CDC Thanh Hóa thông tin về vụ việc trẻ 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa vừa thông tin về vụ việc bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế xã Thành Yên, huyện Thạch Thành.
Theo báo cáo, lúc 7h45 ngày 20/5 gia đình anh chị B.T.H (ở thôn Đồng Thành, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đưa con gái là Q.T.H (sinh ngày 16/3/2024) đến điểm tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Thành Yên theo thông báo mời tiêm của trạm.
Tại đây, cháu được bác sĩ Nguyễn Sỹ Hải khám sàng lọc và tư vấn lúc 8h00 (tư vấn về vắc xin tiêm chủng lần này, liều lượng, đường tiêm, lịch tiêm và các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng như: sưng, đau tại điểm tiêm, có sốt...).
Kết quả khám sàng lọc cho thấy cháu có tiền sử khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng, không phát hiện bệnh bệnh cấp tính tiến triển, đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) mũi 1 và uống vắc xin OPV lần 1. Sau khi cháu được khám sàng lọc và nghe tư vấn, mẹ cháu H đồng ý cho cháu tiêm vắc xin DPTVGB-Hib (SII) mũi 1 và uống vắc xin OPV lần 1.
Đến 8h10, cháu được Y sĩ Bùi Văn Dăn thực hiện tiêm chủng. Trước khi tiêm, y sĩ Dăn thông báo cho mẹ cháu về vắc xin SII và OPV: liều lượng, đường dùng. Sau đó, sử dụng bơm kim tiêm 1ml được cấp theo chương trình, lấy vắc xin đủ liều 0,5ml, tiêm bắp tại vị trí 1/3 mặt ngoài giữa đùi (vắc xin SII) và cho uống vắc xin OPV 02 giọt. Thực hiện tiêm xong, hai mẹ con được hướng dẫn chuyển sang khu vực theo dõi sau tiêm để theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm 30 phút.
Đến 8h45, cháu H ngủ, không sốt, không khó thở, vết tiêm không sưng, không chảy máu. Cán bộ trạm y tế hướng dẫn mẹ tiếp tục theo dõi cháu tại nhà.
Khoảng 09h10 ngày 21/05/2024, chị T.H gọi điện thông báo cháu H sốt, không cung cấp các triệu chứng khác, và được cán bộ trạm hướng dẫn cho cháu uống thuốc hạ sốt Paracetamol gói 80mg (liều lượng 1/2 gói pha với nước).
Đến trưa gia đình thấy cháu có biểu hiện bú kém, mệt, sốt cao, co giật nên đưa cháu H vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành lúc 13h25. Lúc này, cháu trong tình trạng sốt 39,0 độ C, co giật toàn thân, khó thở 2 thì, rút lõm lồng ngực, ral ẩm 2 đáy phổi. Xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao (54,97 G/l). Chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp, co giật chưa rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Cháu được điều trị chống co giật, hạ sốt, chống viêm, khí dung giãn phế quản, thở oxy, tiên lượng nặng.
Lúc 17h10 ngày 21/5, cháu H được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh, mệt, bú kém, ho đờm, thở oxy qua gọng kính, phổi thông khí giảm, ral ẩm 2 đáy phổi, mạch rõ, nhanh, tim nhịp không đều, bụng mềm, đại tiện phân lỏng, chảy máu vùng tiêm truyền lâu cầm.
Chẩn đoán tại bệnh viện: viêm phổi, suy hô hấp cấp. Kết quả xét nghiệm máu bạch cầu tăng cao (90,13G/l), CRP tăng cao (78,8 mg/l). Cháu H được điều trị tích cực bằng kháng sinh, chống viêm, chống co giật, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Đến 20h00, cháu có cơn ngừng thở kéo dài, được đặt nội khí quản, thở máy. Tuy nhiên cháu đáp ứng kém với các thuốc điều trị, tiên lượng rất nặng.
Ngày 23/5/2024, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm dịch tỵ hầu để chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp bằng PCR. Đến 0h10 ngày 24/5/2024, cháu diễn biến nặng, da tái toàn thân, ngừng tim, hôn mê, được bác sĩ xử trí bằng thuốc vận mạch, cháu có nhịp tim trở lại. Vào 0h40 phút, gia đình xin cho cháu về nhà. Đến 1h30 phút ngày 24/5/2024 cháu tử vong được gia đình đưa đi mai táng ngay trong đêm.
Kết quả xét nghiệm dịch tỵ hầu chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp bằng PCR cho thấy cháu dương tính với vi khuẩn Haemophilus influenzae (CT28.1); Pseudomonas aeruginosa (CT 23.8); Bordetella pertussis (Ct25.6).
Qua khai thác của bác sĩ điều trị, mẹ cháu H cho biết cách ngày vào viện khoảng 1 tuần, cháu xuất hiện ho, khò khè, không sốt, gia đình cho cháu uống thuốc ho tại nhà. Ngày 20/5 cháu được tiêm vắc xin 5 trong 1 và uống Bại liệt tại trạm y tế, đến chiều cháu xuất hiện sốt khoảng 38 độ C, đi ngoài phân lỏng, 3 lần/ngày.
Ngày 21/5 cháu còn sốt, mẹ cho uống thuốc không đỡ, cháu mệt, bú kém nên gia đình cho cháu đến bệnh viện.
CDC Thanh Hóa cũng đã tiến hành điều tra công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vắc xin và công tác tổ chức tiêm chủng của Trạm Y tế xã Thành Yên.
Kết quả kiểm tra cho thấy, vắc xin và vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm các loại) được cấp cho Trạm Y tế xã Thành Yên theo đúng hệ thống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trạm Y tế xã Thành Yên huyện Thạch Thành đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bảo quản vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vắc xin được chỉ định và sử dụng cho các đối tượng tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của chương trình Tiêm chủng Quốc gia; cán bộ tham gia tiêm chủng đã được tập huấn và cấp chứng chỉ tham dự tập huấn thực hành tiêm chủng an toàn, nắm được kiến thức về liều lượng, đường dùng và chỉ định của vắc xin.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Thành Yên không ghi nhận thêm thông tin các trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm chủng với các vắc xin nói chung và vắc xin SII, OPV nói riêng.