thông minh, máy tính, điện thoại, sau đó đeo kính thông minh AI vào và nói: Hãy dạy tôi về… là mọi thứ sẽ bày ra trước mắt' – ông Nikolas Kairinos nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Fountech.ai vừa nói với Daily Star Online.

Trong tương lai, AI nếu được cho cấy ghép với não người, con người sẽ không cần phải đi... học.

Trong tương lai, AI nếu được cho cấy ghép với não người, con người sẽ không cần phải đi... học.

Trang web của Fountech viết: “Đối với ai đó không có hiểu biết sâu về công nghệ, AI có thể bị xem là một khái niệm ngoài hành tinh. Tuy nhiên, mấu chốt của thuật ngữ này lại đơn giản – cụ thể là khả năng máy tính hoặc máy móc hóa suy nghĩ, học và bắt chước hành vi thông minh của con người”. Kairinos tin rằng bằng cách sử dụng AI như vậy, bất kỳ ai trong độ tuổi từ 8 đến 80 sẽ có thể học “hầu hết mọi thứ” theo tốc độ của riêng họ.

Trợ lý vô cùng thông minh

Mô cấy AI giúp con người tiếp cận dữ liệu mà không cần ghi nhớ hay học vẹt. Nikolas Kairinos – mới đây tiết lộ về tương lai con người không cần phải ghi nhớ hay học thuộc lòng bất cứ điều gì bởi đã có bộ phận hỗ trợ não cho bạn bất cứ thông tin nào.

Theo ông Kairinos, một thiết bị đặc biệt tên là “bộ não Google” vốn là một mô cấy sẽ được cấy ghép vào não người, hỗ trợ bộ não xử lý các thông tin đầu vào và đầu ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Con người sẽ chẳng còn phải lạch cạch gõ các câu hỏi lên mạng tìm thông tin vì chúng sẽ được trả lời ngay lập tức bởi một “mô cấy AI”. Điều này có nghĩa rằng “phong trào học vẹt” trong trường học sẽ biến mất hoàn toàn.

Loại trí tuệ nhân tạo này sẽ là một bước tiến mang tính cách mạng giúp bất kỳ ai cũng có thể biết mọi thứ mà không cần học hay ghi nhớ.

Vị chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong ngành cho biết thêm: “Google sẽ ở ngay trong đầu của bạn và điều đó sẽ không còn xa. Nó giống như có một trợ lý vô cùng thông minh”. “Bộ não Google” được cá nhân hóa rất cao. Vì vậy, khi càng được vận dụng, nó càng hiểu bạn nhiều hơn. Nó sẽ thích nghi với bạn, phong cách giảng dạy, giọng nói, thời gian trong ngày “bộ não Google” nói chuyện với bạn cũng sẽ thay đổi nhằm tối ưu hóa việc học” – ông Nikolas Kairinos mô tả.

Thậm chí, ông Nikolas Kairinos còn cho biết, công cụ này sẽ làm các trường học “biến mất”, vốn là nơi khiến con người “học vẹt”, ép phải nhớ các sự kiện mà cho đến cùng, người ta lại lãng quên nó hoặc không sử dụng đến nó.

Chữa chứng rối loạn tâm thần

Cơ quan Nghiên cứu Các dự án phòng thủ Tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đang tài trợ cho các nhà khoa học tại Đại học California và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) ở Boston (Mỹ) phát triển một số loại chip điện tử “kiểm soát tâm trí”, có thể cấy vào não người để điều trị chứng rối loạn tâm thần.

Bệnh tâm thần có thể được chữa nhờ cấy AI.

Bệnh tâm thần có thể được chữa nhờ cấy AI.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, họ bắt đầu thử nghiệm thiết bị cấy ghép não mạch kín (closed-loop) sử dụng thuật toán trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện các biểu hiện rối loạn tâm trạng khác nhau, đồng thời tạo ra những cú sốc điện khiến não người trở lại trạng thái khỏe mạnh một cách tự động. Thiết bị cấy ghép thần kinh này – thứ tạo ra xung điện để kiểm soát cảm giác và hành vi của con người – có thể kích thích não điều trị bệnh rối loạn tâm trạng, bao gồm chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Các con chip đã được thử nghiệm trên 6 tình nguyện viên mắc bệnh động kinh. Họ đều có điện cực được cấy vào não, giúp nhóm nghiên cứu theo dõi điều gì đang xảy ra bên trong não của họ suốt cả ngày, liên tục trong 1 đến 3 tuần, và cuối cùng tạo ra một thuật toán để “giải mã” tâm trạng thay đổi của họ.

Phân tích sâu hơn giúp các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, những cú sốc điện tại khu vực não liên quan đến cảm xúc và quá trình ra quyết định có thể cải thiện đáng kể thành tích của tình nguyện viên khi họ thực hiện nhiệm vụ cho trước.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, con chip cũng giúp khắc phục nhiều vấn đề sức khỏe khác như bệnh Parkinson và trầm cảm mãn tính. Mục tiêu cuối cùng của DARPA là điều trị cho những người lính và cựu chiến binh bị trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Mặc dù cái gọi là chip kiểm soát tâm trí không đọc được ý nghĩ của con người, nhưng nó làm tăng mối lo ngại về mặt đạo đức. Bởi vì công nghệ mới có thể giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận với cảm xúc bên trong của một người theo thời gian thực.

Nguyễn Hưng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cay-tri-tue-nhan-tao-vao-nao-duoc-chang-26041.html