Cha của người đã chết trong tai nạn giao thông kêu oan cho bị cáo
Cha bị hại cho rằng bị cáo Phạm Kỳ Anh không phải người điều khiển phương tiện gây tai nạn mà là người khác.
Nguồn tin PLO cho biết: TAND tỉnh Tây Ninh dự kiến mở phiên phúc thẩm vụ bị cáo Phạm Kỳ Anh (sinh năm 1998, ngụ huyện Tân Châu) vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ vào ngày 23-7.
Đáng chú ý, vụ án có kháng cáo của cha bị hại kêu oan cho bị cáo. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, cha bị hại yêu cầu Lê Văn Long (sinh năm 2000) chứ không phải bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường vì Long mới là người gây tai nại chứ không phải là Kỳ Anh.
Hồ sơ thể hiện khoảng 15 giờ ngày 18-11-2018, tại xã Tân Hiệp, Kỳ Anh chạy xe máy chở Long đi không đúng phần đường, đụng vào xe máy của anh TPM chạy heo hướng ngược lại. Tai nạn xảy ra, anh M. tử vong tại chỗ còn Kỳ Anh và Long được mọi người đưa đi cấp cứu.
Long có đơn từ chối giám định thương tật và chi phí điều trị nên các cơ quan tố tụng không truy cứu Kỳ Anh về hành vi này.
Quá trình điều tra, bị cáo Kỳ Anh có những biểu hiện bất thường nên được tiến hành giám định tâm thần. Viện pháp y Trung ương Biên hòa xác định trước khi gây án Kỳ Anh đủ năng lực, nhận thức nhưng hiện nay thì bị hạn chế.
Cạnh đó, Kỳ Anh không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho là chính anh Long là người điều khiển xe gây ra tại nạn.
Còn Long, hồ sơ có hai lần khai sau khi nhậu thì chở bị cáo Anh về công ty nhưng không nhớ đường nào. Sau vụ tai nạn, Long bất tỉnh nên không nhớ. Sau đó, Long khai sau tai nạn cho đến nay không nhớ gì.
Quá trình thụ lý giải quyết, TAND huyện Tân Châu nhận thấy xuất hiện nhiều tình mới, lời khai nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, VKS cùng cấp từ chối yêu cầu của tòa và hoàn lại hồ sơ.
Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư cho rằng Kỳ Anh không biết chạy xe tay ga. Quá trình điều tra, Long khai là người điều khiển xe và trong tin nhắn Facebook gửi bạn gái thừa nhận mình là người gây tai nạn…
Xử sơ thẩm, TAND huyện nhận định lời khai của nhân chứng phù hợp với hồ sơ đủ cơ sở xác định Kỳ Anh là người điều khiển xe máy gây ra tai nạn. Riêng việc xác định hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện thì đây là trường hợp Long và cả Kỳ Anh đã làm sử dụng chất kích thích (uống rượu) không làm chủ hành vi. Vì vậy không xác định được ý thức chủ quan của người giao xe nên hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội.
Từ đó, tòa tuyên phạt Kỳ Anh ba năm tù và buộc bồi thường 202 triệu đồng cho gia đình bị hại, cấo dưỡng nuôi hai trẻ. Trong quyết định về phần dân sự tòa cũng ghi nhận việc Long không yêu cầu trả lại 31 triệu đã hồ trợ cho bị hại.
Sau đó, bị cáo Anh kháng cáo kêu oan. Đại diện gia đình bị hại có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Cha bị hại cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều chứng cứ thể hiện Long là người chạy xe gây tai nạn.
Ngoài việc xác định không đúng người phạm tội, việc xét xử có dấu hiệu làm oan người vô tội thì quá trình điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể là buộc tội bị cáo theo lời khai của các nhân chứng nhưng không có người nào trực tiếp chứng kiến.
Sau khi vụ án xảy ra, gia đình anh Long nhiều lần đem tiền đến bồi thường và yêu cầu viết đơn bãi nại nhưng không được đồng ý. Việc này càng tạo thêm nghi vấn Long mới là người gây tai nạn.