CEO MBS: Quy mô vốn nhỏ là một trong những khó khăn của công ty
Lãnh đạo MBS đánh giá, áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đang cực kỳ gay gắt, trong bối cảnh các công ty chứng khoán lớn, nhỏ đều ồ ạt tăng vốn.
Khi thị trường chứng khoán hồi phục, “cuộc đua” tăng vốn của các doanh nghiệp trong ngành lại vô cùng nhộn nhịp. Hàng loạt công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch tăng vốn, thậm chí có công ty tăng bằng lần. Chứng khoán MB (mã MBS) cũng không nằm ngoài “cuộc đua” đó.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức sáng 28/3, cổ đông MBS đã thông qua kế hoạch nâng vốn từ 4.376,69 tỷ đồng lên 5.758,2 tỷ đồng. Công ty dự kiến chào bán hơn 109 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ gần 29 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Phan Anh - Tổng giám đốc MBS cho biết, vốn chủ sở hữu của MBS tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 5.038 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 4.300 tỷ đồng - đứng thứ 13 trên thị trường chứng khoán. Quy mô vốn nhỏ là một trong những khó khăn của công ty trong triển khai hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ khách hàng.
Cùng với đó là áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đang cực kỳ gay gắt, trong bối cảnh các công ty chứng khoán lớn, nhỏ đều ồ ạt tăng vốn. "Đặc biệt là các công ty nước ngoài, họ cạnh tranh về mặt lãi suất cho vay, giảm phí giao dịch, mặc dù điều này có lợi cho nhà đầu tư nhưng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, NIM cho vay có xu hướng thu hẹp," ông Phan Anh nói.
Theo CEO MBS, từ năm ngoái đến năm nay, công ty đang làm việc với ba đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng để hỗ trợ về vốn, công nghệ... Ông kỳ vọng trong năm nay, việc hợp tác có thể triển khai.
Về lợi thế của MBS so với các thành viên trên thị trường khác, CEO Phan Anh cho rằng MBS có ưu thế riêng khi là thành viên của MB Group. Công ty đã được ngân hàng mẹ MB quan tâm hỗ trợ nhiều trong suốt 26 năm qua, được hỗ trợ quản trị rủi ro, hỗ trợ về công nghệ, con người, nguồn vốn...
"Ví dụ, khách hàng có thể vay tiền MB để đầu tư chứng khoán với các cổ phiếu không được dùng margin trên UPCoM. Ngân hàng đã dành 5% vốn điều lệ (tương đương 3.000 tỷ đồng) để phục vụ riêng cho khách hàng của MBS," ông Phan Anh chia sẻ.
Ngoài ra, với thương hiệu là đơn vị của MB Bank, MBS có uy tín với khách hàng. Đồng thời, công ty còn được khai thác tệp khách hàng lên tới 30 triệu người của MB Bank. Ngược lại, MB cũng là khách hàng lớn của MBS qua việc mua bán trái phiếu Chính phủ.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch MBS chia sẻ thêm, MBS đặt mục tiêu thách thức cho năm 2024 là tăng thị phần lên 7,5%, trong khi hết năm 2023 mới đạt 5,2%. Và tăng vốn chính là một trong các giải pháp để công ty tăng dịch vụ, quy mô cung cấp đến nhà đầu tư. Bên cạnh đó, MBS sẽ đẩy mạnh kinh doanh số với mục tiêu doanh thu tối thiểu 25%, tập trung khai thác tối đa tệp khách hàng của MB Group.
Về danh mục tự doanh, ông Hải thừa nhận trong năm 2023 MBS chưa thực sự mạnh dạn tận dụng kịp thời các cơ hội đầu tư. Năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô tự doanh, nhằm giảm bớt áp lực phụ thuộc doanh thu và lợi nhuận vào mảng môi giới. Thực tế, MBS có doanh thu từ mảng môi giới khá lớn, trong khi đa số các công ty khác mảng tự doanh, đầu tư chiếm một nửa.