CEO Pizza Home kể chuyện trở thành 'thánh bắt trend' mùa Covid
Nhà sáng lập chuỗi Pizza Home Hoàng Tùng khẳng định, thương hiệu này không thể so với các ông lớn nước ngoài về quy mô, về tài chính hay về hệ thống quản trị nhưng hoàn toàn có thể vượt qua họ về việc đẩy mạnh ý tưởng mới và trở thành một thương hiệu có tính sáng tạo cao trên thị trường.
Trong bức tranh âm u, tối màu của nền kinh tế thời điểm Covid-19 bùng phát và lên đến cao trào trong năm 2020 vừa qua, những câu chuyện tìm cơ trong nguy để vượt khủng hoảng của nhiều thương hiệu và doanh nhân đã trở thành nét chấm phá, tạo nên sức hút không chỉ ở Việt Nam mà còn tốn không ít giấy mực của báo giới quốc tế.
Khoảng giữa tháng 2/2020, những chiếc pizza thanh long của Pizza Home ra đời đã tạo nên cơn sốt trên thị trường, vừa tạo một trải nghiệm mới trong khẩu vị khách hàng, vừa góp sức trong công cuộc giải cứu nông sản Việt lúc bấy giờ.
Chưa đầy hai tháng sau đó, hình ảnh những chiếc bánh burger Corona của Pizza Home đã xuất hiện trên những hãng truyền thông lớn bậc nhất trên thế giới.
Dùng tinh thần và thái độ lạc quan để đối mặt với cơn bĩ cực, ông Hoàng Tùng cùng những thương hiệu của mình đã vượt qua năm 2020 đầy giông bão với một cái kết theo ông chia sẻ là “thăng hoa” trong dịp cuối năm khi hoàn thành hết các mục tiêu về tài chính và thương hiệu.
Ngọt ngào không kém, bạn bè giới kinh doanh ưu ái gọi ông Tùng là “thánh bắt trend”. Dường như không chỉ bắt trend (xu hướng), ông Tùng còn nỗ lực để “bắt” mọi cơ hội nhìn thấy được trong một năm đầy biến cố vừa qua.
Năm 2020 đã diễn ra như thế nào đối với ông và các thương hiệu của mình?
Ông Hoàng Tùng: Với cá nhân tôi, năm Canh Tý 2020 là một năm rất thú vị.
Thú vị vì có những sự kiện mà chúng ta không thể lường trước được, trong đó có sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Điều đó đẩy cá nhân tôi và các thương hiệu tôi có vào những tình huống thực sự rất ngặt nghèo và bi quan. Tuy nhiên, dịch bệnh tại nước ta đã được khống chế rất nhanh trong năm 2020 và nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục một cách thần kỳ.
Sau cơn bĩ cực, các thương hiệu của tôi cũng đã kịp thăng hoa vào thời điểm cuối năm và đạt được các mục tiêu về tài chính cần thiết. So về số lượng điểm bán, chúng tôi đã bị thu hẹp, tuy nhiên việc dịch chuyển lên các nền tảng bán hàng trực tuyến đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đây là điều tôi đã rất muốn làm nhưng chưa đủ động lực. Covid-19 là một trong nhưng động lực bắt buộc chúng tôi phải thực hiện chuyển đổi.
Dịch Covid-19 là cú hích khiến công ty chúng tôi chuyển đổi rất nhiều thứ và thực tế cho thấy, dịch bệnh xảy ra lại chính là một điều rất tốt để chúng tôi tự nhìn lại chính mình và cải tổ lại doanh nghiệp để trở nên tinh gọn và mạnh mẽ hơn.
Qua những giai đoạn khó khăn vừa rồi, tôi tin năm Tân Sửu sẽ có thêm nhiều động lực mới để tăng trưởng mạnh.
Từ “khủng hoảng” được nhắc đến rất nhiều trong năm vừa qua. Ông nhìn nhận như thế nào về hai chữ “khủng hoảng”?
Ông Hoàng Tùng: Năm vừa rồi là thời điểm tôi nhìn nhân được một cách sâu sắc câu nói “trong NGUY có CƠ”.
Trước đây, tôi chỉ nghĩ đây là một câu nói rất bình thường. Nhưng với những gì đã diễn ra trong năm 2020, tôi đã trải nghiệm một cách thực sự trong nguy có cơ là như thế nào. Qua những khó khăn và khủng hoảng, tôi thấy đúng là những thứ không giết được chúng ta sẽ khiến chúng ta mạnh hơn.
Khủng hoảng là một trong những phép thử để xem nội lực của chúng ta mạnh đến đâu. Khủng hoảng cũng là cú hích giúp chúng ta nhìn lại chính mình để luôn có sự dự phòng cần thiết về mặt tài chính cũng như luôn luôn có tinh thần cải tiến, phát triển và tìm kiếm cơ hội trong những nguy cơ.
