Cây xanh 'bứng đi dưỡng' giờ ra sao?

Nhân vấn đề thời sự gây bức xúc dư luận 'làm mới vỉa hè, bức tử cây xanh' xảy ra ở một số quận huyện ở TPHCM, phóng viên Báo SGGP đã trở lại tìm hiểu 'số phận' của những cây xanh được 'bứng đi dưỡng' khi làm các dự án hạ tầng của thành phố khoảng 10 năm trước.

Dưỡng rồi để luôn ở đó

Năm 2017, khi triển khai dự án làm cầu Thủ Thiêm 2, đã có 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 bị đốn hạ và di dời. Trong số này, có 115 cây thuộc diện di dời để bảo dưỡng, chăm sóc. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nhớ lại, thời điểm ấy diện tích đất trong khuôn viên trường còn trống nhiều nên trường đã đồng ý cho ban quản lý dự án di dời cây xanh về đây để bảo dưỡng, chăm sóc. Trường chỉ cho mượn đất, còn công tác chăm sóc, bảo dưỡng là do người của ban quản lý dự án thực hiện.

 Sau 10 năm, cây xanh ở dự án cầu Thủ Thiêm 2 đưa về Trường Đại học Nông Lâm TPHCM bảo dưỡng, chăm sóc, đã cao to. Ảnh: THANH ĐIỀN

Sau 10 năm, cây xanh ở dự án cầu Thủ Thiêm 2 đưa về Trường Đại học Nông Lâm TPHCM bảo dưỡng, chăm sóc, đã cao to. Ảnh: THANH ĐIỀN

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, số lượng cây được Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tiếp nhận từ dự án làm cầu Thủ Thiêm 2 khoảng 120 cây, bao gồm lim xẹt, me, xà cừ. Cây di dời về trường được trồng ở khắp nơi, có cây được trồng trong sân trường, trong vườn ươm hoặc khu thực hành, thực nghiệm của các khoa. Cây được trồng nhiều nhất là ở đường 14 - tuyến đường dẫn vào khoa Lâm nghiệp. Theo thời gian, hiện còn khoảng 70 cây sống, trong đó có cây thân rất lớn, cao khoảng 30m, tán rộng, rợp bóng mát, có cây cao khoảng 10-15m.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, ThS Nguyễn Thanh Điền, Phòng Quản lý vật tư, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, tỏ ra tiếc nuối vì số lượng cây bị chết khá nhiều. Theo ThS Điền, cây đưa về đây cần được chăm sóc rất kỹ lưỡng, cẩn thận bởi môi trường đất ở đây rất khô. Không những thế, do cây bị bứng ngang, nhất là các cây có kích thước lớn nên việc trồng và bảo quản cũng khó khăn. Cây có kích thước lớn phải khoanh bầu, cắt nhiều rễ lớn nên khi trồng phải được gia cố, giằng chống bằng dây cáp, cọc. Đến nay, cây vẫn còn đeo “vòng kiềng” để được bảo vệ.

“Khoảng 4 năm nay, người của ban quản lý không xuống chăm sóc cây ở đây nữa”, ThS Nguyễn Thanh Điền thông tin. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Cây di dời về đây để dưỡng đã gần 10 năm, vậy tiếp theo sẽ làm gì, có đem đi trồng nơi khác không?”, phía nhà trường cho biết, chỉ thấy trồng vậy thôi chứ tiếp theo là gì thì không rõ.

GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công Nghiệp TPHCM, cho biết: “Chúng ta đã có luật bảo vệ cây xanh đô thị, nếu cây xanh bị xâm hại thì lực lượng chức năng phải tiến hành xử lý các trường hợp theo quy định. Việc xử lý nghiêm túc sẽ tạo tính răn đe đối với xã hội về ứng xử với cây xanh”.

Để triển khai Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), từ năm 2014-2017, thành phố cũng đã phải di dời, đốn hạ nhiều cây xanh để có mặt bằng. Khi liên hệ với đơn vị có liên quan tìm hiểu những cây xanh nói trên được di dời đi đâu để bảo dưỡng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi các đơn vị “chỉ vòng vòng”. Chúng tôi liên hệ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM (Công ty Cây xanh), đơn vị này nói họ không phụ trách, bảo liên hệ Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TPHCM.

