CDC Mỹ giải đáp 6 câu hỏi về lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề lây nhiễm Covid-19 và cách phòng tránh đối với trẻ em.
Trẻ em có phải đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh do Covid-19 gây ra so với các đối tượng khác không?
Không có bằng chứng nào cho thấy trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp chẩn đoán Covid-19 được báo cáo từ Trung Quốc đều xảy ra ở người lớn. Tỷ lệ mắc ở trẻ em cũng đã được báo cáo, bao gồm cả tỷ lệ mắc ở những trẻ rất nhỏ.
Từ nguồn thông tin được công bố từ dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng gây ra do SARS-CoV) và hội chứng hô hấp cấp tính Trung Đông (gây ra do MERS-CoV) thì tỷ lệ mắc ở trẻ em là tương đối hiếm gặp.
Làm thế nào để phòng ngừa sự lây nhiễm cho trẻ?
Trẻ em nên tham gia vào các hoạt động phòng ngừa thường xuyên để tránh nhiễm bệnh, bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh, tiếp tục tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine được khuyến cáo theo lịch, kể cả vaccine cúm.
Bên cạnh các biện pháp phòng, ngừa, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh, giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.
Biểu hiện lâm sàng của Covid-19 ở trẻ em có khác so với người lớn không?
Qua một số ít báo cáo về trẻ em mắc Covid-19 ở Trung Quốc thì trẻ có các triệu chứng giống như cảm lạnh như là sốt, sổ mũi và ho. Các triệu chứng tiêu hóa (nôn mửa và tiêu chảy) đã được báo cáo ở ít nhất một trẻ mắc Covid-19.
Những báo cáo hạn chế này cho thấy trẻ em được xác nhận mắc bệnh thường có triệu chứng nhẹ và mặc dù cũng có các biến chứng nặng (hội chứng suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng) đã được báo cáo, nhưng chúng dường như không phổ biến.
Trẻ em có tăng nguy cơ bị mắc bệnh nặng, để lại di chứng hoặc tử vong do nhiễm Covid-19 so với người lớn không?
Mặc dù các nghiên cứu về lâm sàng đối với trẻ em mắc Covid-19 cho đến nay là rất ít, các báo cáo từ Trung Quốc cho thấy trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh thường có các triệu chứng của covid-19 nhẹ.
Cũng đã có báo cáo về các biến chứng nặng (hội chứng suy hô hấp cấp tính, sốc nhiễm trùng), nhưng chúng dường như không phổ biến.
Tuy nhiên, cũng như các bệnh về đường hô hấp khác, một số trẻ em có thể có nguy cơ mắc bệnh thể nặng hơn, chẳng hạn như trẻ em mang bệnh nền, hay sức khỏe không tốt.
Có phương pháp điều trị riêng nào dành cho trẻ em mắc Covid-19 không?
Hiện tại thì chưa có thuốc kháng virus nào đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị hoặc cấp phép để điều trị Covid-19.
Kiểm soát về mặt lâm sàng bao gồm thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, cùng với điều trị tích cực cho các trường hợp có biến chứng là quy trình điều trị đang được áp dụng hiện nay.
Trẻ em và các thành viên gia đình nên tham gia vào các hành động phòng ngừa Covid-19 cơ bản để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn, tiếp tục tiêm phòng, kể cả tiêm phòng cúm.
Làm thế nào để bảo vệ em bé trên máy bay, và tình huống là em bé không thể đeo khẩu trang?
Em bé cần được cha mẹ bảo vệ theo cách tương tự như cha mẹ đang tự bảo vệ mình, hãy tránh xa những người có thể có triệu chứng ho hoặc hắt hơi, cố gắng giữ em bé gần gũi với mẹ hoặc cả hai bố mẹ, để cho bé không tiếp xúc với những người bị nghi ngờ trong máy bay.