Cây vải u hồng đặc biệt, từng giúp chủ kiếm 7 lượng vàng 1 vụ
'Chỉ một cây vải trong vườn vào mùa quả chín hái đi bán, số tiền thu được chồng tôi đem mua 7 lượng vàng', bà Phạm Thị Hoa tiết lộ về cây vải u hồng đặc biệt của gia đình mình ngày trước.
Cuối tháng 5, trà vải thiều sớm bắt đầu vào vụ thu hoạch, bà Phạm Thị Hoa ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải quả sai trĩu, chín đỏ của gia đình.
Vườn vải thiều nhà bà Hoa rộng 1,5 mẫu, trồng đủ các loại vải từ u trứng trắng, trứng gai đến vải u hồng và tàu lai. Hiện tại, vải bắt đầu cho thu hoạch, bà Hoa hái bán được hơn 1 tấn quả với giá dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg. Năm ngoái, vườn vải này cho thu hơn 300 triệu đồng.
Chỉ vào cây vải u hồng ngay lối đi vào vườn, bà Hoa nói: “Cây này đã mấy chục năm tuổi. Còn cây vải cổ thụ khoảng 120 năm tuổi bị mối phải chặt bỏ”.
Bà nhớ lại ngày còn mới về làm dâu, bố mẹ chồng thường xuyên nhắc về nguồn gốc cây vải u hồng trong vườn nhà. Cây vải u hồng đầu tiên do cụ Lê Đình Thủy (đã mất) trồng. Trước đây, cụ thấy có cây vải mọc hoang nên đánh gốc mang về trồng lại được cây vải u hồng cho quả sai lúc lỉu.
Những năm 1980-1990, vải thiều đắt giá. Thời đó, vải đắt đỏ đến mức cứ "trồng một cây vải thu một cây vàng".
Tuy nhiên, cây vải u hồng trong vườn nhà bà Hoa thì thu được nhiều hơn thế. Bà nhớ có năm vải được mùa, riêng hái quả trên cây vải này đem bán, tiền thu về chồng bà đem đi mua được 7 lượng vàng. Đó cũng là năm thu được nhiều tiền nhất từ cây vải cổ thụ. Những năm sau, tiền bán vải cũng giúp gia đình mua được 2-3 lượng vàng.
Thời đó, cây vải trưởng thành cao khoảng 20m. Mỗi khi trèo lên cây hái quả mọi người đều phải buộc dây thừng quanh người vì sợ ngã. Vải hái được để vào thúng rồi thả dây xuống dần.
Từ những năm 1990, gia đình bà bắt đầu chiết cành nhân giống trồng nhiều vải u hồng trong vườn nhà hơn. Còn cây vải thiều cổ trước đó cụ Thủy trồng phải chặt bỏ do già cỗi, thân cây bị mối xông.
“Vải u hồng bây giờ trong nhà cũng trồng rất nhiều. Vào vụ quả chín luôn bán được giá cao”. Bà Hoa cho biết, vợ chồng bà có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc vải thiều, đặc biệt là vải u hồng nên mẫu mã quả luôn đẹp, chất lượng thơm ngọt. Nhờ đó, bà không phải đem ra chợ bán. Vải chủ yếu được khách về tận nhà mua làm quà biếu tặng.
Gia đình bà Phạm Thị Mịn ở Thanh Quang cũng sở hữu một cây vải u hồng hơn 100 tuổi. Cây này chính là cây thế hệ thứ hai xin được từ nhà cụ Thủy về trồng.
Chỉ vào gốc vải 3 người lớn ôm không xuể, bà Mịn cho biết, đến nay cây vải vẫn cho vài tạ quả đều đặn mỗi năm. Có những chùm vải còn nặng 1-2kg, quả chín ăn ngọt, hạt nhỏ xíu.
Cách đây khoảng 30 năm, cây vải u hồng trong vườn nhà bà Mịn cho sản lượng khoảng 5-6 tạ/vụ. Lái buôn tranh nhau đến tận nhà mua quả. Từ năm 1988-1990, tiền bán quả từ cây vải u hồng này gia đình bà thường mua được 2-3 lượng vàng/năm.
"Khi đó vải thiều rất hiếm. Đến mùa vải chín, thấy giá đắt như vậy, gia đình cũng không dám hái ăn nhiều mà để bán lấy tiền", bà nói.
Từ năm 1994-2000, gia đình bà nhân giống và trồng hơn 1 mẫu u hồng. Giống vải này lúc đó cũng dần phổ biến. Nguồn cung nhiều, vải không còn khan hiếm nên giá hạ nhiệt. Song, gia đình bà vẫn thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng vải u hồng, bà Mịn chia sẻ.
Từ thôn Phúc Giới, cây vải sớm u hồng bắt đầu được nhân rộng đi khắp vùng đất Thanh Quang sau lan ra huyện Thanh Hà. Nhất là năm 1994 trở lại đây, từ cây vải u hồng nông dân chiết, ghép cành thành các giống vải u gai, tàu lai như ngày nay.
Ở xã Thanh Quang còn có hàng chục cây vải u hồng trên dưới 100 tuổi. Những người sành ăn thường chọn quả ở những cây lâu năm để mua.
Vải u hồng là một trong những giống vải không chỉ được trồng phổ biến ở Hải Dương, Bắc Giang mà vài năm trở lại đây còn được trồng nhiều ở Đắk Lắk.
Đây là giống vải cho thu hoạch sớm hơn vải thiều nên giá bán tại vườn tương đối cao, dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg. Trên thị trường, vải u hồng đầu mùa giá trên dưới 100.000 đồng/kg.
Hàng năm, người dân trồng vải u hồng ở Hải Dương và Bắc Giang có thể thu được cả 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ở Đắk Lắk nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng giống vải này.