Cha con

Nghỉ hè năm nay, giáo viên trường tôi được Công đoàn tổ chức đi nghỉ mát 4 ngày ở Đà Lạt.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Phố núi cao, phố núi đầy sương. Tôi lang thang một mình trên những con đường hoa cỏ xanh tươi, lung linh sương mai trong nắng sớm. Phải chi Hiếu của tôi không có việc phải về quê thì giờ này, hai đứa rong ruổi, biết bao hạnh phúc. Ngày mai phải về rồi, ghé qua chợ mua chút quà cho em thôi.

Vừa bước vào cổng chợ, tôi gặp một thằng bé độ chừng trên dưới 11 tuổi. Dạy học bao năm, tôi tin vào khả năng đoán tuổi khá chính xác của mình. Cũng không phải tự nhiên mà tôi chú ý nhiều đến nó. Con nít chừng ấy tuổi ăn mặc rách rưới, còm cõi, bán vé số, lượm bọc mủ,... Thằng bé này có cái gì đó khiến tôi thương cảm đến nao lòng. Đôi mắt sáng với cái nhìn biết nói đầy vẻ u buồn, bộ quần áo sờn rách mấy chỗ nhưng có vẻ sạch sẽ; nó đứng nép bên góc hiên, tay cầm bó bông với những hoa nhỏ li ti màu tím. Trông nó như một thi sĩ đang thả hồn tìm ý thơ, chẳng chút nào giống một đứa trẻ bán hoa.

- Hoa này có bán không chú bé?

Tôi hỏi khẽ nhưng cũng đủ làm thằng bé giật mình. Nó mở to đôi mắt dễ thương nhìn tôi, hai tròng đen lấp lánh niềm vui.

- Dạ có ạ!

- Hoa này tên là gì hở cháu?

- Dạ đây là hoa Salem. Nó lâu tàn mà còn biến đổi màu nữa đó chú.

Tôi đỡ lấy bó hoa, nhìn nó kỹ hơn rồi hỏi:

- Trời lạnh quá, sao cháu ăn mặc phong phanh thế này, bị cảm đó. Ba mẹ cháu đâu mà không nhắc nhở?

Thằng bé quay mặt về phía khác, không nhìn tôi. Niềm vui vừa ánh lên trong mắt nó vụt tan biến.

- Chú hỏi để làm gì? Cháu cũng chỉ có bộ quần áo này thôi.

- À...

Tôi bối rối không biết nói sao. Để làm gì? Tôi chỉ là một khách qua đường xa lạ.

- Chú thấy cháu… giống đứa cháu ở nhà, chú nhớ… nên mới hỏi. Bây giờ, chú mua hết chỗ hoa này giúp cháu. Thế nhé, tiền của cháu đây, xem có đủ không?

Tôi đưa tờ hai mươi ngàn cho thằng bé. Nó cầm tờ giấy bạc, ngỡ ngàng nhìn tôi:

- Chừng ấy hoa cháu chỉ bán có bốn hay năm ngàn thôi chú. Chú...

- Chú cho cháu thêm để ăn bánh, được chứ?

Tôi nheo mắt cười thân thiện. Thằng bé chớp chớp mắt cảm động, mân mê tờ giấy bạc trên tay.

- Cháu đã ăn gì chưa? Sáng giờ chú chưa có gì vô bụng, kiến bò lung tung trong bao tử rồi nè. Hai chú cháu mình đi ăn sáng, cháu làm hướng dẫn viên giúp chú nhe.

Thằng bé lắc đầu nhè nhẹ nhưng vẫn bước đi khi tôi dắt tay. Bên tô phở ngon lành bốc khói, thằng bé lộ hết sự thòm thèm của trẻ con trước món ăn ngon trong ánh mắt nhưng nó lại cúi mặt xuống, cố ghìm nén một cách đáng phục. Hẳn lâu lắm rồi nó chưa được ăn ngon như thế. Tôi ăn chầm chậm, nhìn thằng bé húp cạn nước súp trong tô… bồi hồi nhớ về những năm tháng khốn khó của mình.

- Bây giờ mình chính thức làm quen nhé. Chú tên Thương, là thầy giáo ở Long An ra đây chơi trong dịp nghỉ hè. Cháu kể cho chú nghe về mình đi!

Tôi đề nghị sau khi thằng bé uống hết ly sữa nóng.

Nó im lặng, chần chừ đắn đo thật lâu mới nói:

- Cháu không có ba mẹ.

- Cháu nói thiệt hả?

Thằng bé gật đầu, rưng rưng nước mắt.

- Ba cháu chết năm cháu học lớp ba. Mẹ cháu lấy chồng bỏ đi xứ khác cả năm nay. Ông chồng không cho mẹ dẫn cháu theo.

- Trời đất! Rồi cháu ở đâu, ăn gì mà sống?

- Cháu mua hoa chịu của một người quen với ba cháu trước đây, đem bán rồi trả vốn kiếm lời.

- Thế lỡ không bán được hoa thì làm sao?

- Thì cháu nợ người ta rồi nhịn đói. Tối cháu ngủ nhờ ở lò bánh mì. Ở đó ấm, lâu lâu người ta cho cháu bánh hư, ăn cũng ngon như bánh nguyên vậy.

- Cháu không có ai là bà con thân thuộc gì sao?

Thằng bé lắc đầu. Cái lắc đầu nặng trĩu u buồn, cam chịu. Lòng tôi như mềm đi trong niềm thương cảm xót xa. Biết giúp nó thế nào đây? Mua cho nó bộ đồ, cho nó chút tiền,… hay đem nó về nuôi? Ý nghĩ lóe qua đầu khiến trái tim tôi run lên lỗi nhịp.

