CEO người Việt của Telio thua kiện tại Singapore vì thiếu trung thực
Tòa án cấp cao Singapore xác định ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập và CEO của Telio - 'không trung thực' với các nhà đầu tư.
Theo Tech in Asia, mới đây, Tòa án cấp cao Singapore yêu cầu ông Bùi Sỹ Phong - người sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Telio - chuyển nhượng cổ phần tại Telio cho công ty cũ của ông là OnOnPay (OOPA).
Đồng thời, ông Phong phải bồi thường cho OOPA số tiền 233.000 SGD, tương đương 174.000 USD. Bản thân ông Bùi Sỹ Phong - chứ không phải Telio - phải trả số tiền này.
Đây là quyết định nằm trong bản án dài 38 trang được công bố vào ngày 16/6 về vụ kiện kéo dài gần 2 năm giữa ông Bùi Sỹ Phong và OOPA.
Hội đồng quản trị của OOPA cáo buộc ông Phong chiếm đoạt các cơ hội kinh doanh và sử dụng các nguồn lực của công ty - bao gồm mạng lưới doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tài sản trí tuệ - để phát triển Telio, dự án kinh doanh mới của ông.
Theo bản án, trước đó ông Bùi Sỹ Phong xin HĐQT của OOPA thành lập Telio, đồng thời đề xuất chia cổ phần tại Telio cho các thành viên HĐQT OOPA. Sau đó, ông Phong liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và giới thiệu rằng Telio là công ty con của OOPA.
Ông Phong không thông báo hoạt động gọi vốn cho các cổ đông của OOPA.
Thẩm phán Singapore khẳng định ông Phong thừa nhận không thông báo cho OOPA về thỏa thuận đầu tư vào ngày 19/3/2019 giữa Telio và Surge (đơn vị trực thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia India).
Thẩm phán kết luận ông Phong đã không trung thực với các nhà đầu tư cũ trong việc theo đuổi ý tưởng kinh doanh cho Telio. “Vấn đề không phải là việc ông Phong cho các nhà đầu tư OOPA cổ phần miễn phí trong Telio, mà vấn đề là Telio thuộc về OOPA,” thẩm phán nhấn mạnh.
Thẩm phán cũng nói OOPA được hưởng cổ phần của ông Bùi Sỹ Phong tại Telio vì công ty này được thành lập "sự tin tưởng của các nhà đầu tư dành cho OOPA".
Vào năm 2019, Telio huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do quỹ Tiger Global Management dẫn đầu cùng với sự tham gia của các quỹ Sequoia India, GGV Capital và RTP Global.
Định giá của công ty khởi nghiệp thương mại điện tử B2B này tăng vọt và vượt qua 100 triệu USD sau vòng gọi vốn.