Cây vú sữa trên đất Liên Hòa
Sau gần 20 năm bén rễ trên đất Liên Hòa (Kim Thành), cây vú sữa đã và đang trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng ở thôn Thái Nguyên, xã Liên Hòa là một trong những hộ sớm đưa cây vú sữa vào trồng với diện tích lớn ở thôn. Ban đầu, ông chỉ trồng 1 - 2 cây lấy bóng mát, ăn quả. Sau hơn 10 năm gia đình ông Bằng đã mở rộng diện tích lên gần 1,7 mẫu. Ông Bằng cho biết trồng cây vú sữa đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc, trồng một lần cho thu hoạch 25 - 30 năm. Cây vú sữa có thể nhân giống từ nhánh chiết. Sau khi chiết, phải giâm nhánh trong đất ẩm, có bóng mát từ 2 - 3 tháng mới trồng. Phương pháp này giúp cây nhanh ra quả, khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch.
Cũng theo ông Bằng, để vú sữa cho sản lượng cao, quả đều, đẹp thì phải chọn đúng giống. Người trồng cần tạo vồng (ụ đất) để trồng, khoảng cách 4 - 5 m/cây. Quá trình trồng phải nắm được lịch sinh trưởng, phát triển của cây để bón phân, phun phòng một số loại sâu bệnh như rệp, sâu cành, sâu quả. Đặc biệt, khi vú sữa đậu quả người trồng phải ngắt bớt quả non, không để sai quá. Trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Hiện nay, gia đình ông Bằng có khoảng 50 cây vú sữa đang cho thu hoạch. Sản lượng mỗi cây từ 30 kg đến 2 tạ (tùy cây to, nhỏ và tuổi cây). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ vú sữa gặp khó khăn, song giá bán tại vườn vẫn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với vụ trước. Gia đình ông đã bán được gần 3 tấn vú sữa, thu về khoảng 80 triệu đồng.
Anh Đoàn Văn Chanh cùng ở thôn Thái Nguyên trồng vú sữa hơn 10 năm nay cho biết: "Trước đây, gia đình tôi xin giống về trồng được 2 - 3 gốc. Sau một thời gian thấy cây cho sản lượng cao, dễ bán nên đã mở rộng diện tích theo từng năm. Hiện nay, gia đình tôi có gần 300 gốc vú sữa". Ngoài trồng trong vườn nhà, anh Chanh còn thuê đất để trồng. Trong 300 gốc vú sữa của gia đình anh hiện có gần 100 gốc đang cho thu hoạch. Do phần lớn vú sữa mới trồng từ 3 - 4 năm nên sản lượng chưa cao, nhưng từ đầu vụ đến nay, gia đình anh đã bán khoảng 2 tấn quả, thu được gần 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thái Nguyên cũng là người nhiều năm trồng vú sữa. Nói về kinh nghiệm trồng, ông Thạch cho biết để cây vú sữa phân bố cành tròn đều, sau khi trồng 1 năm, đến mùa cây ra lộc phải tỉa ngọn khống chế chiều cao khoảng 4m để tiện chăm sóc, thu hoạch, tránh gãy cành vào mùa mưa bão. Vào mùa khô nên tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm, bón các loại đạm, kali, lân, phân chuồng... Vú sữa thường cho thu hoạch từ giữa tháng 3 âm lịch hằng năm và kéo dài khoảng 2 tháng. Nhờ kinh nghiệm này mà 20 năm qua, vườn vú sữa của gia đình ông Thạch luôn cho sản lượng và giá trị cao nhất nhì trong thôn. Năm 2019, từ 50 cây vú sữa, gia đình ông Thạch thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Không chỉ bán quả, người dân thôn Thái Nguyên còn thu hàng triệu đồng từ bán cành chiết với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/cành.
Ông Đồng Hoài Bắc, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa khẳng định chất đất canh tác ở xã phù hợp để trồng cây vú sữa. Nhiều năm trước đây, người dân trong xã đã lấy giống vú sữa ngon nổi tiếng từ miền Nam được trồng ở đất Đồng Cẩm (cùng huyện Kim Thành) về trồng. Ban đầu vú sữa được trồng xen kẽ với cây vải, nhãn. Khoảng 7 năm trở lại đây, quả vú sữa bán được giá, nhiều nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích vải hiệu quả thấp sang trồng loại cây trên, chủ yếu là vú sữa đỏ. Loại này khi chín có màu đỏ hồng, đẹp mắt, vỏ ngoài căng bóng. Sau gần 20 năm bén rễ, từ chỗ chỉ có một vài gốc, đến nay, toàn xã có hơn 10 ha vú sữa, riêng thôn Thái Nguyên khoảng 8 ha. Vú sữa Liên Hòa chủ yếu được tiêu thụ ở TP Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Để cây vú sữa phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao, xã Liên Hòa khuyến khích người dân áp dụng mô hình trồng theo hướng VietGAP, đồng thời sẽ kiến nghị với huyện có chính sách hỗ trợ người dân phù hợp…
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/cay-vu-sua-tren-dat-lien-hoa-135718