CEO May 10: '12.000 lao động chưa phải nghỉ việc một ngày nào đã là thành công'
Đây là chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong bối cảnh thị trường đặc biệt khó khăn hiện nay.
Theo ông Thân Đức Việt cho biết tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/7, bước vào năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022. Nguyên nhân do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị, xung đột Nga - Ukraina vẫn tiếp diễn, lạm phát ở các nước lớn như tại Mỹ, châu Âu khó kiểm soát, dẫn đến việc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, Châu Âu suy giảm mạnh, khiến các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn. Mặt khác, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để lại vẫn còn kéo dài.
Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi ngành sản xuất, xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới đạt 14,35 tỷ USD (dệt may 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27%; vải mành, vải kỹ thuật khác giảm 20,7% so với cùng kỳ). Còn số liệu mới nhất đến ngày 15/6 được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dệt may đến giữa tháng 6 giảm 15,3%, tương đương giảm gần 2,5 tỷ USD về con số tuyệt đối, đạt 14,12 tỷ USD.
"Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng một loạt biện pháp, đến nay, hơn 12.000 người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào, đây được coi là thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung", ông Việt chia sẻ.
Cụ thể đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022, là năm thế giới mới bước ra từ đại dịch nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng đáng kể, lên đến 30%.
Để vượt qua cơn bĩ cực đó, May 10 đã sử dụng mọi biện pháp, đặc biệt là trong nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, cùng với đó, tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Cụ thể, bộ phận kinh doanh xuất khẩu đang tập trung tìm kiếm thêm thị trường phi truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Canada... Năm 2023, có thêm thị trường như Úc, Trung quốc, Thái Lan, Philipines là những thị trường mà May 10 chưa tiếp cận bao giờ, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ tại hội thảo do Thời báo Ngân hàng tổ chức, khi thị trường xuất khẩu gặp khó thì thị trường nội địa trở thành điểm tựa, ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông dự đoán tháng 9, tháng 10 là thời gian thấp điểm, đơn hàng sẽ bị giảm sút bởi tính đặc thù của mùa vụ.
Về vấn đề vốn của doanh nghiệp, ông Việt cho biết dù NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng May 10 vẫn đang linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính. Cho đến khi nào, tình thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng.
4 bài học để doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Cũng tại tham luận, để nỗ lực vượt qua khó khăn, theo đại diện May 10, có 4 bài học quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may đó là:
Thứ nhất, thị trường và khách hàng. Việc có một đội tìm kiếm quản lý phát triển thị trường và các sản phẩm mẫu hướng tới xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp không thể bị động ngồi chờ đơn hàng.
Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Trong khó khăn, con người là "tài sản" quý giá nhất, bằng mọi nỗ lực phải giữ chân được người lao động, bảo đảm việc làm cho người lao động, kêu gọi họ chia sẻ với doanh nghiệp.
Thứ ba, là nâng cao năng lực quản trị, trong bối cảnh khó khăn, cần rất linh hoạt trong tổ chức sản xuất, sắp xếp đơn hàng, nguyên phụ liệu… đảm bảo thích ứng nhanh, khi thị trường biến động.
Thứ tư, là cắt giảm các chi phí không cần thiết, kể cả chi phí hữu hình và vô hình, như nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, thời gian lãng phí không trực tiếp đưa vào sản xuất, giải quyết triệt để câu chuyện tối ưu chi phí.
DOANH NGHIỆP PHẢI THÍCH ỨNG VỚI SỰ THAY ĐỔI LIÊN TỤC
Trong thời gian tới, tình hình thế giới cũng như trong nước dự báo vẫn còn nhiều biến động, khó đoán định chính xác. Nếu trước kia, ngành may mặc có thể dự đoán được tình hình thị trường ít nhất là trước 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm nhưng hiện nay thị trường biến động liên tục. Các kế hoạch dài hạn dường như không còn sự chắc chắn, doanh nghiệp phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10
Ngành dệt may tìm sự tăng trưởng trong khó khăn
Tính đến 25/7, nhiều doanh nghiệp dệt may đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 phản ánh những khó khăn của ngành 6 tháng đầu năm 2023 do tình trạng khan hiếm đơn hàng, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế.
CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) báo doanh thu thuần quý 2/2023 đạt 407,3 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 36 tỷ và hơn 37,5 tỷ đồng; giảm 52,7% và 47,9% cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, STK ghi nhận doanh thu đạt gần 695,2 tỷ đồng, giảm 40,6% svck năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 39,1 tỷ đồng, giảm 73,5%. Năm 2023, STK đặt mục tiêu doanh thu 2.149,3 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt 253,1 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ thực hiện được 32,3% kế hoạch doanh thu và 15,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) báo doanh thu thuần đạt khoảng 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng theo đó chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm mạnh xấp xỉ 25 lần, đánh dấu mức lãi hàng quý thấp nhất của công ty kể từ quý 4/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.590 tỷ đồng, giảm khoảng 27%, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 55% so cùng kỳ, đạt hơn 57 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) ghi nhận doanh thu thuần 1.039 tỷ đồng và lãi ròng 33,9 tỷ đồng, giảm lần lượt 16,3% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi ròng hàng quý thấp nhất trong 2 năm gần đây của công ty.
Lũy kế 6 tháng, HTG ghi nhận doanh thu thuần gần 2.310 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 100 tỷ đồng, tương ứng giảm 11% và 41% so cùng kỳ. Như vậy, công ty thực hiện được một nửa kế hoạch về lợi nhuận (200 tỷ đồng). Riêng lãi ròng thu về gần 82 tỷ đồng, thấp hơn 39%.
CTCP May Hữu Nghị (UPCoM: HNI) ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 305 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ, song lãi ròng ghi nhận 11 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022 và tăng 32,5% so với quý trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng công ty đều giảm lần lượt 16,7% và 15% xuống còn 478 tỷ đồng và 19,4 tỷ đồng do kết quả. So với kế hoạch cả năm 2023, HNI đã thực hiện được 55% doanh thu và 61% lãi ròng.
CTCP Dệt may Huế (UPCoM: HDM) dù ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 319 tỷ đồng trong quý 2, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lãi ròng công ty đạt 25,3 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt khoảng 923 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng chỉ đạt 46,5 tỷ đồng, giảm 35% do kết quả kinh doanh quý trước kém khả quan.
Trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, hết quý II, HDM đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 56% chỉ tiêu về lợi nhuận năm.