CH Séc và Thụy Điển thảo luận các ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Một trong những mục tiêu chính nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Séc, vào nửa cuối năm 2022, có thể là hội nghị thượng đỉnh của EU với Tây Balkan.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 9/9, hãng thông tấn ČTK dẫn phát biểu sau cuộc hội đàm ở Praha cho biết Bộ trưởng Ngoại giao CH Séc Jakub Kulhánek đã nhất trí với người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde về ưu tiên trong việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU) bao gồm các nước Tây Balkan.
Ông Kulhánek nói: "Chúng ta phải nhận ra rằng Liên minh Châu Âu đã hứa hẹn với các nước này một viễn cảnh Châu Âu trong nhiều năm và chưa thực hiện được những lời hứa đó"
Theo ông, quá trình mở rộng sẽ mất thời gian, nhưng cần phải gửi một tín hiệu rõ ràng rằng các quốc gia được đề cập đã lên kế hoạch. Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các quốc gia Tây Balkan mà còn cho toàn bộ EU, và sẽ giúp chống lại di cư bất hợp pháp một cách hiệu quả.
Một trong những mục tiêu chính nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Séc, vào nửa cuối năm 2022, có thể là hội nghị thượng đỉnh của EU với Tây Balkan. Bộ trưởng Kulhánek đã nhiều lần đề cập rằng ông muốn ấn định một ngày cụ thể cho việc gia nhập EU trong hội nghị thượng đỉnh đối với Serbia, Albania và Bắc Macedonia.
Trong khi đó, Thụy Điển sẽ giữ chức Chủ tịch EU tiếp sau CH Séc. Ngoại trưởng Thụy Điển Linde nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, Tây Balkan có tầm quan trọng hàng đầu." Albania và Bắc Macedonia đã hoàn thành các điều kiện cần thiết để bắt đầu đàm phán và bà cho rằng tiến trình này nên bắt đầu ngay lập tức.
CH Séc và Thụy Điển chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thụy Điển là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 14 của CH Séc, với hiện có 180 công ty Thụy Điển đang hoạt động tại quốc gia Đông Âu này và tạo ra 12.000 việc làm.
Tại trụ sở Bộ ngoại giao CH Séc, trước cuộc gặp song phương, hai bộ trưởng cũng đã tham dự khai mạc Diễn đàn Kinh tế và Môi trường của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) với chủ đề thúc đẩy an ninh, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực bằng cách tăng cường vị thế kinh tế của phụ nữ.
OSCE được thành lập năm 1995 qua Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu (cũng là Hội nghị Helsinki) và là tổ chức quốc tế lớn nhất tập trung vào các vấn đề an ninh. Các thành viên bao gồm các quốc gia từ Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Diễn đàn Kinh tế và Môi trường là một trong những sự kiện của OSCE./.