CEO Sacombank: Đã đấu giá xử lý hơn 9.700 tỷ nợ xấu sau 5 tháng
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, kế hoạch xử lý nợ xấu năm nay của ngân hàng là 11.000 tỷ, nhưng sau 5 tháng doanh số đấu giá thành công đã là 9.700 tỷ.
Số liệu được nữ tổng giám đốc Sacombank chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông ngân hàng diễn ra sáng nay (5/6).
Cụ thể, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, năm 2020, Sacombank dự kiến xử lý và thu hồi 11.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua hoạt động bán đấu giá nợ và tài sản đảm bảo đi kèm nợ.
Từ đầu năm, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới nhiều đối tác đấu giá gặp khó khăn nhưng doanh số đấu giá thành công sau 5 tháng của ngân hàng vẫn đạt trên 9.700 tỷ.
Trong đó, số thực thu bằng tiền mặt về là 1.800 tỷ, số dư còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, dự kiến hoàn tất từ nay đến cuối năm.
“Với doanh số xử lý này, còn tới 7 tháng để triển khai, nên con số kế hoạch xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu dự kiến vượt xa”, bà Diễm khẳng định.
Trong năm 2019, ngân hàng này cũng đã thu hồi và xử lý 18.400 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (số nợ thuộc đề án tái cơ cấu là 12.409 tỷ). Lũy kế 3 năm gần nhất, ngân hàng đã thu hồi và xử lý 38.346 tỷ đồng các khoản nợ thuộc đề án.
Các chỉ tiêu tài chính trong năm 2019 từ tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng trưởng 2 chữ số.
Trong đó, tổng tài sản ngân hàng đạt 453.581 tỷ, tăng 11,7%. Chỉ tiêu tổng nguồn vốn huy động 414.185 tỷ, tăng 11,9%. Trong đó huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân là 410.334 tỷ, tăng 14,8%.
Tổng dư nợ tín dụng 296.457 tỷ đồng, tăng 15,3%, tương đương hạn mức tăng trưởng được NHNN cho phép.
Với các chỉ tiêu tài chính nói trên, Sacombank thu về 3.217 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 43%; lợi nhuận sau khi trừ thuế 2.455 tỷ, tăng 37%.
Trong năm nay, CEO Sacombank cho biết, dự kiến tổng tài sản ngân hàng đến cuối năm đạt 498.400 tỷ, tăng 10%. Các chỉ tiêu tài chính như tổng nguồn vốn huy động; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư và dư nợ tín dụng tăng trên 10%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ngân hàng dự kiến giảm 20%, về mức 2.573 tỷ đồng.
Chia sẻ lý do phải đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019, bà Diễm cho biết, hiện nay ngân hàng đã ghi nhận 25.000 tỷ đồng dư nợ khách hàng đề nghị được cơ cấu, miễn giảm lãi vay.
“Với phần dự nợ này, nếu giảm 1-2% lãi suất thì lợi nhuận của ngân hàng cũng đã giảm đáng kể. Ngoài ra, toàn bộ phần nợ này không được trích vào phần lãi dự thu và phải trích vào phần thoái thu”, bà Diễm thông tin.
Tuy vậy, vị lãnh đạo ngân hàng cũng nhấn mạnh, dù đặt kế hoạch lợi nhuận giảm nhưng ban lãnh đạo sẽ phấn đấu để lợi nhuận cả năm tương đương 2019, trong trường hợp dịch được kiểm soát tốt.
Trong 5 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu huy động vốn và cho vay của ngân hàng đã tăng lần lượt 5% và 4,8%. Trong đó, số trích lập dự phòng đến nay là 1.700 tỷ, và lợi nhuận thu về đạt 1.776 tỷ đồng, tương đương đã hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm theo kế hoạch.
Tại đại hội cổ đông lần này, nhiều cổ đông ngân hàng đã chất vấn HĐQT về việc không chia cổ tức 3 năm và năm nay tiếp tục không chia cổ tức.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, theo đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập lộ trình đến năm 2025, ngân hàng chỉ được chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được NHNN chấp thuận.
Trong năm vừa qua, HĐQT đã kiến nghị với NHNN chấp thuận phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông bằng phần lợi nhuận giữ lại nhiều năm trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đến nay NHNN vẫn chưa có phản hồi.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịc HĐQT cho biết, phần lợi nhuận tích lũy của Sacombank đến nay đã đạt trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì ngân hàng là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện nên mọi việc đều phải xin ý kiến của cơ quan quản lý.
Vị chủ tịch cũng cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị NHNN cho phép chia cổ tức trong thời gian tới nhưng vẫn đảm bảo phần trích lập dự phòng cũng như an toàn các chỉ số tài chính để đảm bảo lợi ích cổ đông.