'Cha đẻ' của 7 di sản văn hóa thế giới

Với những người say mê kiến trúc, đến Tây Ban Nha là phải đến Barcelona - nơi lưu giữ đậm nét những công trình kiến trúc tiêu biểu của kiến trúc sư lừng danh thế giới Antoni Gaudi - người có 7 công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kiến trúc sư Gaudi.

Tài năng và đam mê kiến trúc

Sinh ngày 25/6/1852, người con của xứ Catalan từ nhỏ đã khác người, ít chơi với bạn bè đồng trang lứa mà có một thế giới của riêng mình và đắm chìm trong đó. Antoni Gaudi say sưa với những nét đẹp của tự nhiên, chiêm ngưỡng những dáng hình của cỏ cây, hoa lá, cấu trúc xương của các loài động vật... để sau này dựa vào những thiết kế thần kỳ của thiên nhiên ấy mà sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm kiến trúc độc đáo và ấn tượng của riêng mình.

Say mê hội họa, kiến trúc từ nhỏ, Gaudi đã theo học đại học ngành kiến trúc tại trường Kiến trúc Barcelona. Khi trao cho ông tấm bằng tốt nghiệp, ông Elies Rogent, khi đó là hiệu trưởng của trường đã nói: “Chúng ta trao bằng này cho một người hoặc là một thiên tài, hoặc là một kẻ ngốc. Thời gian sẽ trả lời”. Ông Rogent đã không phải đợi lâu để được tận mắt chứng kiến những không gian nghệ thuật lãng mạn, ấn tượng tới mức không tưởng của Gaudi.

Không giống như nhiều kiến trúc sư khác đi tìm vẻ đẹp trong sự hài hòa cân đối tới tuyệt mỹ từ những phong cách kiến trúc kinh điển của châu Âu, các công trình của Gaudi nổi bật về những điểm không giống ai. Đó có thể là mặt tiền bị “bóp méo”, chi tiết cách điệu trên các ô cửa sổ, ban công hoa sắt uốn tỉ mỉ, ống khói hình cây nấm, các vòm cuốn không cột trụ, những chi tiết đắp nổi kì dị, những đường lượn xoáy ốc, lồi lõm, cao thấp tự do, mô phỏng như hang động tự nhiên. Có thể nói những thiết kế không theo tỉ lệ kiến trúc qui chuẩn thông thường, cách phối hợp màu sắc táo bạo và sặc sỡ, sự tương phản mạnh mẽ giữa các hình khối đã tạo nên những tác phẩm kiến trúc đặc sắc mang dấu ấn riêng chỉ mình Gaudi có được.

Những kiệt tác nghệ thuật

Có thể nói, các công trình của Gaudi đã thu hút rất nhiều người trên thế giới đến với thành phố Bacelona. Có tới 7 công trình của ông được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong đó phải kể đến là “công viên điên rồ” Guell. Một tổng thể kiến trúc tưởng chừng như điên rồ nhưng đầy sáng tạo, nơi đây cho chúng ta một cái nhìn lạ thường, như đi vào một nơi không có thực. Hãy ngồi và chiêm ngưỡng những băng ghế dài được lát bằng những mảnh sứ nhỏ đầy màu sắc. Nhìn những băng ghế này, có người liên tưởng tới những dải lụa uốn khúc, song có người lại tưởng tượng đó là một con rồng biển đang cuộn mình.

Công viên Guell ở Barcelona.

Trong khi đó tòa nhà “Casa Batlló”, công trình được mệnh danh là “ngôi nhà của những khúc xương” bởi những hình thù kì quái mà mặt tiền ngôi nhà tạo ra. Có người coi những ô cửa sổ và ban công ngôi nhà giống như những đôi mắt đang dõi theo khách bộ hành. Ai đó lại xem Casa Batllo như một con rồng vảy rực rỡ.

Không nhiều màu sắc như Casa Batlló, nhưng tòa nhà xù xì “Casa Milà” cũng rất ấn tượng nhờ những đường nét uốn lượn và ban công độc đáo với những lan can sắt đủ hình dạng khác nhau. Thú vị nhất ở ngôi nhà này là những ống khói xù xì với những hình thù lạ mắt. Đến thăm những ngôi nhà của Gaudi thiết kế, người ta có cảm giác như được lạc vào một thế giới huyền ảo của những giấc mơ, nơi ấy những câu chuyện cổ tích trở thành hiện thực, những ý tưởng điên rồ nhất cũng hình thành, nơi những chú rồng hư ảo hiện ra và chúng ta được bao bọc bởi những dáng hình muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên kì thú.

Tòa nhà Casa Batlló.

Hay “Bellesguard” - còn được gọi là “tòa nhà của lòng yêu nước”. Công trình được xây dựng trên những tàn tích thế kỷ 15. Trước kia, đây là nơi cư trú của vị vua cuối cùng vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Cấu trúc tòa nhà được xây dựng theo phong cách tân Gothic. Bellesguard nằm trên núi Collserola, lên tới đây ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố Barcelona.

Và đặc biệt là nhà thờ còn dang dở “Sagrada Família”. Công trình được Gaudi chính thức đảm nhận khi ông mới chỉ 31 tuổi. Từ đó cho đến những năm cuối đời, hơn bốn mươi năm dài Gaudi dành trọn vẹn tâm huyết để xây nên một trong những nhà thờ độc đáo nhất thế giới. Theo ý tưởng của Gaudi, nhà thờ Sagrada Familia sẽ được xây dựng với 18 ngọn tháp, 12 tháp tượng trưng cho 12 vị thánh Tông Đồ, 4 tháp biểu tượng cho 4 vị thánh đã truyền bá Phúc âm, 1 tháp biểu tượng cho Đức Mẹ Maria, còn tháp cao nhất 170 m sẽ là hình tượng Chúa Giesu. Mặt tiền nhà thờ là vô vàn những cảnh tượng mô tả sự tích Giáng sinh và các truyền thuyết trong Kinh thánh với nhiều phù điêu cây cỏ hoa lá, dày đặc chi tiết.

Thành công với nghề nghiệp, nhưng ông đã phải bán cả gia sản để lo cho Sagrada Familia. Nhưng rồi Antoni Gaudi cũng không thể đi đến hết con đường cùng với Sagrada Familia. Cho tới nay, đã gần một thế kỷ trôi qua, Sagrada Familia vẫn là một công trình dang dở. Thiết kế của ông kỳ lạ đến mức không ai có thể hiểu và tiếp nối.

Antoni Gaudi dồn hết tâm huyết cho những công trình, những ý tưởng thiết kế “không giống ai”. Ngày 7/6/1926, cách đây 90 năm, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với ông khi ông đang đi dạo trên một con phố. Khi gây ra tai nạn ấy, có lẽ người lái xe cũng không nhận ra rằng mình đã cán phải một thiên tài lỗi lạc - kiến trúc sư Antoni Gaudi.

Ngọc Lan

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/cha-de-cua-7-di-san-van-hoa-the-gioi-20160610202050871.htm