Liên hệ với Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật, lãnh đạo đơn vị này yêu cầu liên hệ với chủ đầu tư dự án. Liên hệ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM thì được giải thích, khi triển khai dự án làm metro số 1, UBND TPHCM đã giao cho Công ty Cây xanh thực hiện di dời, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh. Chúng tôi quay trở lại Công ty Cây xanh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc công ty trả lời: “Vì thời gian đã 10 năm nên lục hồ sơ chưa ra!?”.

Hạn chế thấp nhất việc xâm hại hoặc đốn hạ

Qua tìm hiểu thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, việc xử lý cây xanh trong các dự án còn nhiều bất cập, chưa rõ trách nhiệm. Và, cho tới thời điểm này cũng chưa một đơn vị hay cá nhân nào bị một hình thức kỷ luật hoặc bồi thường nếu có hành vi xâm hại hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến phải chặt cây xanh.

 Di dời cây xanh để thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2, năm 2017

Di dời cây xanh để thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2, năm 2017

Vấn đề đặt ra đối với TPHCM là làm thế nào để giữ gìn cây xanh, hạn chế thấp nhất việc xâm hại hoặc đốn hạ để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta? Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, TPHCM đang thiếu rất nhiều cây xanh và phân bố không đều. Tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân chỉ đạt 0,7-0,9m2/người, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn quốc gia từ 4-7m2/người.

Để bảo vệ cây xanh đô thị, các cơ quan quản lý phải yêu cầu chủ đầu tư khảo sát, tính toán, cân nhắc lựa chọn cách làm tốt nhất nhằm hạn chế thấp nhất việc xử lý đốn hạ hoặc di dời cây xanh. Trong trường hợp bắt buộc phải đốn hạ hoặc di dời thì cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết trồng mới lại cây xanh; phải duy tu, chăm sóc cây xanh đến khi trưởng thành và có trách nhiệm hoàn trả lại diện tích mảng xanh như lúc ban đầu. Việc di dời, đốn hạ cây xanh cần thực hiện một cách có trách nhiệm, được tính toán kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học.

TS Trương Văn Vinh, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cũng cho rằng, TPHCM cần xem xét mối hài hòa lợi ích giữa việc đánh đổi cây xanh lấy hạ tầng, cần tính toán kỹ để làm sao giảm tối đa việc mất cây. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có dữ liệu đủ, đúng về hiện trạng các tuyến đường, về quy hoạch. Nếu không có dữ liệu, chúng ta sẽ rất khó làm; không có dữ liệu để tham khảo thì lúc ấy số lượng cây xanh bị đốn hạ, di dời rất nhiều.

Mặt khác, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc trồng cây xanh đô thị và cách thức di dời phù hợp. Vì hiện nay, nhiều tuyến đường ở thành phố đang trồng các loại cây như lim xẹt, me…, tuy phát triển nhanh nhưng độ an toàn rất thấp, cây rất dễ bị tét nhánh, gãy đổ. Đồng thời, những loại cây này thường khó sống sau khi di dời, chi phí bảo dưỡng, chăm sóc khá tốn kém.

Quận 11: Nhiều cây xanh bị chặt hạ khi làm mới vỉa hè

Nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận 11, cây xanh cũng bị chặt hạ với số lượng lớn do quá trình thi công làm mới vỉa hè. Tại đường Hàn Hải Nguyên, đơn vị chức năng đã chặt hạ 29 cây, trong đó có 15 cây loại 3, 14 cây loại 2, kế hoạch sau đó sẽ chặt tiếp 2 cây loại 3 và 11 cây loại 2. Tại đường Trần Quý, buộc phải chặt hạ 5 cây loại 1 và 1 cây loại 2.

Trên đường Lê Đại Hành, (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến đường 3 Tháng 2), kế hoạch sẽ chặt 2 cây loại 3; đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Bình Thới đã chặt 5 cây, trong đó 1 cây loại 1 và 4 cây loại 2. Riêng đường Lữ Gia, đã chặt hạ 3 cây loại 3 và lên kế hoạch chặt tiếp 3 cây cùng loại. Đối với đường Nguyễn Thị Nhỏ, kế hoạch sẽ chặt 3 cây loại 2. Việc chặt cây xanh cũng diễn ra rầm rộ trên đường Lý Thường Kiệt với 7 cây loại 2 bị đốn hạ.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cay-xanh-bung-di-duong-gio-ra-sao-post794212.html