CH-53K King Stallion: Trực thăng vận tải hạng nặng hiện đại cho Thủy quân Lục chiến Mỹ
CH-53K là trực thăng hạng nặng, có sức tải trọng hàng hóa cao, được tích hợp điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, sẽ trở thành phương tiện vận tải chủ lực cho Thủy quân Lục chiến Mỹ trong thời gian tới.
Hiện nay, trực thăng vận tải hạng nặng Sikorsky CH-53E Super Stallion đang hoạt động trong biên chế Thủy quân Lục chiến Mỹ và một số quốc gia đối tác. Trong kế hoạch nhằm thay thế trực thăng lỗi thời này, chiếc CH-53K King Stallion mới đã được tạo ra bởi hãng Sikorsky Aircraft.
Đến nay, nhà phát triển đã cố gắng khởi động quá trình sản xuất hàng loạt và nhận được những hợp đồng đầu tiên. Việc bàn các giao máy CH-53K King Stallion thành phẩm cho khách hàng sẽ bắt đầu trong năm 2021.
Phương án thay thế cho CH-53E
Máy bay trực thăng CH-53E đi vào hoạt động vào đầu những năm 1980. Nhằm phục vụ nhiệm vụ cho Thủy quân lục chiến và Hải quân Hoa Kỳ, ước chừng có 180 chiếc đã được chế tạo. Hầu hết các trực thăng CH-53E hiện vẫn đang hoạt động và tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên việc vận hành gặp khó khăn do thiếu phụ tùng và quá lỗi thời.
Đầu những năm 2000, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã đưa ra đề xuất mở rộng nguồn tài nguyên và hiện đại hóa CH-53E. Tuy nhiên, vì một số lý do, các kế hoạch đó đã không được thực hiện.
Giữa những năm 2000, công ty Sikorsky (nay là một phần của Lockheed Martin) đã cung cấp cho Thủy quân lục chiến một phiên bản trực thăng hiện đại hóa sâu sắc, với số hiệu CH-53X. Dự án đề xuất chế tạo dòng máy bay trực thăng mới, với một số thay đổi lớn về thiết kế và thành phần trang bị.
Mùa xuân năm 2006, Lầu Năm Góc đã trao cho Sikorsky một đơn đặt hàng thiết kế và chế tạo máy bay trực thăng. Phiên bản mới nhận được định danh chính thức là CH-53K, và sau đó nó được đặt tên là King Stallion. Theo hợp đồng, các chuyến bay thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2011 và đến giữa thập kỷ này, kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt. Cho đến năm 2021, Sikorsky được cho là sẽ chế tạo 156 máy bay trực thăng mới, với tổng chi phí 18,8 tỷ USD.
Năm 2007, các điều khoản của hợp đồng đã được sửa đổi. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ yêu cầu chế tạo 227 máy bay trực thăng. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, việc phát triển dự án gặp khó khăn về kỹ thuật và bị chậm tiến độ. Trong đó có việc chỉ có thể chế tạo máy bay trực thăng được trang bị đầy đủ cho các cuộc thử nghiệm trên mặt đất cuối năm 2012. Và các chuyến bay đầu tiên đã bị hoãn lại đến năm 2015- 2016. Ngoài ra, chi phí ước tính của việc xây dựng tiếp theo đã thay đổi, và đơn đặt hàng đã được giảm bớt.
Theo đó, các cuộc thử nghiệm trên mặt đất của chiếc CH-53K đầu tiên bắt đầu vào tháng 1/2014. Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 27/10/2015. Hai năm rưỡi tiếp theo được dành cho việc thử nghiệm đa năng trước khi bàn giao cho khách hàng. Song song với việc này, 3 phương tiện thử nghiệm khác đã được chế tạo.
Vào tháng 5/2018, trực thăng King Stallion đầu tiên xuất hiện tại một đơn vị của Thủy quân Lục chiến Mỹ để vận hành thử nghiệm. Ở giai đoạn này, dự án lại gặp phải sự cố kỹ thuật, khiến những lần thử nghiệm tiếp theo buộc phải hoãn lại.
