CEO Rolex: 'Đừng đầu tư đồng hồ'
Trong khi nhiều nhà sưu tầm coi đồng hồ là một khoản đầu tư sinh lời, CEO thương hiệu Rolex lại phản đối quan điểm này.
Đồng hồ xa xỉ từ lâu đã được coi là một loại tài sản quý, một khoản đầu tư sinh lời. Giá cả của các cỗ máy thời gian Rolex, Patek Philippe và Cartier cũng lên xuống như vàng, cổ phiếu hay bất động sản.
Tuy nhiên, Jean-Frédéric Dufour, Giám đốc điều hành của thương hiệu đồng hồ xa xỉ Rolex, lại không coi đồng hồ là một khoản đầu tư, theo Fortune.
So sánh đồng hồ với cổ phiếu
“Tôi không thích việc mọi người so sánh đồng hồ với cổ phiếu. Phép so sánh này truyền tải thông điệp sai lầm đến người dùng”, Jean-Frédéric Dufour chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Lãnh đạo của Rolex mong muốn khách hàng nhìn nhận những món phụ kiện cổ tay như một sản phẩm, thực sự sử dụng chúng thay vì mua về chỉ để cất tủ và bán lại.
Theo Boston Consulting Group, đồng hồ được coi là một khoản đầu tư vì sự thay đổi giá theo thời gian. Trong đại dịch Covid-19, người tiêu dùng không có cơ hội chi tiêu nhiều. Họ ở nhà và mua sắm đồng hồ trực tuyến, đẩy giá thành các cỗ máy thời gian lên cao.
Trong một số thời điểm, sự tăng giá của đồng hồ được đánh giá ngang ngửa với thị trường chứng khoán.
Theo Callum Patrick, người đồng sáng lập Chronofinder, một nhà bán lẻ đồng hồ xa xỉ, khi khách hàng mua những món phụ kiện cổ tay đắt tiền, họ thường coi đó là một khoản đầu tư. Những khoản đầu tư đồng hồ sinh lời là một phần thưởng đối với người chơi.
Callum Patrick cho rằng những chiếc đồng hồ cao cấp được chế tác kỳ công, có thể tồn tại lâu dài.
“Chúng tôi có những mẫu bán chạy từ ngày này qua ngày khác. Một số mẫu khác yêu cầu khách hàng phải chờ đợi để sở hữu, chỉ có thể mua lại tại thị trường thứ cấp. Cả 2 dòng sản phẩm này đều thu hút sự chú ý của các nhà sưu tầm", Patrick nói.
Thị trường đồng hồ thứ cấp biến động
Ý kiến của ông Dufour được đưa ra trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Lãi suất cao gia tăng nỗi lo cho người mua hàng.
Sự sụt giảm giá thành của các dòng đồng hồ Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet diễn ra sau đại dịch Covid-19, khiến các nhà đầu tư ái ngại.
Theo tổ chức Subdial (London, Anh), giá đồng hồ qua tay giảm 40% trong 2 năm qua. Sau sự bùng nổ về nhu cầu trao đổi phụ kiện cổ tay cũ, Rolex bắt đầu cấp giấy chứng nhận về tính xác thực cho tất cả sản phẩm vào năm 2022.
Bất chấp sự suy thoái diễn ra trên quy mô toàn ngành, Rolex vẫn được coi là ông lớn trong lĩnh vực. Theo thống kê do ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và công ty LuxeConsult công bố hồi tháng 2, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đạt doanh thu kỷ lục 11,5 tỷ USD vào năm 2023, tăng 11% so với năm trước.
Tuy nhiên, Rolex cũng gặp khó khăn trong năm nay. CEO Dufour cho biết rằng 2024 là năm thách thức với doanh nghiệp vì chi phí đầu vào tăng cao.
“Khi thị trường suy yếu như hiện nay, các nhà bán lẻ chịu áp lực giảm giá. Tuy nhiên, hành động này có thể làm giảm giá trị về mặt cảm xúc của những cỗ máy thời gian Rolex”, ông Dufour nói.
Ngoài ra, CEO Rolex cũng khẳng định thương hiệu uy tín này vẫn nằm trong tâm trí khách hàng dù thị trường biến động. Thực tế, giá bán lại của đồng hồ Rolex không giảm.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ceo-rolex-dung-dau-tu-dong-ho-post1471417.html