CEO 'dị' nhất Phố Wall: Đi làm bằng tàu điện ngầm, diễn DJ ở hộp đêm cuối tuần

Có thu nhập năm 2018 là 23 triệu USD, David Solomon - CEO Goldman Sachs - vẫn đi tàu điện ngầm tới công sở, tự pha cà phê mỗi ngày và biểu diễn DJ tại các câu lạc bộ đêm vào cuối tuần...

 David Solomon biểu diễn tại câu lạc bộ đêm Schimanski, Brooklyn, New York, vào tháng 10/2018 - Ảnh: Reuters.

David Solomon biểu diễn tại câu lạc bộ đêm Schimanski, Brooklyn, New York, vào tháng 10/2018 - Ảnh: Reuters.

David Solomon, CEO của tập đoàn ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, là một trong những lãnh đạo công ty không theo phong cách truyền thống ở Phố Wall. Có thu nhập năm 2018 là 23 triệu USD, nhưng ông vẫn đi tàu điện ngầm tới công sở, tự pha cà phê mỗi ngày.

Không chỉ vậy, CEO 77 tuổi này thậm chí còn biểu diễn DJ với nghệ danh D-Sol vào cuối tuần tại các câu lạc bộ đêm ở New York, Miami và Bahamas.

"Tại sao lại không đi tàu điện ngầm nhỉ? Thực tế thì phương tiện này nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thị trưởng thành phố New York (Bill de Blasio) cũng có thể đi tàu điện ngầm, tại sao CEO của Goldman Sachs lại không thể?", Solomon nói với tờ Fortune trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

(Trên thực tế, dù de Blasio thỉnh thoảng đi tàu điện ngầm như một hình thức quảng bá, ông thường dùng xe riêng để đi làm và cho các hoạt động cá nhân bởi lịch trình bận rộn).

Theo tờ Fortune, một số thành viên hội đồng quản trị của Goldman Sachs không thích việc Solomon di chuyển bằng tàu điện ngầm. Nhưng điều này có vẻ không khiến ông bận tâm, kể cả việc biểu diễn DJ khiến ông trở thành đề tài "nóng" cho giới truyền thông.

Solomon được biết đến là DJ D-Sol bởi tờ New York Times vào năm 2017, khi ông đang là đồng chủ tịch tại Goldman Sachs và đang trong thời gian được xem xét trở thành CEO. Solomon cho biết một số cộng sự đã khuyên ông nên dừng việc này lại nếu được bổ nhiệm làm CEO và bản thân ông cũng cảm thấy lo lắng rằng việc này có thể khiến công chúng nhìn nhận ông là người thiếu nghiêm túc.

David Solomon, CEO của Goldman Sachs - Ảnh: Getty Images.

David Solomon, CEO của Goldman Sachs - Ảnh: Getty Images.

"Tôi đã nghĩ trong một phút, 'Tôi có thể làm việc này và không thể làm việc kia ư?'", ông nói với tờ Fortune. Nhưng với sự ủng hộ của Lloyd Blankfein, CEO tiền nhiệm tại Goldman Sachs, Solomon quyết định vẫn gắn bó với sở thích này.

"Đó là con người tôi. Tại sao tôi không thể làm vậy, chỉ bởi tôi là một CEO ư?", ông nói và cho biết dành toàn bộ thu nhập từ việc làm DJ để làm từ thiện.

Dưới cương vị là người đứng đầu Goldman Sachs, Solomon muốn đảm bảo rằng ông được ngưỡng mộ và tôn trọng hơn là bị ganh ghét và sợ hãi. Ông cố gắng đạt được điều này bằng cách tự pha cà phê cho mình và xuất hiện không báo trước tại các cuộc họp ở văn phòng trong suốt cả ngày. Ông cũng cho phép các đồng nghiệp và khách gõ cửa trực tiếp phòng của mình, thay vì phải đặt lịch qua nhân viên lễ tân. Hồi tháng 3/2019, CEO này cũng gây chú ý khi nới lỏng quy định về trang phục tại Goldman Sachs, theo đó không bắt buộc mặc đồ vest và cà vạt.

Ngoài văn hóa công ty, năm đầu tiên dưới cương vị CEO của Solomon gặp khá nhiều thách thức. Tổng doanh thu của Goldman Sachs bắt đầu giảm kể từ năm 2010 khi các tài sản như trái phiếu và hàng hóa giảm xuống còn 37% trong doanh thu ròng của công ty, từ mức 72% năm 2009.

Solomon cũng được giao nhiệm vụ đưa Goldman vào lĩnh vực ngân hàng thương mại. Hồi tháng 8, Goldman phát hành loại thẻ tín dụng đầu tiên, hợp tác với Apple. Từ đó đến nay, Goldman đã cho vay khoảng 10 tỷ USD cho các chủ thẻ Apple Card, trong đó có những người chưa từng có lịch sử tính dụng hoặc có điểm tín dụng dưới mức trung bình. Solomon gần đây phủ nhận các cáo buộc liên quan tới việc phân biệt giới tính với thẻ Apple Card sau khi người đồng sáng lập của Basecamp, David Heinemeier Hansson, phàn nàn rằng vợ của ông được cấp hạn mức tín dụng thấp hơn đáng kể so với ông, dù bà có tình trạng tín dụng tốt hơn.

Cuộc sống cá nhân của Solomon cũng trải qua nhiều sóng gió trong những năm qua. Năm ngoái, ông hoàn tất ly hôn với vợ cũ. Và trong tuần thứ hai lên chức CEO của Goldman Sachs, trợ lý cũ của Solomon đã tự sát sau khi bị buộc tội đánh cắp số rượu trị giá 1,2 triệu USD từ bộ sưu tập của ông.

Tuy nhiên, dù điều hành ngân hàng đầu tư hay trình diễn DJ, "nếu tôi quyết định quan tâm tới thứ gì đó, tôi sẽ theo nó đến cùng", Solomon chia sẻ với Fortune. "Tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ với khả năng tốt nhất của mình, nếu không thì sẽ không làm".

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/ceo-di-nhat-pho-wall-di-lam-bang-tau-dien-ngam-dien-dj-o-hop-dem-cuoi-tuan-20191209085457249.htm