Đặc điểm kỹ thuật mới
Sự chậm trễ trong công việc, cũng như việc tồn đọng so với tiến độ ban đầu, cùng việc gia tăng chi phí dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh nghiêm túc dự án ban đầu và thực hiện một số giải pháp phù hợp. Việc nâng cấp lên CH-53K đã ảnh hưởng đến tất cả các thành phần quan trọng của trực thăng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm và tinh chỉnh, nhưng giúp nó có được các đặc điểm kĩ thuật cần thiết.
Trực thăng CH-53K đã trải qua bản sửa đổi đáng chú ý. Phần thân chính của nó được mở rộng để gia tăng kích thước. Thủy quân Lục chiến yêu cầu trực thăng mới phải chuyên chở được xe chiến đấu đa dụng HMMWV (High Mobility Multipurpose Wheeled).
Theo đó, chiều rộng của cabin trực thăng được tăng hơn 0,3m, khối lượng tăng thêm 15%. Các tấm đỡ mới đã được phát triển, với chiều rộng giảm, do đó bù lại sự gia tăng đường kính thân và giảm kích thước tổng thể của trực thăng. Một số bộ phận kim loại của khung máy bay đã được thay thế bằng các chất composite nhẹ hơn.
Tổ máy phát điện của CH-53K đã được thiết kế lại hoàn toàn. Trực thăng nhận được 3 động cơ trục cánh quạt General Electric T408, với công suất tối đa 7.500 mã lực. Một hộp số mới và một trung tâm rotor cải tiến đã được phát triển, để phù hợp với sức mạnh tăng lên của động cơ. Trong khi đó các cánh quạt được làm bằng composite mới. Đuôi cánh quạt và bộ truyền động của nó cũng đã được sửa đổi.
Lần đầu tiên trong gia đình CH-53 xuất hiện buồng lái bằng kính, hiển thị mọi thông tin trên màn hình đa chức năng. Hệ thống dây điều khiển cũ đã được thay thế bằng hệ thống biến áp điện đặc biệt flyback. Do hệ thống điều khiển và giám sát tự động, phi hành đoàn đã giảm xuống còn 4 người.
Trực thăng CH-53K mới nhận được một hệ thống tự chẩn đoán hiện đại, được vay mượn từ các dự án công nghệ thương mại. Hệ thống giám sát tình trạng của các thành phần và cụm lắp ráp, đồng thời cũng truyền dữ liệu đến tổ hợp dịch vụ mặt đất. Ngoài ra, các thành phần ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng đưa ra dự đoán và đưa ra các khuyến nghị trong quá trình hoạt động. Tất cả điều này giúp trực thăng đơn giản hóa và giảm chi phí hoạt động.
Theo kết quả của dự án hiện đại hóa này, kích thước tổng thể của trực thăng CH-53K vẫn được giữ nguyên, mặc dù chiều cao bãi đậu tăng từ 8,46 lên 8,66m, trọng lượng cất cánh tối đa đã tăng lên 39,9 tấn, so với 33,3 tấn của CH-53E.
Các ghế ngồi được thiết kế mới, dành cho 30 người được lắp đặt trong phần thân chính. CH-53K có thể tải được 24 thương binh nằm trên cáng. Thân máy bay đủ rộng, cho phép vận chuyển khối lượng hàng hóa tối đa lên đến 15,9 tấn. Đồng thời, có thể chuyển đổi trực thăng thành máy bay chở dầu; đối với điều này, một hệ thống tiếp nhiên liệu chiến thuật với 3 thùng chứa được lắp đặt trong khoang hàng hóa. Tải trọng tối đa trên dây treo chính bên ngoài là 16,3 tấn. Các điểm treo bổ sung bên ngoài cho phép tải trọng lên đến 11,4 tấn.
CH-53K khác với dòng tiền nhiệm CH-53E ở các đặc tính bay. Tốc độ tối đa của trực thăng mới được gia tăng từ 280 lên 310 km/h. Bán kính chiến đấu với tải trọng định mức 12,25 tấn là 200 km. Trực thăng có khả năng tiếp nhiên liệu trong hành trình bay, để tăng phạm vi hoạt động.
Hợp đồng cung cấp đầy triển vọng
Công ty Sikorsky đã nhận được hợp đồng đầu tiên sản xuất và cung cấp hàng loạt trực thăng CH-53K King Stallion vào năm 2006. Sau đó, các điều khoản đã được sửa đổi nhiều lần. Hợp đồng có hiệu lực hiện nay là gói cung cấp 200 trực thăng CH-53K, với tổng giá trị 23,18 tỷ USD.
