Lời giải cho bài toán điện gió ngoài khơi

Việt Nam, với tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi dồi dào, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một điểm sáng về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), được phê duyệt vào tháng 5/2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, chưa có dự án nào được chính thức phê duyệt hoặc giao đầu tư. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đưa các dự án này từ bản vẽ ra thực tế?

Để có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên

Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 vừa qua, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Nói đúng hơn là mọi chuyện chỉ mới dừng ở khâu lên kế hoạch trên giấy, chứ chưa được tiến hành trên thực tế”. Theo ông Jaspaert, thời gian phát triển và xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi thường mất từ 6-7 năm, trong đó 3-4 năm đầu cho việc hoàn thiện dự án và tài chính, sau đó là ít nhất 3 năm xây dựng. Điều này có nghĩa rằng, nếu muốn đạt mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030, các dự án đầu tiên phải được triển khai ngay trong năm 2027.

Để đạt được điều này, ông Jaspaert đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, thiết lập các cơ chế hỗ trợ rõ ràng và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia. Cụ thể, ông nhấn mạnh tất cả các giấy phép cần sẵn sàng và mọi trở ngại cần được giải quyết trong vòng 6 tháng tới để giữ kịp tiến độ. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin và phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng cần được cải thiện nhằm hạn chế tình trạng “đứng hình” như hiện tại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chìa khóa thu hút đầu tư quốc tế

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương cho biết đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo mới, như điện gió ngoài khơi, có chi phí đầu tư và sản xuất điện cao hơn so với nguồn điện truyền thống. Để đảm bảo khả thi cho các dự án, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang xem xét các chính sách ưu đãi đặc biệt như miễn tiền thuê đất, giảm thuế và ưu đãi về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm.

Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập, cho rằng những chính sách này là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Nếu không có các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mặn mà với thị trường này, bởi các chi phí khởi điểm quá cao và thời gian thu hồi vốn dài”. Bài học từ Đài Loan (Trung Quốc) và các nước phát triển về điện gió ngoài khơi đã cho thấy Chính phủ các nước này luôn có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho giai đoạn đầu triển khai, giúp giảm thiểu rủi ro và tạo đà cho sự phát triển của ngành công nghiệp mới mẻ này.

Một trong những chiến lược quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi là cách tiếp cận hợp tác quốc tế với các đối tác giàu kinh nghiệm. Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), đồng ý với ý tưởng cho phép doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam hợp tác với các công ty quốc tế trong các dự án thí điểm đầu tiên. “Các đối tác quốc tế không chỉ mang đến kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mà còn hỗ trợ tài chính và cung ứng chuỗi sản xuất. Ngược lại, các đối tác trong nước có lợi thế về sự hiểu biết về pháp luật, văn hóa và chính trị”, ông Hutchinson chia sẻ.

Ông Jaspaert cũng bổ sung thêm rằng, kinh nghiệm từ Đan Mạch và Vương quốc Anh cho thấy sự tham gia của các công ty nước ngoài giúp đảm bảo tính bền vững của dự án, giúp Việt Nam giảm bớt rủi ro về tài chính và kỹ thuật. “Việt Nam cần khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý minh bạch và rõ ràng, cùng các chính sách hỗ trợ cho ngành điện gió ngoài khơi”, ông nhấn mạnh.

Phân kỳ đầu tư và cơ chế thí điểm

Ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) gợi ý rằng Việt Nam có thể tham khảo cách tiếp cận của Đài Loan trong phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đó, PTSC đề xuất áp dụng mô hình phát triển điện gió ngoài khơi qua ba giai đoạn: Thí điểm, hỗ trợ của Nhà nước và phát triển tự do theo cơ chế cạnh tranh.

Bước đầu tiên là giai đoạn thí điểm, cho phép Việt Nam thử nghiệm mô hình điện gió ngoài khơi với một số dự án nhỏ, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn. Khi đã có kết quả tích cực, Nhà nước có thể tăng cường hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Giai đoạn cuối cùng là khi thị trường đã phát triển và có sức cạnh tranh, các dự án sẽ tiến đến cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch. Khi thị trường đã cạnh tranh rồi, lúc đó Nhà nước chỉ cần đóng vai trò điều tiết.

Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập cũng nhấn mạnh rằng: “Cần có những dự án tiên phong để rút ra bài học kinh nghiệm, mở đường cho các dự án khác. Để làm được điều này, cần giao cho các tập đoàn Nhà nước có kinh nghiệm như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai thí điểm”.

Công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi tại Cảng PTSC Vũng Tàu.

Công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi tại Cảng PTSC Vũng Tàu.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, Phó Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc đề xuất cần có chính sách về phân kỳ đầu tư, tăng cường phân cấp, phân quyền, chính sách về giao khu vực biển, giao đất... Đặc biệt, đại diện PTSC cũng đề nghị chính sách ưu tiên sản xuất điện gió ngoài khơi để xuất khẩu. Việc này không chỉ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề giá điện còn cao của năng lượng tái tạo mà còn thực hiện các mục tiêu kinh tế, môi trường và đảm bảo an ninh biển đảo. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hạ tầng truyền tải điện, cũng như các thỏa thuận quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đầu tư cho tương lai

Hiện nay, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dành một chương cho năng lượng tái tạo, tuy nhiên theo đánh giá của ĐBQH Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Dự thảo này vẫn chưa đề cập đến nguồn quỹ cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo. “Nên chăng Luật này phải thể chế hóa nguồn vốn phát triển, xây dựng quỹ phát triển năng lượng tái tạo chuyên biệt, từ nhiều nguồn”, ông Thạch Phước Bình đề xuất.

Một quỹ chuyên biệt sẽ giúp hỗ trợ dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án có vốn đầu tư ban đầu cao và thời gian thu hồi vốn dài như điện gió ngoài khơi. Việc thành lập quỹ này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư mà còn giúp Việt Nam duy trì cam kết phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ là giải pháp năng lượng cho tương lai, mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp tái tạo bền vững, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế. Nhưng để biến những mục tiêu đầy tham vọng thành hiện thực, Việt Nam cần một kế hoạch hành động rõ ràng, các cơ chế pháp lý nhất quán, cùng sự tham gia của các đối tác có kinh nghiệm từ quốc tế.

Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đầu ngành, Việt Nam mới có thể đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành điện gió ngoài khơi, đạt được mục tiêu 6.000 MW vào năm 2030./.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/loi-giai-cho-bai-toan-dien-gio-ngoai-khoi-720183.html