CEO của Thành Thành Công - Biên Hòa: 'Doanh nghiệp không thể hoạt động 3T mãi được'

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, các doanh nghiệp muốn 'sống' bắt buộc phải thay đổi toàn bộ, vừa đáp ứng được hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Không thể sản xuất 3 tại chỗ mãi được

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết: Doanh nghiệp này hoạt động ở 4 quốc gia, tập trung chủ yếu trong việc sản xuất mía đường, đường tinh luyện cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Riêng tại Việt Nam, doanh nghiệp này cung ứng 45% thị phần và xuất khẩu trên 20 quốc gia. Với quy mô hoạt động rộng trên nhiều tỉnh thành, 4 nhà máy với hơn 3000 cán bộ nhân viên chính thức và nhiều bên liên quan hoạt động trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Thành Công - Biên Hòa còn có lực lượng lao động tại Lào và Campuchia.

Suốt thời gian vừa qua thì dịch luân phiên diễn ra, Việt Nam tạm lắng thì Campuchia lại bùng phát, tương tự với Lào. Điều này tạo ra rất nhiều thách thức cho phía doanh nghiệp.

Theo ông Ngữ, về khó khăn, doanh nghiệp cho rằng vấn đề lớn nhất nằm ở chuỗi cung ứng hàng hóa – logistics một cách có hệ thống tổng thể, chiến lược.

Đây là mắt xích quan trọng nhất để các doanh nghiệp có thể thiết kế và ổn định sản xuất, đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các ban ngành liên quan tập trung để quy định có hệ thống, đưa ứng dụng công nghệ vào để giải quyết nhanh chóng, bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết từ thông quan tới di chuyển trên đường.

“Rõ ràng doanh nghiệp hoạt động không thể 3 tại chỗ mãi được, cần phải luân chuyển hàng hóa, nên đây là khó khăn lớn nhất”, ông Ngữ cho biết.

Thứ hai, liên quan tới khả năng tiếp cận và tiến độ tiêm vắc-xin. Ở góc độ doanh nghiệp, Thành Thành Công - Biên Hòa làm việc theo kế hoạch trước 1 năm, 18 tháng hay chiến lược dài hơi.

Do vậy, doanh nghiệp không thể hoạt động theo cách hôm nay làm, mai không biết đóng cửa không.

Tập trung vào thị trường nội địa

Trước những khó khăn đến từ dịch bệnh, ông Nguyễn Thanh Ngữ cho biết, doanh nghiệp này đã thay đổi thích ứng với công nghệ, và thay đổi mô hình hoạt động.

Cụ thể, do các nhà máy đều nằm ở các tỉnh phía Nam, là tâm dịch bệnh, nên lãnh đạo doanh nghiệp xác định phải “sống chung với dịch”, bằng cách chuẩn bị tâm thế và nguồn lực để sản xuất kinh doanh cũng như điều kiện cho đợt bùng phát thứ 4.

“Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đào tạo kiến thức và tinh thần cho cán bộ công nhân viên, chính sách đồng hành cùng người lao động, thiết kế các gói an sinh để không người nào rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc bị cô lập. Doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ phải an toàn, gia đình của họ phải an toàn”, ông Ngữ nói.

Thứ hai, doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vắc-xin theo quy định của từng địa phương. Tiếp đến, Thành Thành Công - Biên Hòa chuẩn bị từng kịch bản ứng phó cho từng bối cảnh cụ thể.

“Chúng tôi có 5 cấp độ ứng phó từ nhẹ cho tới nặng nhất, trên tinh thần này, chúng tôi chủ động trong mọi trường hợp và có sẵn nguồn lực và cơ sở y tế để ứng phó. Chúng tôi cũng chủ động rà soát lại chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để đưa ra kế hoạch lưu trữ hàng hóa với tỉ lệ phù hợp để đảm bảo sản xuất không đứt gãy”, ông Ngữ nói

Với sự chuẩn bị như vậy, ông Ngứ cho biết doanh nghiệp đã duy trì sản xuất tại các nhà máy một cách xuyên suốt, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong cao điểm của dịch bệnh. Trong giai đoạn giãn cách thì nhu cầu hàng hóa tăng rất cao, nhưng chúng tôi vẫn đã đảm bảo được trách nhiệm cung ứng cho thị trường.

Đặc biệt, ông Ngữ tiết lộ: Về thay đổi phương thức kinh doanh, đây là điểm mấu chốt trong giai đoạn vừa rồi mà các doanh nghiệp đã thích ứng được.

Thành Thành Công - Biên Hòa đã điều chỉnh cơ cấu thị trường, tập trung vào thị trường nội địa. Trong năm 2019-2020, nâng tỷ trọng xuất khẩu lên cao hơn để tận dụng được cơ hội của thị trường.

Trong năm 2021, doanh nghiệp này điều chỉnh lại cả thị trường nội địa, tập trung vào thị trường phía Bắc, tập trung vào các kênh hiện đại, thay đổi cách tiếp cận trong bán lẻ, toàn bộ thông qua công nghệ và phần mềm để tương tác với nhà phân phối. Từ đây, hàng hóa được tổ chức mạch lạc, nguồn cung được duy trì.

Về hệ thống quản lý, khi dịch mới bùng phát, doanh nghiệp này đã triển khai hệ thống Oracle Fusion Cloud, chuyển từ tâm thế hoạt động phương thức truyền thống sang làm việc trên hệ thống tự động từ kho, tổ chức sản xuất hàng hóa,…

“Trong giai đoạn này, một phần nào đó đội ngũ nhân viên sẽ phát sinh thêm công việc do số lượng nhân sự ít hơn. Do đó, công tác đào tạo cần được chú trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi sau dịch, bắt nhịp lại nhanh và tận dụng được cơ hội của thị trường để mở rộng và đẩy mạnh lại hoạt động kinh doanh”, ông Ngữ chia sẻ.

Với những diễn biến dịch bệnh gần đây, Tổng Giám đốc của Thành Thành Công - Biên Hòa cho rằng, doanh nghiệp phải duy trì hoạt động sản xuất xuyên suốt và tốt nhất để sẵn sàng tâm thế thích ứng với bối cảnh mới.

Với bối cảnh vĩ mô dịch bệnh như hiện nay vô cùng khác và chưa có tiền lệ, Chính phủ mới đã có cách nghĩ rất khác trong cách thích ứng và sống chung với dịch. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiện thực hóa cách nghĩ này bằng những giải pháp, quy định cụ thể và đưa vào trong thực tiễn cuộc sống.

“Tính nhất quán và xuyên suốt trong các giải pháp. Trong bối cảnh bình thường mới, làm sao chúng ta chuyển tải cách nghĩ mới này thành hành động cụ thể, quyết liệt triển khai, xuyên suốt từ trung ương tới các tỉnh thành, các sở ban ngành, các xã…”, ông Ngữ nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ceo-cua-thanh-thanh-cong--bien-hoa-doanh-nghiep-khong-the-hoat-dong-3t-mai-duoc-post155642.html