- Cảm ơn chú đã cho cháu ăn uống. Cháu đi...

- Cháu... này, cháu tên gì?

- Cháu tên Yên. Thái Yên. Ba cháu nói tên cháu là khói mây ở chốn an bình.

- Yên này… Thế cháu có muốn… - Tôi thoáng nghĩ đến Hiếu, đến gian phòng nhỏ trong khu tập thể của mình. Thôi kệ… Tôi mỉm cười nói tiếp - Đây là địa chỉ nhà nghỉ chú ở. Nếu cháu muốn theo chú về Long An thì sáng mai đến trước tám giờ. Chú làm thầy giáo cũng nghèo nhưng chú có thể cho cháu ít chữ. Chú không đành lòng để mặc cháu rách rưới lang thang cho tới lớn. Cháu cứ suy nghĩ kỹ đi nhé. Tạm biệt cháu! - Tôi bắt tay thằng bé như thể nó là một chàng trai thực thụ.

Sáng hôm sau, hơn bảy giờ rưỡi, tất cả mọi người đã yên vị trên xe, chỉ chờ tài xế nổ máy là chuyến về bắt đầu. Thằng bé hớt hải chạy đến đúng lúc xe chuyển bánh. Những bông hoa Salem trong tay nó đong đưa theo bước chạy.

- Sao cháu đến trễ vậy?

Thằng bé cười rụt rè đưa cho tôi bó hoa, rồi sà vào lòng tôi tin cậy.

- Cháu đã suy nghĩ kỹ rồi phải không?

Thằng bé mở to mắt nhìn tôi. Trong đôi tròng đen ướt có một đốm lửa yêu thương rực cháy lung linh.

Mấy đồng nghiệp ngồi gần quay nhìn tôi với nó. Những tia nghi ngờ trong cái nhìn soi mói dò tìm. Làm điều tốt cũng không dễ dàng chút nào. Tôi choàng chiếc áo khoác của tôi lên người nó. Thằng bé đỏ mặt sung sướng khi tôi ôm nó vào lòng.

Tôi không nỡ để một thằng bé dễ thương như thế này thành kẻ bụi đời đầu đường xó chợ. Tôi cũng mồ côi cha. Nếu mẹ tôi không hy sinh tuổi xuân, ở vậy tần tảo lo cho tôi thì liệu tôi có khác gì thằng bé bây giờ.

Xe dừng lại một quán ăn ven phố nhỏ dọc đường. Tôi đưa thằng bé vào cửa hiệu bán quần áo, mua cho nó bộ đồ thể thao màu xanh đậm viền trắng. Trông nó thật đáng yêu với đôi giày bata và chiếc nón lưỡi trai trên đầu. Tôi nheo mắt nhìn nó cười hớn hở, nụ cười toát ra từ tâm hồn trong trẻo, thơ ngây hạnh phúc. Niềm vui trong lòng tôi chắc nhiều gấp mấy lần niềm vui trong lòng nó.

Hai chú cháu ngồi riêng một bàn, ăn cơm tấm. Tôi mua thêm cho nó mấy cái bánh bao và bịch kẹo trái cây để ăn trên đường về.

- Chú biết hôn, có khi cả ngày cháu phải nhịn đói. Tối cháu uống nước thật no rồi ngủ.

Tôi xoa đầu thằng bé, bùi ngùi. Từ bây giờ, cháu sẽ không còn nhịn đói, uống nước đi ngủ nữa đâu cháu ạ.

Thế nhưng... niềm vui của hai chú cháu không kéo dài được bao lâu. Chẳng biết bạn bè trong trường kháo nhau thế nào mà sáng hôm sau, khi về đến khu nhà tập thể, Hiếu hầm hầm mặt đến gặp tôi. Đôi mắt xinh đẹp của em xoe tròn như có lửa. Em ném bó hoa Salem tôi tặng lên bàn rồi bật khóc nức nở:

- Anh làm như vậy là sao? Anh nói với tôi anh chưa đủ tiền bạc để làm đám cưới. Anh muốn dành dụm thêm ít lâu để đảm bảo cuộc sống sau này, thế mà anh đem cái thứ bá vơ đầu đường xó chợ về nuôi báo cô.

- Hiếu, em bình tĩnh lại nghe anh nói. Em…

- Có thật là anh lượm đồ con hoang về nuôi không, hay nó là con ruột của anh bỏ rơi bao năm bây giờ mới tìm thấy. Tôi nói cho anh biết, hoặc anh bỏ nó hoặc là hai đứa mình chẳng còn gì để nói.

Hiếu giận dỗi đùng đùng bỏ đi như lúc đến. Tôi đứng lặng nhìn mấy cành Salem vương vãi bông tím mà buồn ngẩn ngơ. Hiếu của tôi đó sao?

Thằng bé không biết đứng sau lưng tôi tự lúc nào, thân hình co rúm, nước mắt vòng quanh má. Tôi ôm nó vào lòng vỗ về:

- Đừng khóc con trai. Ba sẽ không bao giờ bỏ rơi con đâu.

Thằng bé ôm chầm lấy tôi ghì thật chặt, úp khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt vào ngực tôi âm ấm. Một cái gì đó thật ấm áp, thật dịu ngọt lan tỏa trong trái tim làm dịu đi những xót đau vừa dấy. Không có gì phải lựa chọn. Tôi sẽ ở vậy với con trai để chờ một ngày Hiếu hiểu ra và trở lại. Tôi tin Hiếu sẽ đến với cha con tôi vào một ngày đẹp trời nào đó./.

Tuyết Mai

(Tác phẩm được công nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông
lần thứ VI-năm 2022)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cha-con-a146265.html