CEO PRO Việt Nam: Lượng rác thải lớn là thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Tuy nhiên, việc xử lý, thu gom rác thải gặp nhiều rào cản.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, GDP tăng trưởng hàng năm cao nhất khu vực Đông Nam Á... Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn gặp các thách thức, một trong những thách thức lớn là lượng rác thải rất nhiều.

Thông tin được bà Thanh chia sẻ tại sự kiện FrieslandCampina Việt Nam, Trường Thịnh và Đồng Tiến hợp tác thực thi quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo bà Thanh, mỗi năm Việt Nam có khoảng 728.000 tấn rác thải bao bì đồ uống, gồm các loại như bao bì nhôm, nhựa, vỏ hộp sữa... Song, việc thu gom rác thải dù đã được triển khai từ lâu nhưng quy mô chỉ vừa và nhỏ. Ở các tỉnh, thành hiện tại, việc thu gom của các cơ quan nhà nước mới chỉ dừng lại ở thu gom, xử lý hơn là thu gom, tái chế. Thu gom, tái chế nằm ở khối tư nhân nhưng chưa có đầu tư về công nghệ, hạn chế về hiệu quả.

Để thu gom, tái chế hiệu quả, bà Thanh cho rằng việc phân loại rác tại nguồn phải được triển khai. Theo quy định mới từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 2025. Khi điều này được thực thi, nguồn nguyên liệu cho tái chế sẽ tốt hơn và việc triển khai quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam cũng hiệu quả hơn.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Trung bình mỗi ngày có hơn 120.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn lãnh thổ và lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị lớn tăng 16%/năm.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường phổ biến trên thế giới và được đánh giá là công cụ rất hiệu quả trong quản lý rác thải. Trong đó, các nhà sản xuất và nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Vì thế, EPR được xem là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Chính sách này đã được thực hành ở nhiều quốc gia châu Âu và đem lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như là một quy định bắt buộc, bằng việc thể chế hóa trách nhiệm này của nhà sản xuất/nhập khẩu tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và được cụ thể hóa trong Nghị định 08/2022 của Chính phủ.

Để theo đuổi EPR, Liên minh Bao bì Tái chế Việt Nam (PRO Việt Nam) đã được thành lập từ năm 2019 gồm 9 thành viên sáng lập và đến nay có 22 thành viên. Mục tiêu đến năm 2030 có thể thu gom, tái chế 100% bao bì mà các thành viên đưa ra thị trường. Hiện tại, 95% bao bì của FrieslandCampina Việt Nam (thành viên của Liên minh) đã là bao bì có khả năng tái chế. Trong đó, bao bì giấy nâu sữa Cô Gái Hà Lan có nguồn gốc từ bã mía ra mắt thị trường vào giữa năm 2022.

Kim Ngọc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ceo-pro-viet-nam-luong-rac-thai-lon-la-thach-thuc-cho-tang-truong-cua-viet-nam-d203078.html