'Cha đẻ của mật khẩu máy tính' qua đời ở tuổi 93

Nhà khoa học máy tính huyền thoại của MIT, Fernando Corbató đã qua đời tại nhà riêng ở Newton, Massachusetts; hưởng thọ 93 tuổi.

Fernando Corbató. Ảnh: TNW

Vợ của ông, bà Emily Corbato cho biết ông ra đi vì những biến chứng của căn bệnh tiểu đường. Sinh thời, những thành tựu nghiên cứu của ông trong những năm 60 của thế kỷ trước đã góp phần giúp con người phát triển máy tính cá nhân, và quan trọng hơn cả, chính là cụm mật khẩu mà chúng ta sử dụng hàng ngày để đăng nhập vào thiết bị cũng như những tài khoản.

Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal vào năm 2014, Corbató cho biết ông nghĩ ra khái niệm bảo vệ tài khoản của người dùng bằng mật khẩu khi thiết lập Hệ thống chia sẻ thời gian tương thích (Compatible Time-Sharing System), cho phép nhiều người sử dụng máy tính cùng lúc. Vấn đề lúc bấy giờ là thiết lập được một “vách ngăn" để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Động thái này đã giúp định hình bảo mật kỹ thuật số trong tương lai.

Giáo sư Corbató đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại Học viện Công nghệ Massachussetts, Mỹ. Ông từng quản lý một dự án vào đầu thập niên 60 mang tên C.T.S.S. (Hệ thống Chia sẻ Thời gian Tương thích), cho phép những cá nhân ở nhiều khu vực múi giờ khác nhau truy cập vào một hệ thống máy tính cùng lúc thông qua đường dây điện thoại.

Thời ấy, muốn sử dụng máy tính để thực hiện những tác vụ tính toán, con người sẽ phải “xếp hàng”, máy tính thực hiện nhiệm vụ của mình lần lượt theo từng lệnh mà con người nhập vào, và sẽ phải đợi đến ngày hôm sau để nhận kết quả từ máy tính. Quá trình này gọi là batch processing, và khi máy tính hoạt động, con người sẽ không can thiệp được vào quá trình.

Fernando Corbató thời trẻ.

Trong chương trình “A Solution to Computer Bottlenecks” vào năm 1963, giáo sư Corbató giải thích cách C.T.S.S. hoạt động. Thay vì một hệ thống máy tính đồ sộ, ông chỉ dùng một chiếc máy đánh chữ nối với những mạch điện tử. Trong chương trình đó, ông nói, máy tính có giá thành hoạt động rất cao, vì thế khoảng thời gian “chết” là thứ vô cùng lãng phí.

Với tính năng chia sẻ thời gian, thời lượng sử dụng máy tính được kiểm soát chặt chẽ bằng chương trình quản lý. Dù máy tính chỉ thực hiện được lần lượt mỗi lần 1 tác vụ, nhưng nó xử lý nhanh tới mức có thể hoàn thành một tác vụ và nhảy sang việc mới mà không có khoảng thời gian lãng phí.

Trong những năm cuối đời, Corbató nhận thức được rằng mật khẩu có những vấn đề chưa tốt, ông từng nói với Wall Street Journal rằng nó là “một cơn ác mộng" trên Internet.

Ngày nay, nhiều phương thức bảo mật khác được dùng để thay thế mật khẩu như các phương pháp sinh trắc học, tuy nhiên, công trình của ông sẽ luôn được mọi người nhớ đến như là một nền móng của máy tính này nay.

Fernando José Corbató sinh ngày 01/07/1926 tại Oakland, California. Cha của ông, Hermenegildo là một người Tây Ban Nha nhập cư vào Mỹ, và là một giáo sư văn học TBN tại trường đại học California. Giáo sư Corbato theo học UCLA vào năm 1943. Chỉ 7 tháng sau khi vào đại học, ông được hải quân Mỹ tuyển vào làm kỹ sư điện. Đến năm 1946, ông giải ngũ và theo học Học viện Công nghệ California, tốt nghiệp năm 1950 và vào MIT học lên tiến sĩ và làm việc mùa thu năm ấy.

Hoàng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cha-de-cua-mat-khau-may-tinh-qua-doi-o-tuoi-93-post65047.html