Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia hệ sinh thái số
Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số, đóng vai trò trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động tích cực.
Từ các điểm du lịch ở trung tâm thành phố Hạ Long đến vùng cao biên giới Bình Liêu tại tỉnh Quảng Ninh, du khách dễ dàng bắt gặp các bảng mã QR, máy POS để thanh toán hóa đơn, dịch vụ mà không dùng tiền mặt. Các nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng sử dụng phần mềm khai báo lưu trú, áp dụng công nghệ tự động đặt phòng, check-in, check-out, tích hợp AI chatbot để chăm sóc khách hàng. Nhiều điểm đến không chỉ có mã QR được sử dụng rộng rãi tại các điểm dịch vụ để cung cấp thông tin, thực đơn số mà còn ứng dụng cả công nghệ thực tế ảo VR/AR để du khách tăng thêm trải nghiệm.

Các ứng dụng chuyển đổi số được các điểm đến du lịch tại Quảng Ninh triển khai bước đầu với nhiều phản hồi tích cực
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh nhận định: "Các doanh nghiệp tự giới thiệu những điểm đến của mình, tự giới thiệu sản phẩm của mình thông qua công tác chuyển đổi số cho tất cả khách hàng biết. Điều này rất lợi cho doanh nghiệp, cho quá trình sản xuất kinh doanh, lượng khách đến với Quảng Ninh cũng sẽ tốt hơn nhiều".
Tuy vậy, đối với các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh gia đình, việc thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số hay tiếp cận vốn hỗ trợ còn gặp nhiều hạn chế. Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quảng Ninh, khi lực lượng này chiếm tới 98% số doanh nghiệp tư nhân tại địa phương hiện nay (tương đương hơn 11.000 doanh nghiệp).
Để đồng hành cùng đội ngũ này, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tiêu biểu như Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2024-2026, trong đó có nội dung hỗ trợ về chuyển đổi số, hỗ trợ công nghệ. Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, mỗi năm có trên 40 khóa đào tạo cho hàng nghìn học viên từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cấp ngành tập trung tham mưu các cơ chế hỗ trợ tiếp cận công nghệ, phối hợp đào tạo, tư vấn tận nơi… Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Quảng Ninh chủ động trong tiếp cận công nghệ số và “tự làm mới” chính mình. Toàn tỉnh có 13 CLB khởi nghiệp cấp huyện, các CLB khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số về mọi mặt… Nhiều chương trình Cà phê Khởi nghiệp với chủ đề “Ứng dụng AI” được tổ chức để chia sẻ phương pháp ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp, marketing, chăm sóc khách hàng.
Bà Laura Nguyễn, Giám đốc điều hành tại GenAI Fund, Giám đốc Quốc gia của Ava Labs tại Việt Nam nói: "Bước đầu tiên cần có một Hội đồng về AI, từ cơ quan đấy có thể tiếp tục làm việc với các tổ chức trong nước và ngoài nước, là đầu mối dễ dàng cho các chuyên gia, công ty khởi nghiệp làm việc với tỉnh Quảng Ninh tốt hơn. Điểm yếu của các công ty công nghệ khởi nghiệp, thường là công ty nhỏ nên họ cũng họ cũng cần phải có sự hỗ trợ về tài chính nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty này có thể về đóng góp cho tỉnh nhiều hơn".
Năm 2025, các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp trọng tâm hướng về doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh các mục tiêu về hạ tầng số, nền tảng dữ liệu, dữ liệu dùng chung, nhân lực, Sở KH&CN đang xây dựng đề xuất cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo có không gian linh hoạt thí điểm giải pháp mới trong khuôn khổ quản lý an toàn, tạo điều kiện cho những mô hình đột phá ra đời từ thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó là hỗ trợ tài chính trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong các lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh,… Một trong những “đầu tàu” của doanh nghiệp Quảng Ninh là 29 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực, đóng góp giúp Quảng Ninh có thể đưa kinh tế số chiếm 30% GRDP vào năm 2030.

Các ứng dụng chuyển đổi số được các điểm đến du lịch tại Quảng Ninh triển khai bước đầu với nhiều phản hồi tích cực
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị, các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động đồng hành, kết nối với các cơ quan nhà nước để đề xuất, cung cấp các giải pháp, mô hình ứng dụng AI, dữ liệu số phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động:
"Các doanh nghiệp phối hợp triển khai các chương trình huấn luyện thực chiến cho cán bộ, công chức, đồng hành cùng chương trình “Bình dân học vụ số”, tham gia phản biện chính sách, góp ý cho các định hướng lớn của tỉnh về phát triển dữ liệu và AI, đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Tỉnh chủ động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp phần mềm, nền tảng phát huy vai trò trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ', Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nói.