Hình như ông tìm được rất nhiều cơ hội trong khó khăn? Làm thế nàoông làm được điều đó?
Ông Hoàng Tùng: Tôi rất thấm thía tư tưởng của một trong những vị thầy tinh thần của tôi là doanh nhân - cư sĩ người Nhật Bản là Inamori Kazuo. Ông nói: “Hiện thực xảy ra như thế nào chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng chúng ta luôn có thể thay đổi THÁI ĐỘ của chúng ta khi tiếp nhận hiện thực đó”.
Khi dịch Covid-19 mới xảy ra, đúng là không ai có thể ngờ tới mức độ nghiệm trọng của dịch bệnh. Hàng loạt điểm bán của chúng tôi phải đóng cửa, doanh số sụt giảm trầm trọng và tôi khủng hoảng thực sự. Tuy nhiên đó là sự thật không thể thay đổi.
Sau khi bình tĩnh lại, tôi cũng ứng dụng lời dạy của Inamori Kazuo và cố gắng duy trì tinh thần tích cực cho cá nhân và cho đội ngũ. Cuối cùng, dịch bệnh vẫn xảy ra nhưng với tinh thần vượt khó thì năm 2020 lại là năm mà tôi có những chiến dịch về sản phẩm và marketing xuất sắc.
Sản phẩm bánh Pizza thanh long của chúng tôi đã phủ gần hết báo đài trong nước, góp một phần lan tỏa tinh thần giải cứu nông sản của người Việt. Sản phẩm bánh Burger Corona của chúng tôi đã được các báo đài quốc tế khắp 5 châu đưa tin, được lên cả những tờ báo lớn nhất thế giới như AP, Reuter, Le Figaro hay CNN và đặc biệt là tôi còn được đài BBC phỏng vấn trực tiếp và có cơ hội được chia sẻ tinh thần lạc quan của người Việt trong công cuộc chống dịch Covid-19…
Với tôi, đó là những kỷ lục cá nhân mà nếu không có khó khăn thì sẽ không có những thành quả như vậy. Thế nên cuối cùng tôi đã biết ơn một cách sâu sắc tất cả những khó khăn và trân trọng cả những thành quả mà tôi có được trong năm vừa qua.
Có người gọi ông là “thánh bắt trend”, ông nghĩ gì về điều này?
Ông Hoàng Tùng: Bạn bè và anh em kinh doanh hay trêu đùa, gọi tôi là “thánh bắt trend” vì quả thực là tôi luôn có những sản phẩm hay ý tưởng theo trend (xu hướng) và gây sốt trong một khoảng thời gian nhất định.
Thực ra điều này cũng đúng vì cá nhân tôi rất thích sáng tạo ra sản phẩm mới. Và trong quan điểm của tôi, tôi nghiêng theo tư duy của ông tổ ngành quản trị học và là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20 Peter Drucker.
Theo quan điểm của Drucker, công việc chính nhất của một người CEO đúng nghĩa là phải tập trung vào cải tiến sản phẩm cũng như R&D sản phẩm. Đó là công việc tôi thích, và đó cũng là một công việc của một CEO cần phải tập trung.
Chúng tôi có KPI về việc cải tiến sản phẩm mới và việc cải tiến sản phẩm rất hay tạo ra sản phẩm mới. Với một chút năng khiếu về truyền thông và marketing, tôi thường đẩy nó thành sản phẩm trend, thu hút doanh số và bán hàng được trong một thời gian ngắn.
Với tôi, đây là một hoạt động rất thú vị và nó cho thấy sức mạnh của ý tưởng là như thế nào! Như đã nói, chuỗi Pizza Home của tôi không thể so với các ông lớn nước ngoài về quy mô, về tài chính hay về hệ thống quản trị nhưng hoàn toàn có thể vượt qua họ về việc đẩy mạnh ý tưởng mới và trở thành một thương hiệu có tính sáng tạo cao trên thị trường.
Liệu chạy theo trend thì có mệt? Ông có nghĩ đến một cái gì mang tính lâu dài hơn, hay đã có một thứ gì đó như vậy có sẵn mà nhiều người chưa biết?
Ông Hoàng Tùng: Mọi người sẽ nghĩ là theo trend sẽ rất mệt. Tôi cũng từng nghĩ vậy nhưng thực ra là không hẳn vậy. Khi đã đưa KPI về sáng tạo vào thành công việc thì nó trở thành một việc làm bắt buộc hàng ngày.