Hợp đồng bao gồm việc chế tạo, thử nghiệm, chuyển giao cho Thủy quân Lục chiến Mỹ và cung cấp dịch vụ đào tạo cho các phi công. Cùng với các máy bay trực thăng, nhà chế tạo đan lên kế hoạch cung cấp các tổ hợp huấn luyện. Các sản phẩm đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng năm 2020.
Theo kế hoạch hiện tại của Lầu Năm Góc, chậm nhất vào tháng 9/2021, Thủy quân Lục chiến sẽ nhận tiếp các trực thăng CH-53K. Trong tương lai, tốc độ sản xuất sẽ được tăng lên, và tới năm 2023-24, việc trang bị lại phi đội trực thăng mới sẽ được hoàn thành.
Việc sản xuất CH-53K sẽ tiếp tục cho đến cuối những năm của thập kỷ 2020. Theo đó, 8 phi đội chiến đấu, một phi đội huấn luyện và một phi đội dự bị sẽ được hiện đại hóa, thay cho các đơn vị CH-53E lỗi thời hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, kể từ cuối những năm 1960, Không quân Israel đã vận hành máy bay trực thăng CH-53D Yasur và thường xuyên tiến hành sửa chữa và nâng cấp. Năm 2009, Bộ Quốc phòng Israel tỏ ra quan tâm đến dự án CH-53K và sẵn sàng mua các thiết bị này, sau khi hoàn thành quá trình phát triển và thử nghiệm.
Cách đây không lâu, Israel đã nghiên cứu các đề nghị có sẵn và chọn dòng King Stallion mới để mua. Tháng 2/2021, một thông báo cho biết quyết định mua trực thăng này đã được đưa ra và một hợp đồng sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Bộ Quốc phòng Israel có thể mua 20-25 máy bay trực thăng CH-53K, nhằm thay thế hoàn toàn dòng CH-53DYasur hiện có.
Trong khi đó, đầu năm 2018, quân đội Đức đã công bố ý định thay thế trực thăng CH-53G bằng một máy bay trực thăng hạng nặng mới, trong kế hoạch mua ít nhất 40 chiếc, với tổng chi phí khoảng 4 tỷ Euro. Trong những năm tiếp theo, lực lượng Bundeswehr đã nghiên cứu các đề xuất từ các nhà cung cấp tiềm năng, bao gồm cả Sikorsky/Lockheed Martin.
Vào tháng 9/2020, quân đội Đức tuyên bố kết thúc khảo sát, do quá phức tạp và chi phí cao. Bundeswehr sau đó lên kế hoạch sửa đổi các điều kiện và tổ chức một cuộc đấu thầu mới. Khả năng cao trực thăng CH-53K của Sikorsky sẽ tham gia vào đợt đấu thầu này.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến CH-53K. Tuy nhiên, cho đến nay, không có nhiều thông tin về các cuộc đàm phán hay các hợp đồng cung cấp được ký kết. Theo các chuyên gia, tình hình sẽ thay đổi trong tương lai, và có nhiều khả năng công ty Sikorsky/Lockheed-Martin sẽ bắt đầu chế tạo máy bay trực thăng mới không chỉ cho Mỹ và Israel.
Dòng máy bay trực thăng CH-53, mặc dù đã có tuổi đời đáng kể, vẫn có được nhiều tiềm năng cho quá trình hiện đại hóa. Theo đó, dự án CH-53K King Stallion mới sẽ đảm bảo việc thay thế các đơn vị vận tải chủ lực và cho phép gia tăng hiệu suất hoạt động, cũng như kéo dài thời gian sử dụng.
Thủy quân Lục chiến Mỹ và Quân đội Israel đã vận hành trực thăng Sikorsky CH-53G/E trong vài thập kỷ qua. Hiện họ đang có kế hoạch trang bị lại cho các đơn vị trực thăng bằng CH-53K King Stallion hiện đại. CH-53K sẽ là chiếc trực thăng nặng nhất và có sức chở hàng hóa cao nhất, thích hợp để hoạt động trên các tàu chiến. Chúng chắc chắn sẽ có thể phục vụ trong vài thập kỷ nữa trong biên chế quân đội Mỹ và các nước đối tác.