Cây xóa nghèo của đồng bào Kỳ Sơn

Dãy núi Phu Xai Lai Leng những ngày đầu năm mới Giáp Thìn này luôn ngập chìm trong mây trắng. Gần 7 giờ sáng mà các bản làng vẫn bao phủ một lớp sương mù đặc quánh. Thế nhưng đồng bào người dân tộc Mông, người Khơ Mú, Thái... trong Khu Kinh tế-Quốc phòng Kỳ Sơn (Nghệ An) đã lên nương từ rất sớm để thu hoạch dong riềng. Cán bộ, nhân viên Đội Chế biến và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) cũng hối hả lên nương giúp các gia đình chính sách khó khăn thu hoạch và thu mua dong riềng.

Chúng tôi theo tổ thu mua số 1 của Đội Chế biến Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 do Trung tá Nguyễn Công Sỹ, Đội trưởng dẫn đầu lên khu vực trồng dong riềng của bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi. Trên các triền đồi ngập tràn tiếng nói cười của bà con, thỉnh thoảng lại có một câu hát của đồng bào người Thái, Mông vang lên trong màn sương mù đặc quánh.

Tranh thủ lúc chưa có sản phẩm thu mua, chúng tôi vào giúp gia đình ông Lầu Giồng Ca ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi thu hoạch dong riềng. Đón chúng tôi, ông Lầu Giồng Ca vui mừng cho biết: “Năm nay nghe theo lời Bộ đội Đoàn 4 trồng nhiều dong riềng gia đình mình tha hồ sắm Tết. Dự kiến thu hoạch từ dong riềng, năm nay nhà mình sẽ được khoảng 30 triệu đồng”. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, những năm trước đây gia đình ông chỉ trồng chưa tới 0,5ha dong riềng, chủ yếu trồng gừng và trồng lúa, ngô. Cách đây chừng 10 năm, nghe theo lời Bộ đội Đoàn 4, lại được hỗ trợ giống gia đình ông đã tiến hành khai hoang mở rộng diện tích trồng dong riềng lên tới hơn 1,5ha.

 Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 giúp đồng bào thu hoạch dong riềng.

Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 giúp đồng bào thu hoạch dong riềng.

Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 tâm sự: “Hơn 20 năm đứng chân trên địa bàn Khu Kinh tế-Quốc phòng Kỳ Sơn, đơn vị đã đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại giống cây nhưng cuối cùng dong riềng là loại cây cho thu nhập tốt nhất. Đặc thù địa bàn nơi đây rộng, chất đất, khí hậu lại hợp với sự phát triển của cây dong riềng nên hiệu quả đem lại rất cao. Trong lúc đó đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con nên giá cả luôn ổn định. Nhằm giúp nhân dân từng bước vươn lên thoát nghèo, cùng với việc đưa vào chăn nuôi, trồng trọt một số cây con phù hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, đơn vị tập trung tuyên truyền đồng bào mở rộng diện tích trồng dong riềng”.

 Người dân trong vùng dự án phấn khởi thu hoạch dong riềng.

Người dân trong vùng dự án phấn khởi thu hoạch dong riềng.

Đến nay, diện tích trồng dong riềng các xã trong vùng dự án đã tăng lên gần 100ha, ngoài ra các xã Mường Ải, Mường Típ cũng bắt đầu đưa cây dong riềng vào canh tác. Nhờ thời tiết, khí hậu thuận lợi nên năm nay cây dong riềng phát triển tốt, sản lượng thu được ước lượng tăng 1,5 lần so với năm ngoái. Nhiều hộ thu nhập từ dong riềng mỗi năm từ 25 đến 30 triệu đồng. Theo đồng bào nơi đây cho biết, nếu so với trồng các loại cây khác thì giá trị kinh tế từ trồng cây dong riềng cao hơn gấp 3 lần, trong khi đầu tư chăm sóc và bón phân ít hơn nhiều.

Đặc điểm của cây dong riềng là thu hoạch khi lá còn xanh hoặc sau thời điểm lá khô úa và cây tiếp tục lên mầm thì hàm lượng bột sẽ không cao. Thời gian thu hoạch tốt nhất từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Lúc này cây dong riềng vừa tròn một năm nên hàm lượng bột đạt độ tối đa và hết chu kỳ tăng trưởng. Do vậy, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 ngoài việc vận động nhân dân tranh thủ thu hoạch kịp thời vụ thì đơn vị còn cử cán bộ, nhân viên và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn thu hoạch.

Đoàn KT-QP 4 thu mua củ dong riềng cho nhân dân.

Đoàn KT-QP 4 thu mua củ dong riềng cho nhân dân.

Đội Chế biến tổ chức thành 2 tổ và tăng ca để thu mua hết số dong riềng bà con thu hoạch trong ngày. Nhiều hôm đơn vị phải tranh thủ cả thời gian giờ nghỉ, ban đêm chế biến cho kịp thời vụ. Vì thế, trong những ngày sương mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp nhưng cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và bà con nhân dân vẫn tranh thủ lên nương thu hoạch dong riềng. Chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Lương Phò Tăng ở bản Pụng, xã Mường Ải: “Tuy mùa thu hoạch dong riềng có vất vả nhưng mọi người đều vui vì năm nay chúng tôi bội thu. Dong riềng không chỉ là cây xóa nghèo mà còn là cây giúp đồng bào chúng tôi sắm được nhiều tiện nghi phục vụ đời sống”.

Bài và ảnh: NGỌC THĂNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cay-xoa-ngheo-cua-dong-bao-ky-son-768058