Hơn nữa, tôi cũng không ép là sản phẩm nào cũng phải thành công. Tôi không phải là người xuất sắc để lúc nào cũng phải có sản phẩm thành công. Tôi có rất nhiều sản phẩm thất bại. Cùng thời điểm có hai sản phẩm hút được truyền thông kỷ lục là pizza thanh long hay burger Corona thì trước đó tôi đã làm pizza dưa hấu, bánh mỳ hoa cúc sầu riêng, burger thanh long và bánh cookie Corona. Nhưng tất cả sản phẩm đó đều thất bại và ế, không bán được hàng.
Tuy nhiên, việc có những sản phẩm thất bại như vậy là cần thiết để có được những sản phẩm thành công như pizza thanh long hay burger corona. Xét cho cùng, tôi không giỏi hơn người khác, tôi chỉ thử nhiều hơn người khác và thất bại nhiều hơn người khác mà thôi.
Còn về trend ngắn hay dài thì thực ra theo tôi, trend ngắn thành công cũng tốt mà trend dài thành công càng tốt hơn, như các sản phẩm chúng tôi sản xuất có thể ngắn hạn nhưng tư duy luôn hướng đến dài hạn.
Ví dụ, burger Corona là sản phẩm ngắn hạn nhưng việc luôn cải tiến sản phẩm phải là dài hạn. Pizza thanh long là ngắn hạn, nhưng việc nghiên cứu để đưa nông sản Việt vào nguyên liệu của mình lại luôn là dài hạn.
Liệu có bước chuyển/sự thay đổi lớn nào với Hoàng Tùng, Pizza Home và các thương hiệu của ông trong năm mới này?
Ông Hoàng Tùng: Hướng đến năm mới Tân Sửu, chúng tôi cũng đang bắt đầu với một loạt sản phẩm mới như bánh pizza 2021 và bánh pizza Ngưu Ma Vương hình con trâu bán trong dịp Tết âm lịch.
Cảm ơn những khó khăn năm 2020 đã cho tôi cơ hội để bỏ qua sĩ diện và cái tôi cá nhân, chấp nhận các điểm yếu của mình, chấp nhận đóng đi những điểm bán không hiệu quả, chấp nhận đóng đi những quan hệ không hiệu quả, chấp nhận cắt lỗ những khoản đầu tư ngoài năng lực lõi của mình và chấp nhận luôn sự không hoàn hảo của mình để bắt đầu một doanh nghiệp cũ nhưng tinh thần mới và hình hài mới, tinh gọn hơn nhưng hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn…
Dự kiến với cá nhân Pizza Home và bản thân tôi sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số ở năm Tân Sửu trong mảng kinh doanh F&B và những dự án liên quan.
Từ khóa cho năm 2021 với ông sẽ là gì?
Anh Hoàng Tùng: Từ khóa năm 2021 của tôi là “BIẾT ƠN”.
Thú thực, có những lúc tôi rất ghét nhân sự, bị stress, thậm chí ghét việc kinh doanh và ghét cả chính bản thân mình… Tuy nhiên, khủng hoảng đã khiến tôi thay đổi rất nhiều.
Tôi biết ơn sâu sắc những khó khăn vì đã tạo động lực cho tôi thay đổi. Tôi biết ơn sâu sắc nhân viên, những người vẫn sát cánh cùng tôi và cả những người đã bỏ tôi đi. Tôi thực sự biết ơn một cách sâu sắc cuộc sống và tận hưởng từng phút giây tôi đang có.
Ông dự báo và kỳ vọng như thế nào cho doanh nghiệp của mình cũng như ngành F&B trong năm 2021?
Ông Hoàng Tùng: Có hai xu hướng lớn nhất và sẽ là những xu hướng dài hơn trong ngành F&B là xu hướng TRẢI NGHIỆM và TIỆN LỢI. Đây là xu hướng mà những người làm F&B có thể dựa vào và phát triển trong nhiều năm tới.
Hoặc là xây những mô hình kinh doanh có trải nghiệm xuất sắc như Starbucks, Hadilao hay Pizza 4Ps… Hoặc có thể đi theo hướng tiện lợi, tập trung vào một ngách thị trường như Pizza Home tập trung vào mảng giao hàng và một số thương hiệu F&B khác của tôi thì chỉ tập trung cho việc kinh doanh trên các FoodApps (ứng dụng giao đồ ăn như Grabfood, NowFood, Gojek hay Baemin).
Hoặc có thể xây các mô hình chuyên cho nhu cầu tiện lợi của F&B như E-Kitchen hay CloudKitchen… Đây cũng là hướng mà đội ngũ Pizza Home sẽ phát triển trong năm tới…
Cá nhân tôi tin rằng với rất nhiều khó khăn như năm 2020 mà nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi rất nhanh và doanh nghiệp của mình vẫn vượt qua được thì 2021 sẽ là bàn đạp để bước những bước đi xa hơn, dài hơn và vững chắc hơn cho tương lai.