CEO Lazada phản đối các siêu ứng dụng Grab, Gojek

Chun Li, CEO Lazada, kêu gọi các công ty số đi theo hướng cởi mở và hợp tác, thay vì các 'siêu dịch vụ' kín cổng cao tường.

Ông Chun Li, CEO tập đoàn Lazada. (Ảnh: Bloomberg).

Chun Li, CEO Lazada, nói rằng các công ty kỹ thuật số trong khu vực không nên tạo ra các siêu ứng dụng như một "khu vườn đóng kín", thay vào đó ủng hộ sự hợp tác và khác biệt, theo Bloomberg.

"Chúng ta nên làm việc cùng nhau để xây dựng một mạng lưới mở trong nền kinh tế số này, thay vì một siêu ứng dụng hay nền tảng kín cổng cao tường", Li Chun chia sẻ tại sự kiện Singapore Apex Business Summit diễn ra hôm 22/3. Ông có những chia sẻ này khi nói về các bài học mà mình đã có được từ kinh nghiệm ở Mỹ và Trung Quốc. "Tất cả các công ty đều nên tập trung vào những gì họ làm tốt nhất", ông nói.

Trong khi Lazada chủ yếu tập trung vào mua sắm trực tuyến, nhiều công ty số của Đông Nam Á như Grab hay GoTo đang mở rộng ứng dụng của mình để bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử, gọi xe cho đến tài chính.

Chiến lược này tương tự cách tiếp cận của những "ông lớn" Trung Quốc như Tencent. Các công ty này đều có xu hướng dựng lên các "bức tường số" để bảo vệ vị thế cùng như dữ liệu người dùng của mình. Trong vài năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu vào cuộc và yêu cầu các nền tảng như WeChat (Tencent) phải cởi mở hơn với cạnh tranh.

Alibaba, công ty mẹ của Lazada, từ lâu đã kêu gọi các công ty như Tencent mở cửa nền tảng và hệ sinh thái của mình. Alibaba cho rằng người dùng nên có nhiều lựa chọn hơn. Dù vậy, các nền tảng xã hội thì cho rằng các động thái như vậy nên được thực hiện từ từ để tránh làm hỏng trải nghiệm người dùng.

Li Chun bắt đầu sự nghiệp của mình tại Mỹ và từng nắm giữ các vị trí quản lý cao cấp tại PayPal và eBay. Ông gia nhập Alibaba vào năm 2014 trong vai trò giám đốc công nghệ mảng kinh doanh B2B. Đến năm 2020, ông nhận vị trí CEO tập đoàn Lazada.

Các mảng kinh doanh chính của Lazada hiện tại bao gồm thương mại điện tử, thanh toán và logistics. Trong khi đó, các công ty internet lớn khác của Đông Nam Á đang cạnh tranh khốc liệt với nhau trên nhiều "mặt trận" như ngân hàng số.

Sea, công ty đang vận hành các dịch mua mua sắm trực tuyến, game di động và dịch vụ tài chính, đang bắt đầu mở rộng sang mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á, gia tăng cạnh tranh với những cái tên như Grab, GoTo, Foodpanda và Deliveroo.

Grab, một trong những siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, đang mạnh tăng đầu tư để duy trì được thị phần ở mảng giao đồ ăn và gọi xe trong khi tiến vào thị trường giao đồ tươi sống.

Tổng chi cho các hoạt động khuyến khích người dùng của Grab tăng gấp đôi lên mốc 583,5 triệu USD trong quý IV/2021. Nếu tính cả năm 2021, tổng chi cho các hoạt động khuyến khích người dùng của Grab đạt mốc 1,78 tỷ USD, tăng mạnh từ con số 1,24 tỷ USD của năm trước đó.

Trong khi đó, đối thủ GoTo đang đẩy nhanh việc thực hiện IPO trên sàn giao dịch Indonesia với mốc định giá mục tiêu có thể lên tới 28,8 tỷ USD.

Tất cả các công ty "không nên quên đi việc hợp tác trong khi cạnh tranh để mang đến cho khách hàng và người bán hàng những lựa chọn tốt nhất ở các mảng tập trung của họ", Li Chun nói.

Lazada ra mắt lần đầu vào 10 năm trước. Hiện tại, công ty này có hơn 1 triệu người dùng hoạt động và 150 triệu khác hàng trên các nền tảng của mình. Từng là công ty đặt nền móng cho thương mại điện tử Đông Nam Á, vài năm trở lại đây, Lazada tỏ ra hụt hơi so với các đối thủ mới nổi như Shopee.

Tháng 12 năm ngoái, Alibaba lần đầu tiên công bố các số liệu quan trọng liên quan đến TMĐT Đông Nam Á. Alibaba cho biết đã ghi nhận 21 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trong một năm tính đến tháng 9/2021.

Cùng thời điểm, ông Chun Li, CEO Lazada Group, cam kết sẽ tăng trưởng GMV Lazada lên tới 100 tỷ USD song không nêu cụ thể về mốc thời gian cho mục tiêu này. Một số nguồn tin nói rằng Alibaba có thể sẽ cân nhắc tách Lazada thành một công ty riêng để duy trì tính độc lập và cạnh tranh của nó.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ceo-lazada-phan-doi-cac-sieu-ung-dung-grab-gojek.html