CCB gương mẫu, năng động phát triển kinh tế

Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi tới bản Púa Xe, xã Chiềng Bằng gặp cựu chiến binh Lò Văn Nam, là hội viên tiêu biểu, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong công tác hội và phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi cá lồng của CCB Lò Văn Nam (người đứng) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá lồng của CCB Lò Văn Nam (người đứng) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Niềm nở đón chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi, khang trang, ông Nam kể: Năm 1986, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế tại Sư đoàn 379, tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Năm 1988, tôi xuất ngũ trở về địa phương xây dựng cuộc sống. Từ năm 1988 đến năm 2009, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Nhà có 6 thành viên, có 5 ha đất canh tác nhưng chỉ trồng ngô, sắn, vất vả quanh năm mà chỉ đủ ăn. Tôi luôn trăn trở, làm thế nào để thoát được nghèo.

Năm 2010, gia đình ông Nam di chuyển đến điểm TĐC mới để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Nhận thấy diện tích mặt hồ thích hợp để nuôi cá, năm 2015, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng từ khoản hỗ trợ TĐC để nuôi 4 lồng cá. Ông được Trạm Khuyến nông Quỳnh Nhai tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương khác. Áp dụng những kiến thức mới, sau một năm, 4 lồng cá cho sản lượng gần 400 kg, tạo thu nhập gần 50 triệu đồng. Năm 2016, ông tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 16 lồng nuôi các giống cá chép, trắm đen, trắm trắng, rô phi, lăng... Ông Nam chia sẻ: Đảm bảo chất lượng cá, tôi đã điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay vì cho cá ăn 2 lần/ngày, tôi chuyển sang 3 ngày cho cá ăn 1 lần, thức ăn cho cá thường là cá tép dầu nhỏ, sắn, ngô xay bột... Đồng thời, kết hợp cho cá “tập thể dục” bằng cách kéo lưới lên cao để cho cá được bơi lội, quẫy đuôi, đánh tan mỡ. Nhờ đó, chất lượng thịt cá rất chắc, ít mỡ được thương lái đánh giá cao.

Nhận thấy việc nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao, ông Nam cùng 6 hộ trong xã thành lập HTX Sáng Tiến, giúp các thành viên bổ sung thêm kiến thức chăm sóc thủy sản. Đến nay, HTX đã có 100 lồng cá, mỗi năm cho sản lượng 15 - 20 tấn cá, xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh và Hà Nội, Lai Châu, Điện Biên..., doanh thu từ 1,5-2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ dừng lại mô hình cá lồng, năm 2014, ông Nam đã chuyển đổi 2 ha đất đồi trồng ngô sang trồng chuối xen cỏ voi, 3 ha trồng sắn; đầu tư nuôi 14 con bò nhốt chuồng và lợn nái. Hàng năm, ngoài thu nhập từ tiền bán chuối quả, thì ông đã tận dụng lá sắn, củ sắn, lá chuối làm thức ăn cho cá, còn thân cây chuối làm thức ăn cho gia súc, giảm được chi phí mua thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Hiện nay, gia đình ông đã có 20 lồng cá, sản lượng 2-3 tấn/năm, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; đàn bò sinh sản gần 20 con, mỗi năm bán bò và lợn giống thu thêm gần 100 triệu đồng.

Ông Điêu Chính Xuân, Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Nhai, nhận xét: Không chỉ năng động, hoạt bát trong lao động, sản xuất, CCB Lò Văn Nam còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên, bà con trong bản phát triển kinh tế; gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. CCB Lò Văn Nam là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Năm 2020, 2021, ông Nam được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Đức Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ccb-guong-mau-nang-dong-phat-trien-kinh-te-49102