Tuyền Saphia: Chuyện khởi nghiệp và hành trình tạo sinh kế cho nhiều người

Tuyền Saphia không chỉ bắt đầu hành trình khởi nghiệp với sản phẩm dao bếp thủ công Việt Nam, mà còn góp phần tạo thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ.

Từ những video nấu ăn đơn giản trên mạng xã hội, Tuyền Saphia – cô gái 9x đến từ miền Tây từng chỉ được biết đến như một nhà sáng tạo nội dung giải trí sở hữu kênh TikTok 1,2 triệu follow. Nhưng cũng chính từ căn bếp nhỏ và chiếc điện thoại quay video đơn sơ, cô bắt đầu hành trình khởi nghiệp với sản phẩm dao bếp thủ công Việt Nam. Không chỉ góp phần kết nối sản phẩm truyền thống với người tiêu dùng, công việc này còn mở ra cơ hội tạo thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ.

Xưởng dao Thanh Hóa, nơi khởi nguồn cho ước mơ khởi nghiệp

Xưởng dao Thanh Hóa, nơi khởi nguồn cho ước mơ khởi nghiệp

Một thói quen nhỏ, một ý tưởng nảy sinh

Ngồi trong gian bếp quen thuộc, nơi đã gắn bó với hàng trăm video nấu ăn dân dã, chị Tuyền nhớ lại một lần chuẩn bị món cá kho tiêu cho clip đăng lên mạng xã hội. "Lúc đó tôi dùng dao mua ngoài siêu thị, xài một thời gian thì thấy bắt đầu lụt (dao cùn), cắt cá không ngọt, nát hết thịt" - chị nói.

Chị kể rằng cảm giác ấy khiến chị nhớ về những con dao rèn tay mà má chị hay dùng ở quê.

Sau vài video, chị nhận được nhiều bình luận hỏi: "Chị dùng dao gì vậy?", "Có bán không chị?".

Lúc ấy, chị mới để ý rằng khán giả thật sự quan tâm đến những vật dụng nhỏ trong bếp, không chỉ món ăn.

"Tôi nghĩ nếu mình quay bằng dao Việt, dùng dao rèn như má tôi từng dùng, thì vừa thật hơn, vừa dễ kể câu chuyện. Mà nếu ai cần mua, thì mình tìm nguồn giới thiệu lại là được" - chị nói.

Từ suy nghĩ đó, chị bắt đầu tìm hiểu các lò rèn thủ công trong nước và hành trình với dao bếp Việt dần hình thành từ những điều nhỏ nhặt như thế.

Tuyền tìm đến các thợ rèn dao lành nghề nhất trong làng rèn

Tuyền tìm đến các thợ rèn dao lành nghề nhất trong làng rèn

Từ gian bếp nhỏ ra thị trường lớn

Chị Tuyền không sản xuất dao, cũng không tham gia vào kỹ thuật rèn. Thay vào đó, chị tìm hiểu, trao đổi và đặt mua những sản phẩm dao rèn thủ công theo mẫu mà chị đánh giá là phù hợp với thói quen sử dụng của người nội trợ: vừa tay, sắc bén, dễ vệ sinh, trọng lượng vừa phải. Các tiêu chí này được chị đề xuất từ chính kinh nghiệm nấu ăn của bản thân và từ phản hồi thực tế của người xem.

Chị đưa sản phẩm vào nội dung một cách tự nhiên, không gắn quảng cáo, cũng không có chiến dịch truyền thông rầm rộ. Mọi chia sẻ của chị Tuyền Saphia đều xuất phát từ trải nghiệm thật và mong muốn mang đến lựa chọn hữu ích cho người dùng.

Từ những đoạn video như vậy, khán giả bắt đầu hỏi thăm về sản phẩm. Dần dần, chị hợp tác ổn định với một xưởng dao ở Thanh Hóa để đặt hàng theo nhu cầu, đồng thời hình thành nhóm nhỏ hỗ trợ các khâu như đóng gói, quản lý kho, tư vấn khách hàng.

Giữ nghề - tạo việc làm

Chị Tuyền không nhận mình là người tiên phong hay thay đổi thị trường. Chị chỉ coi việc mình đang làm là một cách kết nối nhẹ nhàng giữa người sản xuất – người sử dụng – và những người đang cần việc làm. Cũng nhờ mô hình này, xưởng dao có đầu ra ổn định, tránh tồn hàng, còn người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm thủ công chất lượng, không qua trung gian.

Tính đến hiện tại, công việc này đã tạo thêm thu nhập cho một nhóm hơn 10 người, phần lớn là phụ nữ đã có gia đình, có thời gian rảnh buổi tối hoặc cuối tuần. "Có chị bảo tiền bán dao đủ đóng học phí cho con, có người nói giờ cảm thấy tự tin hơn vì có việc riêng mình làm chủ. Tôi nghe vậy thấy vui" - chị bộc bạch.

Nhiều anh chị em có thêm việc làm, thu nhập từ công việc bán dao bếp.

Nhiều anh chị em có thêm việc làm, thu nhập từ công việc bán dao bếp.

Không sử dụng quảng cáo ồ ạt, không gọi vốn đầu tư, mô hình của chị Tuyền đi theo hướng "chậm mà chắc". Từ nội dung nấu ăn chân thực, sản phẩm dao được giới thiệu như một phần tự nhiên trong gian bếp. Sau đó, sự tin tưởng được xây bằng từng đơn hàng nhỏ, nhờ chất lượng thực tế.

Dù thương hiệu còn non trẻ, "Dao bếp Tuyền Saphia" đang cho thấy một hướng đi đặc biệt: dùng sức ảnh hưởng cá nhân để kết nối giữa người thợ truyền thống và người tiêu dùng hiện đại, đồng thời tạo cơ hội cho những người phụ nữ khác cùng tham gia vào chuỗi giá trị.

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tuyen-saphia-chuyen-khoi-nghiep-va-hanh-trinh-tao-sinh-ke-cho-nhieu-nguoi-196250721145529051.htm