CEO Fundiin: Đổi mới sáng tạo cần nhiều không gian mới

Đổi mới sáng tạo cần nhiều không gian mới, đôi khi vượt qua các tiêu chuẩn, cách tiếp cận thông thường để có thể đạt được những giá trị vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực fintech.

Ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính - fintech).

Các giải pháp fintech được tham gia thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) bao gồm: Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và Cho vay ngang hàng (Peer to Peer lending - P2P lending).

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ảnh Cường, Đồng sáng lập – Tổng Giám đốc Fundiin, một doanh nghiệp khởi nghiệp fintech đang vận hành mô hình “mua trước – trả sau” (BNPL), định hướng mở rộng sang P2P lending, lĩnh vực nằm trong sandbox theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Ảnh Cường
Đồng sáng lập, CEO Fundiin

Mekong ASEAN: Ông có thể giới thiệu về dịch vụ BNPL mà Fundiin đang triển khai?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Fundiin cung cấp giải pháp mua trước – trả sau (BNPL), cho phép người tiêu dùng thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ trong thời gian ngắn mà không phải trả lãi hay phí, nếu thanh toán đúng hạn.

Toàn bộ quy trình diễn ra trực tuyến, đơn giản và minh bạch, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn so với các hình thức vay truyền thống.

Mekong ASEAN: Đâu là điểm khác biệt về rủi ro giữa BNPL và cho vay tiêu dùng truyền thống?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Cho vay tiêu dùng truyền thống chủ yếu cho vay tiền mặt, khó kiểm soát mục đích sử dụng. BNPL thì hợp tác sâu với đơn vị cung cấp hàng hóa, xác thực mục đích vốn, rủi ro thấp hơn, lãi suất và phí cũng thấp hơn.

BNPL còn phục vụ tốt hơn nhóm khách hàng chưa có hoặc có lịch sử tín dụng mỏng – tệp khách hàng mà ngân hàng và công ty tài chính ít tiếp cận.

Mekong ASEAN: Có ý kiến cho rằng BNPL chỉ là hình thức cho vay tiêu dùng ngắn hạn, cần được giám sát chặt chẽ như các công ty tài chính, ông phản biện thế nào?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Tôi nghĩ rằng BNPL đã mang lại một luồng gió mới cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng. BNPL giúp cải thiện vấn đề tiếp cận tài chính cũng như nâng cấp trải nghiệm khách hàng lên tầm cao mới như trực tuyến toàn trình, duyệt ngay lập tức. Không ít các công ty tài chính cũng vì thế đã đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo hơn để theo kịp.

Mekong ASEAN: Nghị định 94 có thể mở ra cơ hội gì cho những doanh nghiệp như Fundiin?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Đây là bước đi tích cực, tạo hành lang pháp lý cho các sáng kiến tài chính số. Hiện Nghị định 94 đang giới hạn trong ba lĩnh vực gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở và cho vay ngang hàng – chưa bao gồm BNPL.

Dù vậy, đây là nền móng đáng khích lệ để các startup Việt Nam có cơ hội phát triển lành mạnh và vươn ra quốc tế. Việc Fundiin chính thức hợp tác với CIC – Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia – cũng cho thấy Chính phủ đang cởi mở hơn với các mô hình đổi mới sáng tạo.

Mekong ASEAN: Fundiin có bước chuẩn bị gì để tham gia sandbox theo Nghị định 94 hay không?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Hiện BNPL chưa được đưa vào sandbox, Fundiin đang tìm hướng đi mới là phát triển mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) như một bước mở rộng chiến lược. Đây là một trong ba lĩnh vực được Nghị định 94 cho phép thử nghiệm trong cơ chế sandbox.

Trong khi BNPL tập trung vào trải nghiệm tiêu dùng và cho phép người dùng thanh toán trả chậm, thì P2P cung cấp nền tảng huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân. Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô mà không phụ thuộc hoàn toàn vào vốn tự có hoặc nguồn vay từ tổ chức tài chính.

P2P lending không chỉ giúp Fundiin tận dụng cơ hội chính sách, mà còn có thể trở thành nguồn vốn cho BNPL, từ đó tối ưu chi phí, đa dạng hóa lựa chọn cho cả người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, mô hình P2P cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là về tính bền vững. Các đơn vị khi tham gia P2P Lending, có hoạt động huy động vốn từ cá nhân đều cần được quản lý và giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát rủi ro cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Bài học từ Trung Quốc cho thấy, nhiều công ty cho vay ngang hàng đã thất bại, để lại hậu quả nặng nề cho nhà đầu tư và hệ thống tài chính. Nguyên nhân chính là do quản lý yếu kém, thiếu minh bạch, và rủi ro gian lận cao, dẫn đến sụp đổ hàng loạt các nền tảng.

Vì vậy, việc triển khai đòi hỏi cẩn trọng và sáng tạo để tránh “vết xe đổ” của các thị trường khác.

Giáo dục tài chính là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng kiểm soát tốt hơn cân bằng thu chi tài chính cá nhân. Ảnh do nhân vật cung cấp

Giáo dục tài chính là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng kiểm soát tốt hơn cân bằng thu chi tài chính cá nhân. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mekong ASEAN: Vậy theo ông, cần những giải pháp gì để thị trường này có thể phát triển?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Giáo dục tài chính là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ, kiểm soát tốt hơn giữa thu nhập và chi tiêu, từ đó sử dụng các công cụ tài chính một cách hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, cần xây dựng các công cụ hỗ trợ, kiểm soát rủi ro tương tự công ty tài chính như không hỗ trợ khách hàng có nợ xấu, nợ quá hạn; báo cáo thông tin tín dụng đối với trường hợp chậm trả để tránh làm trầm trọng thêm tình hình tài chính cá nhân.

Ở góc độ chính sách, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận dữ liệu tài chính – tín dụng để doanh nghiệp đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng; đồng thời đặt ra các chuẩn mực về minh bạch thông tin (lãi, phí, tỷ lệ nợ xấu), giới hạn dư nợ, cũng như cơ chế giám sát định kỳ để đảm bảo mô hình hoạt động có trách nhiệm.

Mekong ASEAN: Để Nghị định 94 đi vào thực tiễn hiệu quả, theo ông cần gì?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Đổi mới sáng tạo cần nhiều không gian mới và đôi khi là vượt qua các tiêu chuẩn, cách tiếp cận thông thường, có thể phá vỡ thế cân bằng cũ để đạt được những giá trị mới vượt bậc – đúng tinh thần Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Do đó, chắc chắn góc nhìn và cách tiếp cận của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và cơ quan quản lý sẽ có không ít độ vênh. Theo tôi, để Nghị định 94 đi vào thực tiễn, cần tổ chức những cuộc đối thoại thường xuyên và đồng hành thực chất để tìm ra điểm cân bằng hợp lý.

Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước cũng rất cần có chính sách để nuôi dưỡng và bảo vệ trước các công ty nước ngoài giàu tiềm lực và các tập đoàn lớn khác.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ceo-fundiin-doi-moi-sang-tao-can-nhieu-khong-gian-moi-44054.html