Cây xanh - nỗi lo mùa mưa bão

BPO - Từ vụ cây phượng cổ thụ đang xanh tốt bất ngờ bật gốc, gãy đổ tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh khiến 1 học sinh tử vong, 17 em khác bị thương và liên tiếp những ngày gần đây, cả nước nói chung, Bình Phước nói riêng đang có những băn khoăn, lo lắng làm sao để đảm bảo an toàn và vì sao một cây nhìn bề ngoài xanh tốt vẫn có thể gãy, đổ ngay cả khi không có dông tố, gió lốc? Hơn lúc nào hết, công tác kiểm tra, chăm sóc, cắt tỉa, bảo đảm an toàn từ những cây xanh cổ thụ đặt ra bức thiết, nhất là khi mùa mưa đang đến.

Là hộ dân sinh sống bên tuyến đường Lê Hồng Phong, phường Tân Phú, một trong những tuyến đường có nhiều cây xanh cổ thụ ở thành phố Đồng Xoài, bà Lê Thị Tâm cho biết: “Ở bên cạnh những cây xanh cổ thụ, tôi thực sự rất quan ngại, nhất là khi mùa mưa đến. Mỗi lần có dông gió, những cành lá trên cao bất ngờ gãy rớt xuống sân nhà, nguy hiểm nhất là với những người đi đường, cành lá rơi bất ngờ, rất khó để xử lý”.

Công tác mé nhánh, hạ độ cao cây xanh đã và đang được thành phố Đồng Xoài triển khai thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông

Công tác mé nhánh, hạ độ cao cây xanh đã và đang được thành phố Đồng Xoài triển khai thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông

Các tuyến đường Lê Duẩn, Trường Chinh, khuôn viên các trường tiểu học Tân Phú và THCS Tân Phú trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có nhiều cây xanh cổ thụ. Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, hằng năm, công tác kiểm tra, cắt tỉa cây xanh luôn được ngành chức năng, các trường quan tâm thực hiện. Cô Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú cho biết: “Trường hiện có 65 cây xanh gần 20 năm tuổi. Hằng năm, vào đầu năm học, trường tổ chức cắt tỉa, hạ độ cao đối với những cây lớn, cành lá sum suê. Đầu năm học 2019-2020, trường cũng đã đề xuất cơ quan chức năng thực hiện cắt tỉa 9 cây xanh cổ thụ. Tuy nhiên, từ việc cây xanh ở một số tỉnh, thành bất ngờ gãy, đổ ngay cả khi không có dông tố, gió lốc trong những tháng gần đây khiến trường hết sức băn khoăn. Bởi nhìn bề ngoài cây xanh tốt nhưng bên trong thân cây mục ruỗng thế nào thì rất khó phát hiện. Để đảm bảo an toàn, trường rất mong ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ thêm về quy trình chăm sóc cũng như kiểm tra cây xanh để kịp thời phát hiện và có phương án xử lý phù hợp”.

Để đảm bảo an toàn, hạn chế tình trạng cây xanh gãy, đổ gây nguy hiểm cho người đi đường và ở những nơi công cộng, hằng năm, Phòng Quản lý đô thị thành phố Đồng Xoài yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát cây xanh có nguy cơ gãy đổ, xây dựng kế hoạch cắt tỉa, hạ độ cao, chằng, chống, gia cố theo quy định. Chỉ riêng từ năm 2019 đến nay, ngành chức năng thành phố Đồng Xoài đã thực hiện cắt tỉa, mé nhánh 17.148 lượt cây, chặt hạ 69 cây, khống chế chiều cao 349 cây. Anh Đỗ Đình Lanh, cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố Đồng Xoài cho biết: “Công tác kiểm tra, cắt tỉa, khống chế chiều cao các loại cây xanh trên địa bàn thành phố được thực hiện thường xuyên, định kỳ hằng tháng, chứ không riêng đầu mùa mưa. Hằng năm, các đơn vị quản lý cây xanh lập kế hoạch và gửi đơn vị quản lý nhà nước tham mưu UBND thành phố cho thực hiện cắt tỉa, mé nhánh các loại cây theo quy định...”.

Từ vụ cây phượng đang xanh tốt, bỗng dưng bật gốc khiến nhiều học sinh bị thương vong tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Thạch Thị Thanh Vân, Trưởng bộ phận Kế hoạch - Kỹ thuật, Xí nghiệp Công trình công cộng thành phố Đồng Xoài cho biết: “Việc cây xanh bất ngờ gãy đổ ngay cả khi không có dông gió có nhiều lý do. Trong đó có việc di chuyển, trồng những cây xanh cổ thụ không đảm bảo quy trình, kỹ thuật và do tác động của con người trong quá trình xây dựng, chèn ép khiến bộ rễ không phát triển được cũng là lý do khiến cây đang xanh tốt vẫn có thể bị bật gốc. Hoặc một số cây nhìn bề ngoài xanh tốt nhưng bên trong bị sâu đục thân, gặp luồng gió xoáy vẫn có thể gãy, đổ. Một số cây cắt tỉa cành, tán không cân đối cũng là lý do khiến cây bật gốc...”.

Như vậy, rõ ràng việc cây đang xanh tốt, bất ngờ bật gốc, gãy đổ, ngoài yếu tố thời tiết, còn do tác động của con người. Để đảm bảo an toàn, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc phát hiện, đề xuất phương án cắt tỉa gửi cơ quan chức năng để được thực hiện cắt tỉa, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật vì sự an toàn chung cho cả cộng đồng.

Công nhân Xí nghiệp Công trình công cộng TP. Đồng Xoài cắt tỉa cây xanh trên đường Trường Chinh

Công nhân Xí nghiệp Công trình công cộng TP. Đồng Xoài cắt tỉa cây xanh trên đường Trường Chinh

Thành phố Đồng Xoài hiện có hơn 14 ngàn cây xanh bóng mát. Rất nhiều tuyến đường, trường học có cây cổ thụ trên 20 năm tuổi, đã và đang tạo ra không gian xanh cho đô thị và các trường học. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc quản lý, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trên địa bàn còn nhiều bất cập, thủ tục rườm rà, chồng chéo giữa các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị khiến việc phát hiện và xử lý các nguy cơ chưa như mong muốn.

Cô Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú cho biết thêm: “Để cắt bỏ, mé nhánh, hạ độ cao... của cây xanh nhà trường phải xây dựng phương án cụ thể trình cơ quan chức năng về kiểm tra, thống nhất phương án. Thế nhưng để phát hiện cây xanh bị sâu bệnh hại có nguy cơ gãy, đổ và xây dựng phương án trình cơ quan chức năng thì trường rất khó phát hiện. Bởi đó không phải là chuyên môn của trường”.

Từ thực tế đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền cơ sở phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa, tăng cường phối hợp kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, công viên...

Minh Luận - Phạm Tăng

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cay-xanh---noi-lo-mua-mua-bao-1706