CEO Nvidia, Qualcomm và Intel thúc giục Mỹ 'xem lại' lệnh giới hạn chip với Trung Quốc

Khi Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế chip đối với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, nhiều người đã cảnh báo chính sách đó có thể gây tác dụng ngược...

Nhưng chính quyền Tổng thống Biden đã không lùi bước! Thay vào đó, nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu chống lại Trung Quốc đã được bổ sung nhằm ngăn cản Trung Quốc có các chất bán dẫn mà nước này cần để hiện đại hóa quân đội.

NVIDIA, QUALCOMM VÀ INTEL ĐỒNG LOẠT CẢNH BÁO CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU CỦA HOA KỲ

Chưa đầy một năm kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu đầu tiên đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, các CEO của ba gã khổng lồ sản xuất chip nội địa của Mỹ - Nvidia, Qualcomm và Intel - đã cảnh báo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng nhất của Hoa Kỳ. Cả ba nhà lãnh đạo đều có mặt ở Washington vào tuần trước, thúc giục chính quyền Tổng thống Biden kiềm chế, vì nó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ với Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg cho biết: “Các công ty đang nghĩ đến lợi nhuận cuối cùng của họ. Dù vậy, các gã khổng lồ chip đã đúng khi cảnh báo về việc cắt giảm khả năng tiếp cận chất bán dẫn của Bắc Kinh”. Báo cáo cho biết thêm: “Việc đưa ra các hạn chế bổ sung đối với những gì các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể bán cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc trả đũa và gây căng thẳng với các đồng minh sản xuất chip của Mỹ”.

Điều tồi tệ hơn là những hạn chế có nguy cơ làm suy yếu các mục tiêu dài hạn của Tổng thống Joe Biden, khuyến khích sản xuất nhiều chip hơn trên đất Mỹ. Pat Gelsinger của Intel đã nói với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức khác: “Nếu không có đơn đặt hàng từ khách hàng Trung Quốc, sẽ không cần phải xúc tiến nhiều dự án như tổ hợp nhà máy theo kế hoạch của Intel ở Ohio”.

Các cuộc gặp giữa CEO ba gã khổng lồ chip và các quan chức Hoa Kỳ đã diễn ra tại Washington vào ngày 17/7 vừa qua. Trong các cuộc gặp đó, lãnh đạo của các nhà sản xuất chip lớn nhất của Hoa Kỳ đã nói rằng chính quyền không chỉ nên nghiên cứu tác động của các hạn chế đối với xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn phải tạm dừng trước khi thực hiện các biện pháp mới.

“Pat Gelsinger của Intel, Jensen Huang của Nvidia và Cristiano Amon của Qualcomm đã cảnh báo rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ gây tổn hại đến vị trí dẫn đầu ngành của Hoa Kỳ. Các quan chức đã lắng nghe bài thuyết trình nhưng không đưa ra bất kỳ cam kết nào”, Bloomberg đưa tin, trích lời những người quen thuộc với vấn đề này.

Chiến lược của Mỹ về chất bán dẫn xoay quanh “hai mục tiêu”. Đầu tiên là cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc có được chất bán dẫn mà nước này cần để hiện đại hóa quân đội. Sau đó, thể hiện trong Đạo luật Khoa học và Chips mà ông đã ký thành luật vào năm ngoái, là giảm bớt tính dễ bị tổn thương của Hoa Kỳ đối với các nút thắt của chuỗi cung ứng quốc tế ở Đông Á bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất chip đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất có trụ sở tại Hoa Kỳ.

HẠN CHẾ TRUNG QUỐC TIẾP CẬN CHIP SẼ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN … TIỀN

Tác động nổi bật nhất của việc giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ rất tiên tiến là nó trực tiếp tước đi nguồn doanh thu đáng kể của các công ty sản xuất chip của Mỹ. Nói tóm lại, đối với Mỹ, nó đơn giản là phản tác dụng.

Để hiểu rõ tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các công ty sản xuất chip lớn trên toàn thế giới, Trung Quốc là thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn; quốc gia này chiếm khoảng 1/5 doanh thu toàn cầu của Nvidia. Đối với Qualcomm, khoảng 60% doanh thu của họ đến từ việc cung cấp linh kiện cho Trung Quốc, nơi sản xuất hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng trên thế giới.

Khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, Mỹ đã tìm cách thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế hiện có - như nhắm mục tiêu vào các chip do Nvidia sản xuất dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Mặc dù chính sách này nhằm làm chậm sự phát triển AI của Trung Quốc, nhưng Huang của Nvidia nói rằng việc hạn chế doanh số bán một số chip của ông đã khiến các lựa chọn thay thế trở nên phổ biến hơn.

Giám đốc điều hành cho biết, ngay cả đối với Intel, nếu không có đơn đặt hàng từ khách hàng Trung Quốc, sẽ không cần phải tiếp tục các dự án như tổ hợp nhà máy theo kế hoạch của Intel ở Ohio. Gelsinger, người đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng này để giới thiệu chip AI mới nhất của công ty mình, coi quốc gia này là khu vực bán hàng quan trọng nhất của Intel - Trung Quốc mang lại khoảng 1/4 doanh thu.

Nhìn chung, các giám đốc điều hành lập luận rằng mặc dù khách hàng Trung Quốc buộc phải mua nhiều chip hơn để bù vào các sản phẩm bị cấm, nhưng điều đó không cản trở được họ.

“Hiện tại, Trung Quốc chiếm 25% đến 30% xuất khẩu chất bán dẫn. Nếu thị trường co hẹp lại hơn 20% hoặc 30%, tôi không cần xây dựng thêm nhà máy”, Gelsinger nói thêm. Sau cuộc họp ở Washington, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cũng chia sẻ quan điểm tương tự rằng các bước tiếp theo của chính quyền Tổng thống Biden có thể gây tác dụng ngược.

SIA cho biết: “Việc cho phép ngành tiếp tục tiếp cận thị trường Trung Quốc, thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn hàng hóa là rất quan trọng”.

Cuộc gặp với CEO của những gã khổng lồ chip Mỹ và những bình luận từ hiệp hội thương mại diễn ra trong bối cảnh có tin đồn Mỹ đang xem xét gia hạn các hạn chế đối với việc bán chip và thiết bị bán dẫn tiên tiến cụ thể cho Trung Quốc.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ceo-nvidia-qualcomm-va-intel-thuc-giuc-my-xem-lai-lenh-gioi-han-chip-voi-trung-quoc.htm