'Cây vĩ cầm' số 2 bên cạnh Các Mác
Ph.Ăngghen sinh ngày 28-11-1820 trong một gia đình tư sản ở TP. Barmen, tỉnh Rhein (Vương quốc Phổ). Ph.Ăngghen là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học có những cống hiến to lớn về tư tưởng, lý luận và trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.
Với vai trò là người bạn, người đồng chí thân thiết, Ph.Ăngghen đã cùng với Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
* Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác
Theo TS.Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nói đến những cống hiến của Ph.Ăngghen, chúng ta phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với hệ tư tưởng của Các Mác. Thông qua các tác phẩm kinh điển viết riêng và viết chung với Các Mác cho thấy Ph.Ăngghen là người đã có công bổ sung, làm phong phú và sâu sắc hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác ở cả phương diện triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Trong đó, ở phương diện triết học, Ph.Ăngghen được coi là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào nhận thức những quy luật tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới của khoa học tự nhiên. Từ đó, Ph.Ăngghen đã đưa ra được những dự đoán về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai; đồng thời chứng minh chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ dành cho khoa học xã hội mà còn dành cho khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật...
Chiều 27-11, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Giá trị thời đại những tư tưởng của Ph.Ăngghen trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận làm rõ thêm những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen. Hội thảo đã góp phần khẳng định phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen nói riêng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một hệ thống tri thức quý báu đòi hỏi cần được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học bổ sung phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn hiện nay.
Ở phương diện kinh tế chính trị học, Ph.Ăngghen lần đầu tiên đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để phê phán phương pháp và một số quan điểm về kinh tế chính trị học của giai cấp tư sản... Riêng phương diện chủ nghĩa xã hội khoa học, cùng với Các Mác, Ph.Ăngghen không chỉ là người phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân mà theo Lênin đó là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác”.
Không chỉ bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác về mặt lý luận mà Ph.Ăngghen còn đấu tranh trực tiếp, kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái của một số nhà tư tưởng để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Trong bài tham luận tại hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen, ThS Nguyễn Ngọc Thắm, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh cho hay, một trong những nhà tư tưởng có hệ thống quan điểm đối lập với Các Mác chính là ông Đuyrinh. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh được Ph.Ăngghen hoàn thành vào năm 1848 thể hiện rất rõ.
Để phê phán Đuyrinh và bảo vệ chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen đã nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực khoa học cũng như những tác phẩm của Đuyrinh. Từ đó, Ph.Ăngghen trích ra quan điểm của Đuyrinh và đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác để phê phán những quan điểm của Đuyrinh một cách trực diện; đồng thời đưa ra những luận cứ để vạch trần sự vu khống và xuyên tạc của Đuyrinh đối với Các Mác và chứng minh tính khoa học, đúng đắn trong các luận điểm của Các Mác.
Chưa hết, Ph.Ăngghen còn là người luôn đổi mới tư duy, phát triển lý luận thông qua nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăngghen dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Minh chứng rõ nhất là một số nhận định trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sau này đã được Ph.Ăngghen cùng với Các Mác thừa nhận nếu được viết lại thì vẫn cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời...”.
* Tư duy biện chứng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Bên cạnh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen còn được thể hiện ở tư duy biện chứng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tham luận tại hội thảo nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen, ThS Trần Tuấn Anh, giảng viên Khoa Công tác Đảng - công tác chính trị, Trường đại học Nguyễn Huệ cho hay, cùng với Các Mác, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ quá trình phát sinh, phát triển và tính tất yếu diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Một mặt chỉ ra những mặt tiến bộ, những đóng góp của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đối với sự phát triển của nhân loại... Ph.Ăngghen đã cùng với Các Mác phân tích chính xác “khuyết tật” với những mâu thuẫn gay gắt không thể cùng tồn tại ngay trong nền sản xuất đó...
Bên cạnh đó, đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học và những vấn đề hết sức cơ bản của kinh tế chính trị học. Ông cũng luận chứng sâu sắc cho những nhiệm vụ và con đường cải tạo xã hội theo chủ nghĩa cộng sản và trình bày một số vấn đề căn bản của chủ nghĩa xã hội như: mối quan hệ sản xuất và phân phối, vấn đề nhà nước, hôn nhân gia đình, xóa bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc với lao động chân tay...
Cũng theo ThS Trần Tuấn Anh, công lao lớn của Ph.Ăngghen là đã khởi thảo những nguyên lý về chủ nghĩa cộng sản khi ông cùng với Các Mác viết tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Theo lý luận của Ph.Ăngghen, chủ nghĩa cộng sản là hình thái kinh tế - xã hội phát triển cao hơn hẳn hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa trên tất cả các phương diện.
ThS Mai Thúc Định, giảng viên Khoa Công tác Đảng - công tác chính trị, Trường đại học Nguyễn Huệ trong bài tham luận của mình cũng nêu rõ: Song song với quá trình khẳng định tính tất yếu loài người phải đi lên xã hội cộng sản, Ph.Ăngghen trong quá trình nghiên cứu cũng đã đề cập đến thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen luôn nhấn mạnh rằng cần phải suy nghĩ kỹ, không được nôn nóng, không được phép kết luận vội vàng, bởi đây là “vấn đề khó nhất trong tất cả các vấn đề còn tồn tại” ở một thời kỳ mà “các điều kiện không ngừng thay đổi”.
Nhằm khắc phục những nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, Ph.Ăngghen nêu rõ quan điểm của mình về sự khác nhau căn bản giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Ph.Ăngghen viết: “Cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là cái gì đó nhất thành bất biến, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được xem xét như một xã hội được thay đổi và cải tạo thường xuyên. Sự khác biệt có tính chất quyết định của nó so với chế độ hiện nay (chế độ tư bản chủ nghĩa) là ở việc tổ chức sản xuất trên cơ sở sở hữu của từng dân tộc đối với tất cả các tư liệu sản xuất”. Ph.Ăngghen cũng chỉ ra, do những điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, truyền thống, văn hóa khác nhau mà dân tộc này hay dân tộc khác có thể bỏ qua một hoặc một số bước phát triển nào đó trong những bước đi chung mà nhân loại phải trải qua.
Có thể nói, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị. Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Ph.Ăngghen nói riêng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước. Cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng ta cũng xác định: “Đây là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp và do vậy tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường...”.
Theo Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Văn Long, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là việc bỏ qua chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa và tình trạng áp bức, bóc lột chứ không bỏ qua những thành tựu văn minh vật chất và tinh thần mà loài người đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại.