CEO chuỗi Bách Hóa Xanh Phạm Văn Trọng đăng ký bán cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) sau nhịp tăng 39%
Lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG - sàn HOSE) đăng ký bán cổ phiếu MWG, giảm sở hữu về 0,21% vốn điều lệ và dự kiến hoàn tất giao dịch ngày 18/6.
Ông Phạm Văn Trọng (bên trái).

Ông Phạm Văn Trọng (bên trái).
Ông Phạm Văn Trọng, Thành viên HĐQT Thế giới Di động kiêm Tổng giám đốc chuỗi Bách Hóa Xanh đăng ký bán 200.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,22%, về 0,21% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 20/5 đến ngày 18/6.
Về diễn biến cổ phiếu, gần đây cổ phiếu MWG vừa trải qua nhịp tăng khi tốt. Theo đó, từ ngày 9/4 đến ngày 15/5, cổ phiếu MWG đã tăng 39%, từ 46.250 đồng lên 64.300 đồng/cổ phiếu.
Một điểm đáng lưu ý khác, Thế giới Di động vừa thông qua chủ trương thực hiện chương trình phát hành quyền chọn mua cổ phần có điều kiện tại công ty con là Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh (đơn vị sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh) cho các cán bộ quản lý chủ chốt của Đầu tư Bách Hóa Xanh nhằm tạo động lực đột phá, ghi nhận đóng góp và tăng cường sự gắn kết với các mục tiêu phát triển dài hạn của Bách Hóa Xanh.
Về chuỗi Bách Hóa Xanh, tính tới cuối quý I/2025, chuỗi này vẫn còn lỗ lũy kế 6.917,99 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 ghi nhận lỗ 1.733,5 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận lỗ 966,45 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận lỗ 2.961,5 tỷ đồng; và năm 2023 ghi nhận lỗ 1.256,5 tỷ đồng.
Về doanh thu, trong năm 2024, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ, lên 41.000 tỷ đồng; và trong 3 tháng đầu năm 2025, doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh tăng thêm 20% so với cùng kỳ năm trước, lên 11.000 tỷ đồng và đã mở mới 232 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 2.002 cửa hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động chia sẻ với cổ đông về kế hoạch gọi vốn tiếp theo của Công ty sau bán 5% vốn cho quỹ ngoại: “Chúng tôi chưa có kế hoạch gì gọi vốn cho Bách Hóa Xanh. Từ nay đến đó, hiện không còn trong giai đoạn bù lỗ nữa, do đó chỉ tập trung phát triển và niêm yết Bách Hóa Xanh theo cam kết với nhà đầu tư. Bách Hóa Xanh khi đủ lớn, khi nào lãi vài nghìn tỷ đồng thì có thể đợi đến lúc đó bước lên sàn”.